Ngân hàng nào `đạt chuẩn` sáp nhập với Vietcombank và BIDV?

ngày 29/12/2014

Nhiều khả năng, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam sắp đón một bước đi mới, với sự vào cuộc chính thức của các “ông lớn” quốc doanh.
 
Mới đây, có một thông tin được nhiều người chú ý: Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường, hôm 25/12. Một nội dung quan trọng đã được đưa ra tại đây: chủ trương sáp nhập một tổ chức tín dụng khác vào Vietcombank.

Không phủ nhận, không khẳng định

Theo quy định hiện hành, cả Vietcombank và đối tác dự kiến sáp nhập đều không được phép công bố các thông tin liên quan, khi chưa hoàn tất các quy trình báo cáo, xin phép, thẩm định, phê duyệt… với các cơ quan chức năng, kể cả cấp Chính phủ.

Ngân hàng nào `đạt chuẩn` sáp nhập với Vietcombank và BIDV?
Ngân hàng nào `đạt chuẩn` sáp nhập với Vietcombank và BIDV?
Khi trả lời PV, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank, cũng nhấn mạnh đến quy định trên, và từ chối thông tin cụ thể.

Song ông Thành cũng cho biết, đối tác mà Vietcombank tìm hiểu để có thể tiến tới sáp nhập là “một ngân hàng thương mại tốt, có cơ sở hạ tầng, mạng lưới tốt, để cùng tạo lợi ích tốt hơn, thuận lợi hơn sau sáp nhập” (nếu tiến hành thành công).

Việc tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường, cũng được giải thích là để thông qua chủ trương, sau đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, cũng như tìm hiểu cụ thể và triển khai các bước cần thiết.

Chủ tịch Vietcombank khẳng định rằng, chủ trương trên, cũng như kế hoạch Vietcombank đang xúc tiến, không phải theo chỉ định của Ngân hàng Nhà nước, như để xử lý một ngân hàng yếu kém nào đó, mà hoàn toàn theo nguyên tắc tự nguyện.

“Chúng tôi xét thấy kế hoạch đó, đối tác đó phải thực sự có lợi mới làm. Bởi Vietcombank là một ngân hàng đại chúng, có sự giám sát của các cổ đông, đặc biệt là cổ đông chiến lược nước ngoài.

Việc sáp nhập một ngân hàng khác sẽ phải đặt lợi ích của cổ đông lên hàng đầu, phải mang lại giá trị cho Vietcombank. Đặc biệt, hiện nay, để mở rộng mạng lưới ngân hàng nói chung là rất khó”, ông Thành nói.

Ông cũng cho biết thêm, với Ngân hàng Xây dựng (VNCB), Vietcombank chỉ thực hiện hỗ trợ và cử người phối hợp quản lý sau sự cố vừa qua.

Trong khi đó, thông tin trên thị trường đã đề cập đến khả năng đối tác sáp nhập với Vietcombank là Ngân hàng Sài Gòn Công Thương (Saigonbank). Lãnh đạo Vietcombank không phủ nhận thông tin này, nhưng cũng không khẳng định. Quy định hiện hành không cho phép họ nhắc đến một cái tên cụ thể.

“Môn đăng hộ đối”?


Ở một trường hợp khác, thời gian gần đây PV nhận được phản ánh từ một số cán bộ nhân viên một ngân hàng nhỏ ở phía Nam. Họ có “tâm trạng” trước khả năng có thay đổi lớn: có thể ngân hàng mình sẽ sáp nhập vào Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Đó là tâm trạng về sự gắn bó với một thương hiệu, với quá trình đi lên của một ngân hàng tuy nhỏ nhưng không yếu kém; họ vẫn hoạt động tốt tại các địa bàn cơ sở của mình, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Ngược lại, trong những phản ánh đó, việc sáp nhập vào ngân hàng lớn với nhiều ưu thế cạnh tranh như BIDV, nếu có, cũng là một cơ hội để họ cùng có cơ hội bật lên, khi mà cạnh tranh giữa các ngân hàng ngày càng lớn, mà lợi thế không nhiều ở các ngân hàng nhỏ.

Theo quy định công bố thông tin, hiện cả hai trường hợp trên hiện đều đang ở dạng giả thiết, dù thực tế thì có thể đã có những bước đi cần thiết.

Trong trường hợp hai cuộc “hôn nhân” này hiện thực, hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam sẽ tiếp tục gọn lại về số học; một số cá thể trong hệ thống cũng lớn lên về quy mô. Với Vietcombank và BIDV, nếu theo hướng này, họ sẽ có thêm một bước đáng kể về quy mô, khi yêu cầu so sánh không còn nằm trong phạm vi nội địa nữa.

Dù sao, với những thông tin gợi mở bước đầu như trên, có thể thấy hai điểm đáng chú ý. Một là, Vietcombank hay BIDV nếu vào cuộc trong quá trình tái cơ cấu, thì đây là một nét mới, nhưng không nằm trong yêu cầu bắt buộc/chỉ định từ Ngân hàng Nhà nước, mà được xem là tự nguyện.

Hai là, các đối tác sáp nhập dự kiến sẽ là những ngân hàng không thuộc nhóm yếu kém, nên quá trình tiến hành có thể sẽ thuận lợi hơn và dễ nhận được sự ủng hộ của các cổ đông hơn.

Theo VTC News