Hơn 3 năm sau ngày nghịch tử chặt xác bố, người mẹ luôn sống trong nỗi dằn vặt.
Hai mươi năm sống như "địa ngục"
Hai năm trước, tại cổng toà án nhân dân tối cao hôm xét xử vụ án, bà Nghiêm Thị Nguyên (52 tuổi, phường Bình Hàn, TP.Hải Dương, tỉnh Hải Dương) nghẹn đắng tâm sự, bà sẽ đi thật xa chứ không ở lại mảnh đất để lại trong bà nhiều kỷ niệm đau thương. Thời gian trôi qua, không biết có phải vì vết thương lòng đã dần nguôi ngoai, bà lại quyết định ở lại chính ngôi nhà từng chứng kiến bi kịch đổ ập lên đầu gia đình mình (?). Biết thông tin ấy, nhưng phải rất khó khăn, PV báo ĐS&HN mới gặp được người mẹ, người vợ từng trải qua nỗi đau quá lớn này.
Trải qua biết bao sóng gió cuộc đời, bà tâm sự : "Tội bất hiếu không thể tha thứ. Nhưng với bậc sinh thành, con sai một thì bố mẹ sai ba". Vừa nhắc lại quá khứ, đôi mắt bà đã đỏ hoe vì nỗi khổ tâm lại nhói lên, như vết dao nhọn cứa vào tim. Dõi ánh mắt nhìn vào khoảng không vô định, bà tự sự : "Người phụ nữ Việt Nam ai khổ nhất (?). Chú bảo có phải chị Dậu không (?). Nhưng ít ra, chị ấy còn có gia đình, còn được chồng con hết mực yêu thương. Chứ cái thân tôi, chồng hờ hững đã đành, lại còn thêm thói trêu hoa ghẹo nguyệt và vũ phu đánh đập vợ con như đập đất". Vừa nói, bà Nguyên vừa vén mái tóc ngả màu muối tiêu. Tôi giật mình khi thấy từ trán tới đằng sau gáy chằng chịt những vết sẹo là "tác phẩm" của chồng bà, ông Nghiêm Viết Yên ngày còn sống gây ra.
Thời son trẻ, bà Nguyên và chồng cùng là công nhân nhà máy mài đá. Được mọi người hai bên gia đình mai mối vun vén, ông bà nên nghĩa vợ chồng. "Ngày mới cưới nhau, cuộc sống gặp nhiều khó khăn thiếu thốn nhưng gia đình luôn đầy ắp tiếng cười hạnh phúc. Chồng tôi vốn là người yêu vợ, thương con, nhưng khi cuộc sống no đủ thì ông ấy sinh tật, trai gái lăng nhăng. Nguồn cơn bi kịch khiến gia đình tôi tan vỡ cũng từ đấy", bà tâm sự với những giọt nước mắt mặn chát.
Bà Nghiêm Thị Nguyên, mẹ của nghịch tử Nghiêm Viết Thành
Bà còn nhớ khi vừa sinh Nghiêm Viết Thành (năm 1991) thì chồng đi sang Cộng hòa Séc theo diện xuất khẩu lao động. Một nách hai con nhỏ (Thành có một chị gái hơn y 3 tuổi – PV), phải chịu bao vất vả cơ cực, nhưng bà vẫn cắn răng vượt qua được. Chồng đi biền biệt mấy năm, những cuộc điện thoại, những khoản tiền gửi về cho vợ con ở nhà cũng chẳng thấy tăm hơi. Trực giác người phụ nữ mách bảo có chuyện chẳng lành. Bà hỏi thăm những người cùng quê lao động với chồng nơi xứ người về thăm gia đình thì biết tin động trời: Chồng mình có bồ nhí nên quên hết vợ con ở chốn quê nhà. "Nghe tin ấy, tôi chỉ biết ngồi ôm các con vào lòng mà than trách, khóc thương cho số phận. Nhưng không muốn mái ấm gia đình tan vỡ, các con lớn lên mà không có cha, tôi đã gửi hai đứa con thơ dại lại cho bố mẹ già yếu chăm sóc để sang Cộng hòa Séc tìm chồng. Lúc tôi đi, thằng Bờm (Thành - PV) mới có 3 tuổi", bà vẫn gọi đứa con mang tội bất hiếu với cái tên thân thuộc ngày nào. Trong mắt bà Nguyên, Thành vẫn là đứa con trai bé bỏng, cần mẹ chở che.
Bà tâm sự: "Tôi định sang bên đó một thời gian ngắn tìm gặp ông ấy để nói rõ mọi chuyện, kéo ông ấy về với gia đình. Vậy mà cuối cùng, tôi đã xa các con một mạch gần hai chục năm trời. Thiếu hơi ấm tình thương, chăm sóc của mẹ, con tôi mới biến thành kẻ sát nhân. Chính tôi mới là người gây ra mọi chuyện", nói đến đây, giọng bà như lạc đi. Bên trời Tây ngần ấy năm, bà chưa được một giấc ngủ yên, trong lòng bà luôn ray rứt nỗi nhớ thương các con nơi quê nhà. Trách chồng, giận chồng ăn ở bạc nhiều lắm, nhưng bà vẫn cam lòng nhận phần lỗi lớn về mình.
Bà kể, từng có lúc khi phải hứng chịu những trận đòn roi nghiệt ngã của chồng bên xứ người, bản thân muốn về ngay với các con nơi quê nhà. Nhưng lúc ấy, bà phải cố nén lại, phần vì điều kiện kinh tế chưa cho phép, phần vì muốn gom góp thêm chút vốn liếng lo cho tương lai hai con. Bả trải lòng: "Lúc chồng về nước, tôi định ở lại thêm mấy năm nữa rồi cũng về theo. Tôi lao động cực nhọc bên kia cũng chỉ muốn mang lại cuộc sống đầy đủ cho các con mình, vậy mà ngày đoàn viên bao năm tôi mong ước lại chìm trong nỗi xót xa. Nếu như tôi về nước sớm hơn, nếu con tôi không thiếu bàn tay người mẹ, chắc mọi chuyện đã không xảy ra như vậy". Trong cả buổi trò chuyện, bà Nguyên nói nhiều hai từ "nếu như". Nhưng giờ, mọi thứ với người vợ, người mẹ tội nghiệp này thì cái giả thiết ấy đặt ra chỉ để làm gợi thêm những nuối tiếc.
Khát khao thêm một ngày làm tròn trách nhiệm
Bốn năm đã qua, nhưng tội ác man rợ của Nghiêm Viết Thành giết bố rồi chặt xác để phi tang vẫn khiến mọi người rùng mình khi nhắc lại. Đáng sợ hơn, ba ngày sau đó, nghịch tử này vẫn ăn ngủ bình thường. Bà Nguyên không ngờ hai đứa con mình đứt ruột đẻ ra tính cách lại trái ngược nhau một trời một vực như vậy. Nếu người chị gái ngoan hiền học giỏi, thì Thành lại ham mê game, vùi đầu vào thế giới ảo trên mạng.
Nghiêm Viết Thành ngày ra trước vành móng ngựa.
"Năm 2006, nhớ con quá nên tôi đón thằng Thành sang bên kia ở một năm. Chứng kiến bố đối xử với tôi tệ bạc, Thành bức xúc và bất bình lắm. Thấy con tỏ thái độ bất mãn, tôi khuyên cháu không được hỗn hào. Nghe lời tôi, suốt thời gian bên ấy, Thành không nói nặng với bố một lời nào nữa. Vậy mà… ", bà bỏ lửng câu nói, túm áo lau vội những giọt nước mắt.
Ngày nghe toà tuyên án tử cho đứa con mất hết nhân tính, người mẹ khuỵu xuống, tim đau thắt quặn. Trong phút chốc, tổ ấm mà bà chịu bao cay cực, tủi hổ để níu kéo biến thành tấn bi kịch nhuộm màu tang thương. Đang có một gia đình, một mái ấm như bao người khác, nhưng giờ bà phải chứng kiến chồng chết, con trả giá bằng mạng sống vì những tội ác mà y gây ra. Sự mất mát quá lớn cùng với những dằn vặt, hối hận khiến bà bị trầm cảm nặng. "Hai năm sau đó, tôi phải sống trong bệnh viện 108, bệnh viện tâm thần. Được người thân động viên, tôi dần tĩnh tâm lại. Tôi đã hơn 50 tuổi rồi. Cả đời tôi liên tiếp phạm những sai lầm nên giờ phải trả giá. Quãng đời còn lại, tôi muốn bù đắp những gì mình chưa làm được cho các con. Ước gì, tôi được chịu tội thay cho nó", người mẹ bất hạnh tâm sự từ tận đáy lòng mình.
Bà bảo mỗi khi có nhân viên văn thư đến nhà, bà lại giật mình thon thót, sợ có tin chẳng lành từ trong trại giam báo về. Bốn năm nay, ngày nào bà cũng ăn chay niệm Phật. Mỗi một ngày trôi qua, bà lại cầu mong có thêm một ngày để được đi thăm, gặp mặt đứa con trai lạc lối. "Mười hôm nữa, tôi lại được được gặp nó rồi. Gần một năm nay tinh thần nó cũng khá hơn. Nó ăn năn hối lỗi về những việc nó đã làm", bà kể lại.
Người mẹ cam chịu thói vũ phu của chồng hết lòng vì con cái tâm sự, mỗi lẫn đến thăm con, trước mặt con bà phải tỏ vẻ tươi cười, để cho con an lòng. Nhưng khi bước ra khỏi phòng, nước mắt bà nhoè ướt vì thương con và hối hận. Bà Nguyên nói về ý nghĩa duy nhất khiến bà còn tồn tại: "Mỗi khi bước ra khỏi trại thăm con, tôi nơm nớp lo sợ, sợ ông trời không thương xót để tôi thêm một lần được làm tròn trách nhiệm bậc sinh thành".
Tội ác kinh hoàng của nghịch tử chặt xác cha Khoảng gần 23h ngày 6/5/2009, Nghiêm Viết Thành (SN 1991, trú tại phường Bình Hàn, TP.Hải Dương, Hải Dương) khi đó đang là học sinh trường THPTDL Thành Đông (TP.Hải Dương) đi học về và bị cha là ông Nghiêm Viết Yên (SN 1958) quát mắng về việc về muộn, mải chơi game. Bực tức, Thành dùng dao inox chém nhiều nhát vào cha mình khiến ông Yên tử vong tại chỗ. Thành đã tìm một con dao nữa mang vào nhà tắm mài sắc để chặt xác rồi chở các phần thi thể ra cầu Hải Tân, TP.Hải Dương) cách nhà khoảng 3km vứt xuống sông phi tang. Tháng 9/2011, Thành bị TAND tối cao tuyên án tử hình. |
Theo L.N (Đời sống & Hôn Nhân)
{fcomment}
-
Mỹ ngạc nhiên trước quyết định rút khỏi ISS của Nga
-
Liverpool - Real: Song sát rực sáng
-
Thời tiết lạnh, dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội vẫn chưa hạ nhiệt
-
Nga dọa phong tỏa tuyến bay qua Siberia
-
Chàng MC sinh viên nổi tiếng dự định mở triển lãm Trường Sa
-
Bạn gái tôi nguyện dâng hiến cho hiệu trưởng mà không toan tính
-
Mua nhà tháng cô hồn, vợ kêu ca tôi ly hôn ngay lập tức
-
Thiếu nữ gầy trơ xương vì giảm cân quá đà
-
Hà Nội đón đợt nắng 36 độ C, chấm dứt thời tiết nồm ẩm
-
Nhập viện điều trị, mặt biến dạng vì tiêm chất làm đầy vào mũi, má