Khơi dòng chảy tín dụng: Chờ mốc 1 tháng 7

ngày 24/06/2013

Câu chuyện ngân hàng ứ đọng nguồn vốn, còn khách hàng lại không thể tiếp cận để được vay lại được nhắc đi nhắc lại trong nhiều ngày qua. Tháo gỡ "nút thắt" để khơi thông dòng vốn xem ra chưa có hồi kết.

 

Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 5/2013, lượng tiền gửi vào ngân hàng tăng gần 200 nghìn tỷ đồng, trong khi tiền cho vay khỉ khoảng 70 nghìn tỷ đồng. Với khoảng chênh lệnh giữa tiền gửi và vay lên đến 130 nghìn tỷ đồng đang khiến các ngân hàng rơi vào tình cảnh ứ đọng vốn.

 

Ngân hàng chào mời, khách hàng vẫn khó vay


Vì ứ đọng vốn, nhiều ngân hàng trên địa bàn TP.HCM đã chào mới khách hàng với mức lãi suất rất ưu đãi, kèm theo thủ tục đơn giản và thời gian giải ngân nhanh chóng. Ngân hàng Eximbank đã đưa ra chương trình cho vay ưu đãi lãi suất 9%/năm, cùng với việc nhân viên đi xe vespa diễu hành trên phố để tư vấn trực tiếp cho khách hàng về thủ tục vay. Trong khi đó, Vietinbank triển khai chương trình "hè ưu đãi" từ 2/5 đến 2/7 cho khách hàng vay vốn sản suất kinh doanh với tổng gói ưu đãi lên đến 1000 tỷ đồng, cùng lãi suất 10%/năm.

 

Mới đây, UBND TPHCM phối hợp các ngân hàng như Agribank, Sacombank... đã đưa ra mức lãi suất cho vay ngắn hạn 6%/năm và dài hạn 10%/năm hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá.

 

Như vậy, có thể nói các ngân hàng đang tìm mọi cách để đưa dòng vốn ra thị trường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thì vẫn than không tiếp cận được vốn.

 

Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh dược trên địa bàn TP.HCM cho biết, nhìn các ngân hàng giảm lãi suất, công ty cũng rất muốn vay, nhưng vì khoản nợ cũ chưa thanh toán nên đành chịu. Bản thân công ty đang gần như tê liệt vì không có vốn, nếu ngân hàng nới lỏng khoản vay cũ và mới sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

 

Trong khi đó, ông Nguyễn Cao Cường – Giám đốc công ty TNHH sản xuất thương mại Việt Đông Gia cho biết, thực tế doanh nghiệp không thể vay vốn vì nhiều ngân hàng vẫn áp dụng mức lãi suất rất cao 16-17%/năm, trong khi những ngân hàng áp dụng lãi suất thấp thì lại rất khắt khe về thủ tục vay. Theo ông Cường, sau khi nhận được thông tin ngân hàng giảm lãi suất, ông cũng đem hồ sơ đến ngân hàng để xin được vay khoảng 10 tỷ nhằm duy trì sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, đã hơn 1 tháng kể từ khi làm hồ sơ ông vẫn chưa được ngân hàng giải ngân vay vốn.

 

Rào cản mang tên nợ xấu

 

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương – Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM thẳng thắn cho biết, câu chuyện gỡ "nút thắt" về vốn đã được nhắc đi nhắc lại từ rất lâu và đến giờ vẫn chưa thể tháo gỡ. Muốn giải quyết hiểu quả nguồn vốn, về lâu dài cần tập trung vào 4 vấn đề trọng tâm: Tái cấu trúc ngân hàng, xử lý nợ xấu, xây dựng niềm tin người dân và đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, xử lý nợ xấu cần phải ưu tiên giải quyết nếu không thị trường vốn ngày càng tệ. Theo Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, dù vốn có dối dào hơn trước nhưng hệ thống ngân hàng vẫn chưa đạt mức an toàn nên không thể đưa vốn ra ngoài một cách tràn lan được. Tính đến thời điểm này, tăng trưởng tín dụng đạt gần 3% là một tín hiệu tích cực và mục tiêu 12% cho cả năm có thể thực hiện được.

 

Chung quan điểm đó, ông Chris Brown – Tổng giám đốc công ty Cushman & Wakefield (Việt Nam) cho rằng, nếu không triệt để giải quyết nợ xấu sẽ không thể khơi thông dòng vốn và doanh nghiệp sẽ còn gặp nhiều khó khăn. "Tôi tin rằng, tỉ lệ nợ xấu cao hơn con số 6% được báo cáo tại Việt Nam, mà hầu hết tập trung vào lĩnh vực bất động sản. Hiện tại các khoản nợ xấu không được ngân hàng và các doanh nghiệp công khai, điều đó rất bất lợi cho nền kinh tế"- ông Chris Brown chia sẻ.

 

Liên quan đến việc giải quyết nợ xấu, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ tín dụng Ngân hàng Nhà nước cho biết, vào đầu tháng 7 công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (WAMC) đi vào hoạt động sẽ thực hiện mua lại các khoản nợ xấu có đảm bảo bằng tài sản ( phần lớn các tài sản bảo đảm bằng bất động sản), qua đó giúp cho khối nợ đọng bấy lâu nay bắt đầu chuyển dịch và sẽ giúp cho thị trường vốn hoạt động hiệu quả hơn.

 

Tại hội nghị tổng kết sáu tháng đầu năm của ngành ngân hàng vào ngày 17/6, Thống đốc ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn bình thừa nhận, vốn trong hệ thống ngân hàng đang dư thừa trong bối cảnh tín dụng đang tắc nghẽn. Tuy nhiên, theo thống đốc, do hệ số sử dụng vốn chưa ở mức an toàn mặc dù đã giảm từ 100% xuống còn 95-96%, trong khi ở các nước là 60-70%. Để ổn định nguồn vốn cần củng cố để đưa hệ số sử dụng vốn về mức 80-85% sẽ hợp lý trong bối cảnh ở Việt Nam hiện nay.


Theo Tuấn Anh

Dân Việt

{fcomment}