Loạt đề xuất loại bỏ tham nhũng và thao túng trong lĩnh vực ngân hàng

ngày 27/03/2019

VAFI đề xuất mở “room” để mời gọi ngân hàng nước ngoài có uy tín (theo tiêu chuẩn mà NHNN ban hành) tham gia nhằm thu hút vốn và công nghệ. Trong đó, với NHCP kinh doanh hiệu quả, trần sở hữu của cổ đông ngoại nên là 49% và một ngân hàng nước ngoài được tham gia mua tối đa 40%, nắm giữ trong thời hạn tối thiểu 5 năm.

Trong một văn bản đề ngày 26/3 gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhằm hiến kế tăng cường thu hút vốn và công nghệ quản lý từ ngân hàng nước ngoài, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) đánh giá, những năm gần đây, khối ngân hàng thương mại nhà nước và khối ngân hàng tư nhân Việt Nam (NHCP) đã có một số tiến bộ như cổ phần hóa, niêm yết, thu hút vốn từ nhiều cổ đông tổ chức, cá nhân khắc phục các mặt yếu kém về quản trị doanh nghiệp và giảm bớt nợ xấu…

Tuy nhiên, để làm cho hệ thống ngân hàng trong nước thực sự lành mạnh và phát triển bền vững, VAFI cho rằng, cần phải mở ra khuôn khổ pháp lý để khối ngân hàng trong nước có điều kiện thuận lợi thu hút vốn và công nghệ quản lý từ các ngân hàng nước ngoài và với mục tiêu không còn mảnh đất màu mỡ cho tiêu cực tham nhũng và nợ xấu phát triển.

VAFI cho rằng việc nới "room" ngoại sẽ loại bỏ được tham nhũng và tình trạng thao túng trong lĩnh vực ngân hàng (ảnh minh hoạ: TTXVN)

Có chế tài cụ thể để cấm xung đột lợi ích

Nêu kiến nghị đối với NHNN, VAFI cho rằng, NHNN cần có những quy định mới trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự cho hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng tư nhân trong nước theo thông lệ quản trị tiên tiến nhất.

Theo đó, có quy định cấm thành viên HĐQT, chủ ngân hàng, thành viên Ban điều hành… xung đột lợi ích, xâm phạm lợi ích công ty với những qui định, chế tài cụ thể.

Công tác tuyển dụng phải đảm bảo chất lượng, khách quan, phải tạo ra cơ chế để không một ai trong ngân hàng (bao gồm cả Chủ tịch, Tổng giám đốc, Giám đốc nhân sự) dùng ảnh hưởng cá nhân để tuyển dụng hay bổ nhiệm những người không hội đủ năng lực, phẩm chất.

VAFI cũng cho rằng, NHNN cần ban hành qui chế cho vay tín dụng để đảm bảo qui trình cấp tín dụng là chặt chẽ và có trách nhiệm. Nghiêm cấm các hành vi thông đồng, trục lợi, tham nhũng trong cho vay vốn.

Theo VAFI, cơ quan quản lý phải tạo cơ chế để hội đồng tín dụng thực sự hoạt động có trách nhiệm và độc lập. Không một ai trong ngân hàng (từ lãnh đạo đến cổ đông chi phối) có quyền áp đặt chủ quan quyết định việc cấp tín dụng mà đi ngược lại ý kiến của tập thể.

Chấm dứt tình trạng NHCP là một thành viên của tập đoàn tư nhân

Tại văn bản này, VAFI kiến nghị quyết liệt thay đổi cơ cấu cổ đông trong khối ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước, ngân hàng tư nhân theo hướng: giảm tỷ trọng cổ phần nhà nước, phải thực sự chấm dứt tình trạng ngân hàng cổ phần là một thành viên của tập đoàn tư nhân, do các thành viên góp vốn và cung cấp tín dụng cho các thành viên…

Theo VAFI, Chủ tịch HĐQT của ngân hàng cổ phần phải hoạt động chuyên nghiệp, không kiêm nhiệm các chức vụ khác và về thực chất không phải là chủ tịch của một tập đoàn. Nếu một tập đoàn tài chính có tham gia góp vốn thì Chủ tịch của Tập đoàn đó không được trực tiếp làm Chủ tịch ngân hàng cổ phần mà phải cử đại diện chuyên trách.

Bên cạnh đó, việc khuyến khích các tổ chức trong nước và nước ngoài tham gia góp vốn mua cổ phần cũng được đề cập – đây cũng là kiến nghị mà VAFI cho là quan trọng nhất. Muốn vậy, VAFI đề xuất mở “room” để mời gọi ngân hàng nước ngoài có uy tín (theo tiêu chuẩn mà NHNN ban hành) tham gia nhằm thu hút vốn và công nghệ.

Trong đó, với NHCP kinh doanh hiệu quả, room nên là 49%. Một ngân hàng nước ngoài được tham gia mua tối đa 40% và phải nắm giữ trong thời hạn tối thiểu 5 năm. Nếu chuyển nhượng thì cũng phải chuyển cho một ngân hàng nước ngoài khác có uy tín. Theo VAFI, đặt ra điều kiện này “hơi chặt chẽ” nhưng để đảm bảo NHCP không bị tham nhũng hay thao túng.

Còn với những ngân hàng yếu kém, hoạt động không hiệu quả thì cho phép NHNN có uy tín và tiềm lực tài chính mạnh mua tối đa 100% và với các điều kiện chuyển nhượng như trên.

Theo: Dân trí