Lương giáo viên gây bức xúc dai dẳng

ngày 14/12/2015

Lương thấp, công việc nhiều, áp lực cao nên yêu cầu giáo viên phải đổi mới không hề dễ

TS Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, tại hội thảo “Giải pháp nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên (GV) tiểu học TP HCM đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục” do Viện Nghiên cứu giáo dục - Trường ĐH Sư phạm TP HCM tổ chức ngày 11-12 nêu thực tế: “Nghề giáo là nghề kỹ sư tâm hồn - nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Tuy nhiên, một kỹ sư tâm hồn mắt lúc nào cũng láo liên, choài đạp, làm thêm hết cái này đến cái kia mà sống, làm sao dạy tốt được?!”.

Không xứng với trình độ

ThS Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng Phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP HCM, cho hay tại nhiều quốc gia trên thế giới, GV nhận được rất nhiều ưu đãi: lương cao, có phòng làm việc riêng, ra về đúng giờ, được hỗ trợ mua xe, miễn phí các phương tiện công cộng… Trong khi đó, ở Việt Nam, lương GV mới tốt nghiệp ĐH chỉ trên dưới 3 triệu đồng/tháng mà yêu cầu về kỹ năng, phương pháp, chương trình giảng dạy ngang bằng thế giới là rất duy ý chí.

Đồng ý với ý kiến này, cô Võ Hoàng Diễm Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Việt Hồng (quận 3, TP HCM), nêu thực trạng giáo viên ngại đổi mới do mức lương không thỏa đáng. Điển hình, khi áp dụng Thông tư 30, GV rất lúng túng, có người còn thẳng thắn tâm sự: “Lương không tăng mà việc càng nhiều, sao làm hết?”.

Lương giáo viên gây bức xúc dai dẳng - 1

Chế độ lương chưa thật sự khuyến khích giáo viên trẻ nâng cao trình độ tay nghề Ảnh: TẤN THẠNH

PGS-TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục - Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho biết đã thực hiện một cuộc điều tra với quy mô trên 9 quận, huyện với số lượng gần 1.000 phiếu câu hỏi, qua đó cho thấy một bức tranh đáng buồn: phần lớn GV tiểu học tại TP HCM hiện đều tốt nghiệp CĐ, ĐH, trong đó GV tốt nghiệp ĐH chiếm số đông nhất. Đáng nói là đời sống GV lại không tương xứng với trình độ. Cụ thể, mức thu nhập của GV tại TP HCM từ 4-6 triệu đồng/tháng chiếm số đông (37%), thu nhập trên 6 triệu đồng cũng chiếm tỉ lệ ngang bằng (37%). Tuy nhiên, đến 66,9% GV cho rằng thu nhập hiện tại không đáp ứng nhu cầu cuộc sống gia đình. Chỉ 39% GV có nhà ở riêng, còn 51,5% đang ở nhờ gia đình bố mẹ, 95% GV có xe máy.

“Tuy đây là mức khá so với GV ở các địa phương khác nhưng ở TP HCM, giá sinh hoạt cao, nhu cầu đời sống đa dạng nên cuộc sống của GV vẫn khó khăn, đặc biệt là tới 53,8% GV phải dạy thêm để tăng thu nhập. Một bộ phận còn lại phải làm thêm, bươn chải để kiếm sống nhưng việc làm không gắn với chuyên môn. Như vậy, GV rất dễ bị phân tâm trong hoạt động chuyên môn, không thể toàn tâm toàn ý cho hoạt động dạy học” - PGS Oanh cho biết.

Cho học sinh chọn giáo viên?

Nhiều ý kiến tại hội thảo chỉ ra rằng chính cơ chế trả lương GV theo kiểu cào bằng như hiện nay không thể thu hút những người giỏi vào nghề sư phạm. Thầy Lê Phan Vương Quốc, GV Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (quận Bình Thạnh, TP HCM), cho hay một trong các nguyên nhân khiến GV ngại đổi mới, ngại nâng cao trình độ là chế độ lương bổng vẫn theo hình thức thâm niên nên chưa thật sự khuyến khích, động viên GV trẻ nâng cao trình độ tay nghề.

Còn PGS-TS Hoàng Thị Tuyết, Khoa Giáo dục tiểu học Trường ĐH Sư phạm TP HCM, thẳng thắn nói rằng cách trả lương theo kiểu cào bằng như hiện nay rất vô lý. Có những GV làm việc rất nhiều, đóng góp đáng kể nhưng mức lương vẫn thấp do đi học nước ngoài khiến thâm niên bị gián đoạn. Nếu không thay đổi cơ chế này, rất khó để GV toàn tâm toàn ý với nghề.

Theo TS Hồ Văn Hải, Trưởng Khoa Giáo dục tiểu học Trường ĐH Sài Gòn, thu nhập của nghề dạy học so với các nghề khác là một trời một vực. “Vì thế, ngành giáo dục nói chung và giáo dục tiểu học nói riêng ít hấp dẫn học sinh thi vào. Học sinh thì “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, nhất là những em có trình độ khá. Do đó, kỳ vọng học sinh giỏi của TP thi vào ngành sư phạm là chuyện xa vời” - TS Hải nói.

Cũng theo TS Hồ Văn Hải, cách xét tăng lương dựa trên danh hiệu chiến sĩ thi đua cộng với thâm niên đã không còn phù hợp. Nên chăng, nhà nước phải khởi động tính cạnh tranh trong giáo dục ĐH. Người học có đủ năng lực và quyền chọn thầy thì mới tạo áp lực lên người dạy, khiến họ phấn đấu để có “đơn giá” riêng. Qua sự lựa chọn của người học, nhà nước có cơ sở xóa bỏ chủ nghĩa bình quân và cơ chế thâm niên trong phân chia thu nhập vốn đã quá lỗi thời. Ngoài ra, lấy cạnh tranh làm phương tiện quản lý và điều hành tại các cơ sở đào tạo GV tiểu học sẽ củng cố năng lực người dạy khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Trình độ mai một vì bám sách

PGS-TS Hoàng Thị Tuyết đặt vấn đề: Khi GV quá lệ thuộc vào một bộ sách, thậm chí biết sai mà không dám sửa vì nghĩ sách là pháp lệnh, người viết sách là “thánh” thì sự sáng tạo sẽ mất đi. “Khi chúng tôi đi tập huấn cho GV, có GV phản ánh chỗ này, chỗ kia trong sách sai. Tuy nhiên, khi được hỏi có dám sửa không, có dám dạy khác sách không, tất cả đều trả lời không” - bà nói.

Theo PGS-TS này, giáo dục yêu cầu GV dạy cho học sinh tính chủ động, sáng tạo nhưng chính người thầy lại không được chủ động, sáng tạo thì vô tác dụng. Cơ chế GV bám sách, dạy giờ nào, bài nào, bao nhiêu phút biến ngôi trường hoạt động theo phương thức pha chế sẵn hơn là tạo điều kiện cho GV tự thực hành. Đây là nguyên nhân khiến trình độ GV ngày càng mai một.

Chính vì thế, việc bồi dưỡng GV cần tập trung 5 giải pháp: Nâng cao thực hành ngôn ngữ; tạo điều kiện cho giáo viên tự học, tự bồi dưỡng thường xuyên; học theo dự án; tập trung bồi dưỡng chuyên môn, bớt học hời hợt; triển khai chương trình sách giáo khoa ít chuyên môn hóa hơn, có hướng mở. Khi đó, GV tự ra quyết định cho việc dạy và học của mình, tuyệt đối không cầm tay chỉ việc.

Nguồn 24h