“Lạm phát giảm do... không còn tiền”

ngày 02/06/2013

Theo đại biểu Quốc hội, lạm phát thấp không còn được nhìn nhận là thành tích mà kết quả của chu kỳ kinh doanh, chu kỳ tăng trưởng đang đi xuống. Do đó, lãi suất cho vay cần phải giảm thêm để giúp doanh nghiệp đang gặp khó khăn dễ tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

 

Hàng nghìn doanh nghiệp ứ động vốn do hàng tồn kho tăng cao

 Hàng nghìn doanh nghiệp ứ động vốn do hàng tồn kho tăng cao (Ảnh minh họa).

Lạm phát không còn là con ngựa bất kham

 

Đánh giá về thực trạng nền kinh tế, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng, sau 5 tháng đầu năm phấn đấu nhưng bức tranh kinh tế ảm đạm hơn với trên 69% doanh nghiệp báo lỗ. Cả hàng và tiền đều ách tắc đặc biệt là thành thị, các chỉ số tăng trưởng trong nông nghiệp thấp hơn so với cùng kỳ năm trước và vốn được coi vững chắc nhất là nông nghiệp cũng đang lung lay theo chiều hướng xấu đi rõ rệt.

 

Theo đó, mục tiêu tăng trưởng 5,5% được đánh giá là rất khó đạt trong khi “lạm phát thấp không còn được nhìn nhận là thành tích mà kết quả của chu kỳ kinh doanh, chu kỳ tăng trưởng đang đi xuống”, hay nói như một số ý kiến, “lạm phát giảm do không còn tiền mà tăng chứ không hẳn do kiềm chế giỏi”.

 

Đánh giá về điểm nổi bật của kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm, đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng, đó là đã kìm chế được lạm phát.

 

“Trước đây, ta xem như lạm phát là con ngựa bất kham, nhưng trong thời điểm hiện nay với điều kiện ngắn hạn, lạm phát không còn là con ngựa bất kham và đây là cơ hội. Nếu trước đây, do bất ổn kinh tế vĩ mô, chúng ta không tiến hành được các biện pháp mạnh để tái cơ cấu kinh tế thì nay là thời điểm thuận lợi và điều kiện để chúng ta tiến hành những biện pháp mạnh mẽ hơn để hướng tới mục tiêu trung và dài hạn. Nếu chúng ta bỏ lỡ cơ hội, loay hoay những biện pháp nhất thời thì chẳng mấy chốc lạm phát quay lại và chúng ta rơi vào vòng luẩn quẩn”, đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh.

 

Trước thực tế này, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng: “Quốc hội và Chính phủ phải làm thế nào để sau vài ba năm nữa, nền kinh tế Việt Nam có thể phục hồi và quay lại thế phát triển như thời kỳ vàng son 1991, 1996, 2001, 2007. Nếu chúng ta nói nhiều đến hy sinh tăng trưởng hay lạm phát, xin thưa rằng kinh tế Việt Nam nếu không tăng trưởng được bảy, tám phần trăm mỗi năm trong vài thập niên thì chúng ta đừng nghĩ có thể đạt được mục tiêu công nghiệp hóa và cũng không có tiền đề vật chất để xử lý vấn đề tiến bộ xã hội. Cái bánh GDP mà teo tóp thế này thì không có gì để mà chia”.

 

Một trong những nhóm giải pháp để vực dậy nền kinh tế, theo vị đại biểu này là phải xây dựng một chương trình mục tiêu trung hạn. Đó là chương trình phục hồi tăng trưởng kinh tế, chủ đạo là chính sách lạm phát mục tiêu chuyển từ chuyện chống lạm phát bị động sang lạm phát chủ động với mức tăng chỉ số giá tiêu dùng khoảng 6,5% - 7% trong 3 năm 2013 - 2014 - 2015 và sẽ kéo giảm xuống dưới 5% cho giai đoạn tiếp theo.

 

Trên tinh thần lạm phát mục tiêu như vậy, đại biểu Lịch đề nghị có sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chi tiêu công để làm sao trong 3 năm từ 2013 - 2015 tổng đầu tư xã hội đạt mức 30 - 32% GDP.

 

Đề xuất hạ lãi suất cho vay xuống 8%

Theo phản ánh của đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) phản ánh, 4 tháng đầu năm có 16.600 doanh nghiệp giải thể. Lãi suất giảm, ngân hàng thừa vốn nhưng doanh nghiệp lại khó tiếp cận được vốn. Doanh nghiệp đang phải gồng mình trả lãi với lãi suất lên tới 15 - 16 % đối với các khoản nợ vay quá hạn.

Vì vậy, đại biểu Sơn đề nghị Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất tiền vay xuống 8%, khoanh nợ các khoản vay cũ, các khoản vay quá hạn doanh nghiệp chưa trả được. “Đề nghị áp dụng ngay lãi suất giảm dưới 10% áp dụng hồi tố từ ngày 1/1/2013. Ngân hàng cần điều chỉnh thủ tục vay rườm rà, giúp doanh nghiệp đang gặp khó khăn dễ tiếp cận nguồn vốn tín dụng”, đại biểu Nguyễn Cao Sơn bày tỏ.

 

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Sơn, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho rằng, số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng 16,9% và số doanh nghiêp đăng ký mới giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2012 cho thấy, lực lượng góp phần lớn vào tăng trưởng kinh tế vẫn đang chưa có dấu hiệu phục hồi.

 

“Lãi suất cho vay của ngân hàng cũng cần phải tiếp tục điều chỉnh theo hướng giảm. Mức lãi suất cho vay ở các lĩnh vực ưu tiên hiện nay từ 9% đến 11% và ở các lĩnh vực khác là 11% đến 13%/năm vẫn cao nên chưa đủ sức hấp dẫn các doanh nghiệp. Điều này đang hạn chế sự phục hồi, phát triển các doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế”, đại biểu Thúy nói.

 

Đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội), đồng thời là lãnh đạo một ngân hàng lớn đưa đến nghị trường một thông tin: Hiện tại chênh lệch lãi suất cho vay và lãi suất huy động chỉ khoảng 1,5% đến 1,8%, đây là mức thấp nhất từ trước đến nay, lãi suất ngân hàng không còn là rào cản tiếp cận vốn đối với doanh nghiệp.

 

Nói về tăng trưởng tín dụng, đại biểu Phạm Huy Hùng cho rằng, ngân hàng cũng là doanh nghiệp với chức năng cho đi vay để cho vay, việc không cho vay được trong khi nguồn vốn huy động vẫn tăng dẫn đến ngân hàng thừa tiền. Để đẩy vốn ra, hiện nay nhiều ngân hàng thương mại đã giao khoán chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đến từng chi nhánh, tìm kiếm khách hàng tốt, cạnh tranh cho vay với lãi suất thấp hơn lãi suất huy động.

 

Qua việc tìm kiếm khách hàng để cho vay, ngân hàng thấy rằng, những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tốt thì hoạt động cầm chừng, nhu cầu vay thấp. Một bộ phận doanh nghiệp khác có nhu cầu vay vốn thì không có phương án kinh doanh khả thi, tiềm ẩn rủi ro cao, vốn cho vay ra không có khả năng thu hồi.

 

“Nếu ngân hàng cho vay sẽ làm nợ xấu tăng trở lại và chúng ta lao vào vòng luẩn quẩn nặng hơn, không thể tháo gỡ được. Khó khăn hiện nay, vấn đề cốt lõi là sức mua của nền kinh tế vẫn giảm, hàng hóa tồn kho lớn, năng lực tài chính của doanh nghiệp hạn chế, cầu có khả năng thanh toán vẫn chưa được cải thiện. Giải quyết vấn đề này cần kích cầu, đầu tư tiêu dùng, giải phóng hàng tồn kho và khôi phục niềm tin của thị trường”, đại biểu Phạm Huy Hùng nhấn mạnh.

 

Nguyễn Hiền

 

 

 

{fcomment}