Kịch bản nào cho Uber tại Việt Nam?

ngày 02/12/2014

Sau đây là những nhận định về Uber trong bối cảnh dịch vụ này đang gặp phải vấn đề về pháp lý tại Việt Nam hiện nay của ông Nguyễn Khoa Hồng Thành, một chuyên gia về truyền thông tại TP.HCM.
Tranh cãi xung quanh vấn đề Uber không chỉ diễn ra tại Việt Nam mà trên đa số các nước dịch vụ này có mặt. Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia khác nhau thì cách tiếp cận cũng sẽ hoàn toàn khác nhau. Cụ thể ở Việt Nam, Uber đang đối mặt với những vấn đề gì?

Thách thức đối với các hãng taxi

Bất cứ ai đã từng sử dụng dịch vụ của Uber đều có thể xác nhận đây là hình thức rất an toàn, chi phí rẻ hơn và "ngầu" hơn sử dụng taxi; người sử dụng cũng được đối xử thân thiện và trân trọng hơn so với đi taxi truyền thống.

taxi, Uber, vận tải, kinh doanh
 
Một số bài báo có thể đặt ra các vấn đề về tính pháp lý của Uber, để có trách nhiệm xử lý những trường hợp mất hoặc để quên đồ đạc trên xe nhưng trên thực tế việc mất hoặc để quên đồ đạc trên xe thường rất khó được các hãng taxi xử lý thích đáng, còn chưa nói đến một số hiện tượng tài xế taxi cố ý lấy đồ, dàn xếp trộm, cướp người sử dụng dịch vụ.

Còn đối với Uber, chỉ cần có báo cáo từ người dùng, các tài xế sẽ đối mặt với việc mất luôn công việc đó. Với ưu thế về công nghệ, Uber có thể lưu trữ mọi thông tin về chuyến đi, tài xế, hành khách... để đảm bảo an toàn cho các bên.

Thách thức của Uber đối với các hãng taxi là rất rõ ràng: để đảm bảo được sự cạnh tranh, các hãng taxi buộc phải điều chỉnh thái độ phục vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng chăm sóc khách hàng... đồng nghĩa với việc tăng chi phí, giảm lợi nhuận. Đây là một kịch bản khó khăn và khó chấp nhận đối với các hãng taxi hiện nay.

Thách thức đối với chính sách

Sở dĩ Uber có nhiều lợi thế hơn và trở thành mối đe dọa đối với các hãng taxi không phải nằm ở vấn đề công nghệ mà nằm ở mô hình kinh doanh.

Uber là giải pháp kết nối giữa những người chủ xe với những người có nhu cầu đi xe. Các xe của Uber không có phù hiệu taxi, không logo, không đồng hồ tính cước như những xe taxi khác và tất nhiên cũng không phải đóng (hoặc khó cho các cơ quan quản lý tiến hành thu) các loại phí, thuế tương ứng với dịch vụ vận chuyển mà các hãng taxi truyền thống khác phải đóng.

Theo tôi, vấn đề mâu thuẫn lớn nhất không phải nằm ở sự cạnh tranh giữa Uber với các hãng taxi mà là mâu thuẫn giữa sự tiến hóa của các mô hình kinh doanh mới với chính sách quản lý kinh tế hiện tại của Việt Nam.

Việc chấp nhận và hợp thức hóa mô hình kinh doanh của Uber đồng nghĩa với hoặc sẽ kéo theo việc chấp nhận nền kinh tế chia sẻ dựa trên các thỏa thuận dân sự mà không có sự giám sát, quản lý và thu phí/thuế của chính quyền.

Lúc đó, tất cả các hãng taxi truyền thống sẽ chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng này và chính quyền sẽ mất đi các khoản thuế, phí so với trước đây. Và mô hình này sẽ không chỉ dừng ở dịch vụ taxi mà còn sẽ lan ra các hình thức dịch vụ vận tải khác, hình thức kinh doanh khách sạn mini, thậm chí cả những hình thức thương mại hàng hóa...

Kịch bản nào cho Uber tại Việt Nam?

Tuyên bố mới đây của Uber trong một chiến dịch truyền thông kêu gọi sự ủng hộ của người dùng có tên "Tôi chọn Uber" có nội dung như sau:

"Chúng tôi không sở hữu, vận hành xe hoặc thuê tài xế. Nền tảng của chúng tôi chỉ đơn giản là kết nối yêu cầu của hành khách với những công ty vận tải dịch vụ đã được cấp phép. Điều này là hoàn toàn phù hợp với luật giao thông vận tải được công nhận và áp dụng bởi chính quyền địa phương."

Với đoạn được in đậm, chúng ta có thể hiểu được hai hướng như sau:

Thứ nhất, Uber quyết định "nhập gia tùy tục" để được hoạt động tại Việt Nam, từ bỏ mô hình ban đầu là kết nối giữa chủ xe và người có nhu cầu đi xe sang hình thức trung gian giống GrabTaxi và theo đó các xe của Uber cũng sẽ buộc phải "tùy tục" gắn lên mình phù hiệu, logo... rồi cũng sẽ gánh cả các loại thuế/phí như các hãng taxi khác và dần mất đi luôn lợi thế cạnh tranh.

Thứ hai, đây chỉ là một phát ngôn nhằm trấn an dư luận. Mô hình kinh doanh của Uber sẽ không bao giờ cho chính quyền biết được xe nào là xe thuộc những công ty vận tại dịch vụ đã được cấp phép và xe nào là xe trực tiếp của cá nhân sở hữu tham gia vào mạng lưới của Uber cũng như tỷ lệ giữa hai loại hình xe này. Đơn cử mới đây, trên báo Dân trí, đại diện của Uber cho biết phía Uber đã ký hợp đồng với khoảng 200 công ty vận tải tại TPHCM, tuy nhiên, khi phóng viên hỏi cụ thể là đơn vị nào thì ông này từ chối trả lời vì liên quan đến bí mật kinh doanh.

Tóm lại, có thể nói rằng, Uber không phải đối mặt với sự cạnh tranh của các hãng taxi truyền thống như trong truyện dụ ngôn về cấm Uber mới đây được lan truyền trên mạng mà là đối mặt với việc cần phải có một cuộc cách mạng về quản lý kinh tế của chính quyền Việt Nam mà trong thời gian ngắn rất khó có khả năng xảy ra.

Tôi chưa sử dụng dịch vụ của Uber nhưng thông qua bạn bè, tôi có thể tin tưởng rằng dịch vụ của Uber rất tốt. Tuy nhiên, việc xuất hiện ở tại thời điểm này thì có thể nói với Uber rằng "Anh rất tốt, nhưng em rất tiếc!"

Theo VTC News

{fcomment}