Thầy Nguyễn Xuân Cường trong giờ dạy khiêu vũ thể thao cho các em học sinh. Ảnh: Ngọc Anh
Thầy giáo, nhà thơ Phạm Văn Dũng: Truyền cảm hứng qua những áng văn trác Việt
Sinh ra và lớn lên ở xã Tiến Lộc (Hậu Lộc), một vùng quê nổi tiếng với nghề rèn, thầy giáo Phạm Văn Dũng sau khi học xong Đại học Hồng Đức khóa I, ngành Ngữ văn năm 2002 được điều động về làm giáo viên tại Trường THCS Ngư Lộc cùng huyện. Từ năm 2011-2016, thầy giữ cương vị Hiệu trưởng Trường THCS Ngư Lộc. Và từ năm 2016 đến nay, thầy được điều chuyển giữ cương vị Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Lộc.
Bên cạnh ước mơ trở thành nghề giáo từ thuở còn ngồi trên mái trường phổ thông, bản thân thầy cũng rất đam mê với văn học nghệ thuật. Từ khi còn học lớp 8, lớp 9 trường làng, thầy đã được cô giáo chủ nhiệm tin tưởng giao nhiệm vụ cùng với một nhóm bạn đứng ra hoàn chỉnh tờ báo tường cho lớp. Vậy là thầy đã mày mò sáng tác ra những bài thơ về chủ đề thầy cô, mái trường ngay từ những ngày đó.
Năm 1998, khi trở thành sinh viên năm thứ nhất của Trường Đại học Hồng Đức, thầy đã gửi tập thơ đầu tay có tựa đề “Cánh thơ nâu” cho Nhà Xuất bản Thanh Niên, với tổng cộng 56 bài thơ. Cuối năm 1999 tập thơ ra đời đã được các thầy cô trong khoa và các bạn sinh viên cùng khóa rất yêu thích. Từ đó đã tạo thêm động lực để thầy hăng say sáng tác nhiều hơn. Sau một năm khi tập thơ “Cánh thơ nâu” của thầy ra mắt, Trường Đại học Hồng Đức đã có chủ trương thành lập câu lạc bộ “Những người yêu thơ” và thầy được cử làm chủ nhiệm khóa đầu tiên. Năm 2002 cũng là năm kết thúc quãng đời sinh viên để đi nhận nhiệm vụ dạy học, cũng chính năm đó thầy vinh dự được Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa kết nạp làm hội viên, chuyên ngành thơ. Năm 2018, thầy được nhận giải B cuộc thi sáng tác văn học trẻ do Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh tổ chức. Đó là nguồn cổ vũ, động viên và khích lệ cá nhân thầy trong quá trình sáng tác và đam mê văn học nghệ thuật của mình. Để rồi, sau 20 năm từ khi tập thơ đầu tay ra đời, thầy lại tiếp tục cho ra đời tập thơ thứ hai của mình với tựa đề “Mình khuất bóng mình” do Nhà Xuất bản Thanh Hóa ấn hành năm 2019.
Thầy Phạm Văn Dũng tâm sự: “Gần 20 năm theo nghề sư phạm và hơn 20 năm sáng tác văn học, bản thân tôi luôn thấy mình thật hạnh phúc khi được gặp lại những cô cậu học trò thành đạt. Họ đến thăm tôi và đều nói lên niềm say mê sau mỗi giờ văn tôi giảng. Quãng thời gian đứng lớp, bằng vốn kiến thức đã học và bằng niềm đam mê văn chương, tôi đã truyền cho các em sự hưng phấn, say sưa và ý thức tự giác trong học tập. Các em đã cảm và rung động thực sự trước những áng văn trác Việt và luôn hứng thú trước mỗi giờ văn. Nghề dạy học và niềm yêu thích sáng tác văn chương luôn có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau, bồi đắp cho nhau để tạo đà cho sự thăng hoa và truyền cảm hứng cho thế hệ học trò trong mỗi giờ lên lớp”.
Giảng viên, họa sĩ Lê Thị Thanh: Hướng người học đến giá trị “Chân – Thiện – Mỹ”
40 tuổi đời, họa sĩ Lê Thị Thanh đã có 24 năm hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật, 13 năm đi dạy học. Cô là một trong số rất ít những họa sĩ trẻ theo đuổi lĩnh vực nghệ thuật đồ họa in lưới - một thể loại sáng tác mới, đòi hỏi sự công phu, sáng tạo rất lớn của người nghệ sĩ.
Năm 2008, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Lê Thị Thanh về công tác tại Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. Năm 2010 cô hoàn thành chương trình đào tạo thạc sĩ và từ năm 2014 đến năm 2018 cô lại tiếp tục hoàn thành luận án tiến sĩ chuyên ngành lý luận và lịch sử mỹ thuật. Quá trình học tập, nghiên cứu đã giúp cô tự trang bị cho mình nhiều kiến thức mỹ thuật bổ ích và có dịp trải nghiệm ở nhiều thể loại trên nhiều chất liệu. Cô đã giành được nhiều giải thưởng lớn tại các cuộc triển lãm mỹ thuật trong tỉnh, trong nước, khu vực và quốc tế. Đối với các thế hệ thầy, cô giáo và học sinh của nhà trường, cô luôn là một tấm gương sáng về tinh thần học tập và lao động sáng tạo không ngừng.
Hiện nay, cô là giảng viên Khoa Sư phạm Nghệ thuật, bộ môn Sư phạm Mỹ thuật của Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. Cô được phân công giảng dạy các môn như: Nghiên cứu truyền thống mỹ thuật Việt Nam, lịch sử mỹ thuật thế giới, hình họa mầu, bố cục chất liệu. Đây là 4 môn lý thuyết và thực hành quan trọng trong các ngành học sư phạm mỹ thuật. Chính vì vậy, khi dạy các môn này, cô luôn truyền hết kinh nghiệm sáng tác cũng như niềm đam mê sáng tạo của người họa sĩ cho các em học sinh thân yêu của mình. Riêng với các môn thực hành, bản thân cô đã có những trải nghiệm thực tế, cộng với kiến thức đã được đào tạo cơ bản và nâng cao đã truyền được cảm hứng sáng tác, say mê cho học sinh đối với bộ môn này.
Họa sĩ Lê Thị Thanh thổ lộ: “Điều quan trọng là cũng từ những bài giảng trên lớp cộng với kinh nghiệm thực hành, cô đều hướng cho học sinh đến những giá trị “Chân – Thiện – Mỹ” trong cuộc sống. Qua đó, các em vừa được thỏa thích sáng tạo, vừa được tôi luyện tinh thần và luôn hướng đến giá trị nhân văn tốt đẹp. Ví dụ như: Tác phẩm “Cứu” hướng tới con người phải thay đổi ý thức để bảo vệ môi trường; tác phẩm “Thực và ảo” mang lại cho người xem những cái nhìn đa chiều về cuộc sống; tranh cổ động “Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” thể hiện phẩm chất đạo đức sáng ngời suốt đời phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc và Nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh...”.
Bản thân họa sĩ Lê Thị Thanh cũng đã thu hút kết nạp được rất nhiều giáo viên dạy bộ môn Mỹ thuật ở các trường học trên địa bàn tỉnh tham gia vào hoạt động mỹ thuật. Cô đã kêu gọi các thầy cô tham gia vào các cuộc triển lãm, cuộc thi về mỹ thuật của tỉnh, toàn quốc, khu vực và quốc tế. Ở những sân chơi như vậy thì các thầy, cô giáo ấy sẽ có cái nhìn rộng hơn về nghệ thuật, được cọ sát với thực tế mà không bị gò bó, đóng khung trong những kiến thức ở trường. Từ đó các thầy cô sẽ có kinh nghiệm hơn khi giảng dạy, cũng như yêu thích hơn đối với bộ môn nghệ thuật này.
Thầy giáo, huấn luyện viên khiêu vũ thể thao Nguyễn Xuân Cường: Tạo sự hứng khởi, khơi niềm đam mê cho học trò
Năm 2004, tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao (Hà Nội), về dạy môn bơi lội tại Sở Thể dục Thể thao (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa), thầy Nguyễn Xuân Cường nhận thấy bộ môn khiêu vũ thể thao ở Thanh Hóa đã thất truyền khá lâu. Thầy dày công tìm hiểu và biết được trước đây đã có một số câu lạc bộ khiêu vũ thể thao mở ra nhưng lại không duy trì được. Với kiến thức đã học được trong nhà trường và bằng sự thôi thúc của niềm đam mê cùng trách nhiệm không để cho bộ môn nghệ thuật này mất đi, thầy đã đứng ra mở lớp, gây dựng lại phong trào. Từ một lớp học chỉ có hơn mười người, đến nay đã hình thành được một đội ngũ đông đảo những người học và yêu thích khiêu vũ thể thao trong toàn tỉnh, chủ yếu là người lớn theo học. Các thế hệ học trò xuất sắc của thầy đã có những người trở thành giáo viên tiếp nối sự nghiệp cao cả của thầy, như: cô Hà, cô Nga, cô Lan...
Và, cũng từ những lớp học người lớn này, thầy đã chú ý nhiều hơn đến đối tượng là các em thiếu niên, nhi đồng. Vì vậy, năm 2010 thầy đã xin cộng tác với Nhà Văn hóa thiếu nhi TP Thanh Hóa, đưa bộ môn nghệ thuật khiêu vũ thể thao vào giảng dạy để các em học sinh nhỏ tuổi được tiếp cận với bộ môn này. Năm 2014, thầy được giữ cương vị Phó Giám đốc Nhà Văn hóa thiếu nhi thành phố nhưng vẫn luôn miệt mài, say sưa với công việc giảng dạy bộ môn khiêu vũ thể thao cho biết bao thế hệ. Bản thân thầy luôn tìm tòi sáng tạo, dàn dựng nhiều tiết mục hay, chất lượng đem lại nhiều thành tích cao cho Nhà Văn hóa thiếu nhi thành phố trong các cuộc thi khiêu vũ thể thao toàn quốc. Ngoài giờ lên lớp, thầy còn được mời tham gia giảng dạy trong các hoạt động ngoại khóa, thể dục giữa giờ của các nhà trường trên địa bàn tỉnh. Những bài khiêu vũ thể thao của thầy đã mang lại nhiều lợi ích cho người học, như: Nâng cao sức khỏe, tạo hình thể đẹp, sự hứng khởi, tính kỷ luật, tạo kỹ năng mềm từ vận động đến giao tiếp, hình thể, khí chất, cảm xúc... Từ đó, giúp cho người học có ý thức, thái độ học tập và tham gia các hoạt động xã hội được tốt hơn. 16 năm gắn bó với nghề, thầy Cường đã truyền dạy không biết bao nhiêu thế hệ học trò, từ lứa tuổi thiếu niên nhi đồng cho đến những người trung niên, cao tuổi đều có chung niềm đam mê khiêu vũ thể thao như thầy.
“Khi truyền dạy cho các em, mình cần tạo sự hứng khởi để các em có cảm giác thoải mái yên tâm nhất khi học. Sau đó mới đến dạy các động tác, dạy từ dễ đến khó, từ chậm đến nhanh. Đặc biệt là phải luôn dành những lời động viên, khích lệ, tránh dùng những câu từ làm cho các em nhụt chí. Với phương pháp như vậy, khi bắt đầu học, các em nắm bắt rất nhanh. Các em rất thích học với thầy Cường, đó là điều hạnh phúc nhất đối với một người thầy rồi” – thầy Cường trải lòng.