Người tiêu dùng Việt có còn hào hứng với Black Friday năm nay?

ngày 25/11/2021

Black Friday năm nay đến trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân thắt chặt chi tiêu. Một số người lựa chọn đi săn hàng giảm giá sớm hoặc trên mạng xã hội.

Black Friday (Ngày thứ sáu đen tối) là thời điểm được nhiều người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp bán lẻ chờ đợi nhất trong năm. Đây là dịp để các thương hiệu lớn tung ra các chương trình khuyến mãi lớn từ 20-70%.

Nếu như 3-4 năm về trước, người dân Việt Nam háo hức chờ đến ngày Black Friday để đi săn đồ hiệu giảm giá, thậm chí chen lấn, xô đẩy tranh giành, thì 2 năm trở lại đây khung cảnh ấy đã không còn.

Đặc biệt năm nay, vì ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, nhiều người cho rằng sẽ có một mùa Black Friday rất khác bất chấp những biển quảng cáo "sale lớn nhất trong năm", "bão sale 80%" từ các nhà bán hàng.

Người dân chen chúc mua sắm trong ngày Black Friday 3 năm trước. Ảnh: Quỳnh Trang.

Niềm hy vọng phục hồi của các nhà bán lẻ

Sau nhiều tháng đóng cửa vì giãn cách xã hội, tình hình kinh doanh ảm đạm, Black Friday - ngày hội mua sắm, khuyến mãi lớn nhất năm trở thành cơ hội cho các nhà bán lẻ phục hồi doanh thu.

Năm nay, đa số các nhà bán lẻ đều khởi động chương trình khuyến mãi Black Friday từ giữa tháng. Thậm chí, một số thương hiệu thời trang còn chia ra nhiều đợt giảm giá nhằm thu hút khách hàng sớm và giảm tình trạng chen lấn vào đúng ngày "Thứ 6 đen".

Thương hiệu thời trang giày và túi xách Aldo giảm giá 50% toàn bộ sản phẩm từ 18-20/11, giảm đến 70% một số sản phẩm, giảm 30% tất cả sản phẩm nguyên giá (trong ngày 26/11) và giảm thêm 5% sản phẩm đang giảm giá.

Thương hiệu trang sức Pandora giảm giá 50% cho nhiều sản phẩm đang được yêu thích và hoàn tiền cho khách từ 400.000 đồng đến 2,3 triệu đồng cho hóa đơn từ 3-10 triệu.

Trao đổi với Zing, bà Huỳnh Thị Kim Thanh - Giám đốc Siêu thị Aeon Tân Phú Celadon (TP.HCM) - chia sẻ: "Chúng tôi kì vọng sức mua của người dân trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nhâm Dần 2022 sẽ tăng so với năm 2021 nếu tình hình dịch tiếp tục được kiểm soát như hiện tại".

Black Friday là cơ hội để các nhà bán lẻ phục hồi sau dịch. Ảnh: Quỳnh Trang.

Theo đó từ 25-28/11, tại tất cả các trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị Aeon trên toàn quốc triển khai chương trình ưu đãi lớn nhất năm nhân dịp Black Friday, với hơn 100.000 sản phẩm như: Điện máy, đồ gia dụng, sức khỏe và sắc đẹp, thời trang, phụ kiện, giày dép...

Theo bà Thanh, thay vì tổ chức các sự kiện, chương trình kích cầu tại điểm bán như mọi năm, dịp mua sắm cuối năm này, để hạn chế tập trung nơi đông người, đơn vị đẩy mạnh vào các ưu đãi về giá để hỗ trợ và đồng hành cùng người dân.

Không chỉ vậy, nắm bắt tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, người dân có tâm lý ngại đi đến điểm mua sắm đông người, chị Thùy Trang - chủ cửa hàng quần áo, giày dép trên đường Phố Huế (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết năm nay thay vì chỉ giảm giá ở kênh offline, chị còn đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi lớn lên các trang mạng, thương mại điện tử để tạo ra nhiều cơ hội mua sắm hơn cho khách hàng.

"Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh phải giãn cách xã hội kéo dài nên tình hình kinh doanh không mấy khả quan. Dịp khuyến mãi Black Friday này tôi nhập thêm nhiều hàng hơn, đẩy mạnh khuyến mãi để vớt vát doanh số", chị nói.

Không còn háo hức trước "sale sập sàn, giảm giá 80%"

Theo khảo sát của Zing, một số người tiêu dùng cho biết sẽ tìm hiểu các mặt hàng giảm giá trong dịp Black Friday và chỉ mua thông qua hình thức online những sản phẩm thực sự cần thiết. Một số khác chia sẻ không mấy mặn mà với chương trình giảm giá vì vừa chi số tiền lớn "săn" sale ngày Lễ Độc thân 11/11.

Hồng Minh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng mức giá giảm dịp Black Friday thường là những mẫu cũ, mùa hè, lỗi mốt. "Một số hãng nổi tiếng có mức giá và hàng hóa khuyến mãi chất lượng hơn nhưng họ cũng không khuyến mãi trong 1 ngày mà kéo dài 5-6 ngày. Vì vậy, không nhất thiết phải đi đúng ngày cho đông đúc, dễ lây nhiễm và không có thời gian thử", chị nói.

Tương tự, nói về lý do không mấy mặn mà đi mua sắm Black Friday, chị Thanh Huyền (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết đã quá quen với các chương trình khuyến mãi mà các cửa hàng thời trang tung ra dịp này.

"Vì tâm lý ham rẻ nên cứ thấy giảm giá tôi mua mà không suy nghĩ đến tính thiết thực của sản phẩm. Nhiều mẫu quần áo chỉ mặc một lần rồi chán", chị Huyền nói.

Trên thực tế, trong những năm qua, ngày hội mua sắm Black Friday đã phần nào giảm nhiệt do ngày càng nhiều cửa hàng ra mắt chương trình khuyến mãi trước đó và kéo dài qua ngày lễ chính. Không khó để thấy các dịp khuyến mãi hàng tháng như 10/10, 11/11, 12/12...

Hành vi tiêu dùng, khả năng chi trả của người mua đã thay đổi sau đợt dịch kéo dài vừa qua. Ảnh: Phương Lâm.

Đối với các nhà bán lẻ, Black Friday là cơ hội để phục hồi, lấy lại doanh thu trong thời gian dài giãn cách xã hội. Tuy nhiên, với người tiêu dùng - hành vi tiêu dùng, khả năng chi trả của người mua đã thay đổi sau đợt dịch kéo dài vừa qua.

Thêm vào đó, khi số ca nhiễm Covid-19 vẫn gia tăng, người tiêu dùng lo ngại về việc xếp hàng tại các cửa hàng, trung tâm thương mại để săn đồ giảm giá.

Chị Hồng Nhung (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết dịp khuyến mãi năm nay chỉ tìm mua những sản phẩm phù hợp và cần thiết với mức giá tiết kiệm vì thu nhập của chị bị ảnh hưởng mạnh sau đợt dịch vừa qua.

"Tôi chú trọng hơn đến các sản phẩm, hàng hóa chăm sóc sức khỏe, công việc thay vì chỉ mua sắm quần áo, mỹ phẩm như trước. Tuy nhiên khó có thể tránh khỏi cám dỗ vì trên các trang mạng xã hội đều tràn ngập quảng cáo giảm giá Black Friday", chị thừa nhận.

"Cần giảm giá những thứ thiết thực hơn"

Ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội - cho rằng hiện nay các chương trình khuyến mãi giảm giá đều có "sạn" nhưng chưa được cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chưa kể một số chương trình khuyến mãi giá trị lớn ít được công khai minh bạch.

Ông Phú nhận định vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng chức năng trong việc kiểm soát giá bán và chất lượng hàng hóa trong các đợt khuyến mãi là rất quan trọng.

Cần phải giám sát, thống kê, công khai, minh bạch các chương trình khuyến mãi, nhãn hàng đưa khuyến mại, số tiền người tiêu dùng được hưởng từ khuyến mãi…

Đặc biệt, vị chuyên gia này cho rằng nhiều hàng hóa cần thiết thì không giảm giá lại giảm những sản phẩm không cần thiết.

"Hiện nay, trong bối cảnh thu nhập khó khăn, giá các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm đều tăng sao không có chính sách, chương trình giảm giá các loại hàng hóa đó?", ông Phú thắc mắc.

Bên cạnh đó, ông cũng cho biết một số doanh nghiệp bán hàng có trách nhiệm, khuyến mãi thật đã giữ chân được khách hàng.

Tuy nhiên, nhiều đơn vị khác lợi dụng các đợt khuyến mãi để nâng giá bán hoặc quảng cáo giảm giá 80% nhưng thực chất chỉ giảm 10-20% khiến cho một bộ phận người tiêu dùng mất niềm tin. Dần dần họ sẽ không mặn mà đến chuyện mua hàng giảm giá.

Nguồn: https://zingnews.vn/nguoi-tieu-dung-viet-co-con-hao-hung-voi-black-friday-nam-nay-post1279436.html