Khủng hoảng niềm tin giữa người sản xuất và người tiêu dùng rau an toàn

ngày 10/12/2014

 Rau củ quả không truy xuất được nguồn gốc không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng mà còn gây thiệt hại lớn cho nhà sản xuất vì nó đẩy giá đầu vào tăng cao, phá hủy thương hiệu sản phẩm và gây “tắc” ở khâu tiêu thụ sản phẩm.

Đó là khẳng định của các nhà quản lý, các chuyên gia nông nghiệp, các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh rau quả an toàn tại hội thảo về “Sản xuất cây trồng an toàn” do Bộ NN&PTNT phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức khai mạc sáng nay, 09/12, tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Thành Lưu, Tổng Giám đốc Sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn, cho rằng: Hiện có ba vấn đề kìm hãm sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và các nhà sản nông sản nói riêng. Thứ nhất là đa số các cơ sở sản xuất cây trồng an toàn có quy mô nhỏ lẻ, năng lực quản trị sản xuất kinh doanh và tiếp cận thị trường rất thấp, nguồn lực hạn hẹp nên rất yếu thế trên thị trường và rất khó kết nối vào các chuỗi giá trị lớn, ổn định và có giá gia tăng cao. Do đó, để các cơ sở phát triển sản xuất bền vững cần phải có một hệ thống giao dịch hỗ trợ kết nối dễ dàng và nhanh chóng tới rất nhiều đầu mối tiêu thụ trên thị trường với chi phí đáng kể.

Thứ hai là trong các chuỗi giá trị nông nghiệp của Việt Nam hiện nay, tồn tại quá nhiều khâu trung gian cả ở đầu vào và đầu ra dẫn đến hậu quả là các cơ sở sản xuất phải mua vật tư đầu vào với giá cao và bán sản phẩm đầu ra giá thấp trong khi giá bán lẻ đến tay người sản xuất phải có một hệ thống giao dịch cho phép loại bỏ các khâu trung gian không cần thiết.

“Việc giao dịch giữa các mắt xích trong chuỗi giá trị nông sản hiện nay còn thiếu minh bạch, gần như không thể truy xuất nguồn gốc. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến hiện trạng vật tư đầu vào giả hoặc kém chất lượng vẫn tồn tại phổ biến, gây hại cho cơ sở sản xuất. Trong khi đó, sản phẩm đầu ra không kiểm soát được chất lượng tràn lan vừa gây hại cho người tiêu dùng, vừa làm mất lòng tin dẫn đến giảm giá trị sản phẩm. Do đó cần có một hệ thống giao dịch cho phép truy xuất nguồn sản phẩm dễ dàng và hiệu quả, qua đó giúp tạo thương hiệu cho cơ sở sản xuất,” ông Lưu nhận định.

Nguyễn Viết Tâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội (Ảnh: T.Nguyên)
Nguyễn Viết Tâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội (Ảnh: T.Nguyên)

Trong khi đó, ông Nguyễn Viết Tâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội lại cho rằng: Người tiêu dùng mất niềm tin là do lỗi của cả các nhà sản xuất lẫn doanh nghiệp kinh doanh. Hiện nay, doanh nghiệp chủ yếu làm thương mại và ít đầu tư sản xuất rau an toàn (RAT). Do vậy, có khi họ đi mua RAT không được nên phải đi mua ở ngoài vào để đạt mục tiêu lợi nhuận. Nhiều doanh nghiệp danh tiếng vào kinh doanh RAT nhưng chỉ sau 5-6 tháng là bỏ cuộc.

Trong khi đó, sàn giao dịch RAT đa phần chỉ kết nối người bán và người mua nên không kiểm soát được chất lượng, làm mất lòng tin người tiêu dùng.

“Người ta cứ nói về giám sát sản xuất, nhưng không ai giám sát được bằng người dân tự giám sát nhau để có chất lượng. Vì không giám sát được thì không được lấy nhãn của hợp tác xã và không phân phối ra ngoài được, không tiêu thụ được. Sản phẩm không tiêu thụ được là do người ta chưa tin vào sản phẩm”, ông Tâm khẳng định.

Ông Tâm cũng cho rằng, các cơ quan quản lý cần giám sát cung đường vận chuyển để tránh tình trạng doanh nghiệp kinh doanh mua 1 tạ RAT nhưng khi vận chuyển lại mua thêm 3-4 tấn rau thông thường và trà trộn vào để bán kiếm lời cao. Đừng đổ lỗi cho nông dân vì họ cũng sợ làm bậy thì không tiêu thụ được sản phẩm. Người ta cũng sợ các thuốc gây ung thư.Chỉ giám sát nông dân thì khó mà lấy được lòng tin người tiêu dùng.

Ngoài ra, cũng cần nâng cao hiểu biết của người tiêu dùng để họ lựa chọn sản phẩm an toàn và thay đổi thói quen ham rẻ, tiêu dùng một cách tùy tiện.

Sản xuất rau an oàn theo tiêu chuẩn Basic GAP (Ảnh minh họa)
Sản xuất rau an oàn theo tiêu chuẩn Basic GAP (Ảnh minh họa)

Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho biết: JICA đã hỗ trợ kỹ thuật cho Dự án “Nâng cao năng lực quản lý ngành Trồng trọt nhằm cải thiện sản lượng và chất lượng sản phẩm cây trồng” do Cục Trồng trọt làm chủ dự án và thực hiện từ tháng 7 năm 2010 đến tháng 12 năm 2013. Dự án được triển khai tại 6 tỉnh miền Bắc trong đó 3 tỉnh thí điểm là Hưng Yên, Hà Nam và Quảng Ninh, và 3 tỉnh vệ tinh là Thái Bình, Hòa Bình and Hải Phòng.

Thông qua dự án, người dân và cán bộ cơ sở đã được đào tạo về quy trình trồng RAT theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt cơ bản (Basic GAP), tuân thủ nghiêm ngặt 26 tiêu chí cơ bản của tiêu chuẩn VietGAP mà vẫn đảm bảo có sản phẩm an toàn cho tiêu dùng trong nước. Các cơ sở sản xuất này cũng đã được chứng nhận bởi các cơ quan chức năng và các sản phẩm đã được phân phối tại nhiều siêu thị ở Hà Nội. Dự kiến, đầu năm 2015 Dự án sẽ mở rộng quy mô sản xuất RAT theo quy trình Basic GAP để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ gia tăng.

Theo Dân trí

{fcomment}