Hứa hẹn một sân chơi nghệ thuật chuyên nghiệp, hấp dẫn

ngày 23/09/2019

Ninh Bình là một trong những địa chỉ tiềm năng để xây dựng thương hiệu Thành phố Nhiếp ảnh Việt Nam.

Đây là hai đề án do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT và DL) giao Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (MTNATL) xây dựng để thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ (năm 2016) phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Cục MTNATL đã lựa chọn hai lĩnh vực Việt Nam có nhiều ưu thế để xây dựng, với mục đích tạo ra các tác phẩm, sản phẩm có giá trị nghệ thuật và kinh tế có thể tiêu thụ được trên thị trường trong và ngoài nước; nhằm quảng bá đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

Vốn là một thế mạnh truyền thống của mỹ thuật Việt Nam, nghệ thuật sơn mài qua nhiều thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ đã đạt được những thành tựu nổi bật, gây ấn tượng, hấp dẫn và có giá trị cao trên thị trường mỹ thuật khu vực và quốc tế cả ở các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và tác phẩm hội họa chất liệu sơn mài. Ðề án Nghệ thuật sơn mài Việt Nam nhằm xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn về chất liệu làm sơn mài; quy trình chế tác, nghệ thuật và kỹ thuật để các sản phẩm, tác phẩm sơn mài đạt tiêu chuẩn thương hiệu quốc gia. Ðề án cũng xây dựng kế hoạch, nội dung thực hiện nhằm đưa Việt Nam trở thành trung tâm của nghệ thuật sơn mài, như: tổ chức các work shop, hội thảo, trình diễn nghệ thuật sơn mài; tua du lịch khám phá, trải nghiệm và thực hành sáng tạo nghề sơn mài truyền thống; các triển lãm, hội chợ tranh và sản phẩm sơn mài Việt Nam; đăng cai tổ chức Liên hoan nghệ thuật sơn mài quốc tế hai năm một lần tại nước ta… Từ đó, thúc đẩy sự phát triển của sơn mài, kích thích thị trường tiêu thụ các sản phẩm, tác phẩm sơn mài Việt Nam trong nước và quốc tế. Không chỉ tiếp tục gìn giữ và phát triển nghệ thuật sơn mài, mà một mục đích quan trọng nữa của đề án là phục hồi vùng trồng cây sơn. Hiện nay chúng ta đang bị đe dọa về nguồn cung cấp nguyên liệu vì các vùng trồng sơn ở Phú Thọ đang thiếu hụt nguyên liệu rất nhiều, các làng nghề sơn mài đang phải dùng chất liệu sơn công nghiệp, hóa chất… Chính vì thế mà sản phẩm sơn mài của Việt Nam không còn tính độc đáo, chất lượng hấp dẫn nên sức tiêu thụ giảm.

Ðề án Thành phố Nhiếp ảnh Việt Nam đưa ra một mô hình tổ chức sự kiện chưa từng có ở Việt Nam, thông qua chuỗi các hoạt động nhiếp ảnh tại một số tỉnh, thành phố có tiềm năng du lịch và di sản văn hóa đăng cai, sẽ tổ chức luân phiên hai năm một lần nhằm tạo ra những tác phẩm, sản phẩm, sự kiện thúc đẩy sự chuyên nghiệp và thị trường nhiếp ảnh phát triển. Tuy nhiên, đề án này đem đến ít nhiều băn khoăn về tính khả thi. Nhà nhiếp ảnh Vũ Huyến cho rằng, xây dựng thương hiệu quốc gia gắn với nhiếp ảnh là một việc quá tầm với Việt Nam. Nhận định đó xuất phát từ thực trạng nền nhiếp ảnh nước nhà khi lâu nay, chúng ta chưa có thị trường nhiếp ảnh một cách đúng nghĩa. Nhiều lo ngại khác là về trình độ của đội ngũ sáng tác cũng như nhu cầu sở hữu thật các tác phẩm nhiếp ảnh từ công chúng. Thực tế là hoạt động nhiếp ảnh tại Việt Nam dù đang phát triển mạnh mẽ, số lượng tác giả đông đảo nhưng lại có nguy cơ nghiệp dư hóa, thậm chí rơi vào tình trạng hoạt động bão hòa, nhàm chán. Hoạt động mua bán tác phẩm cũng rất tự phát, chủ yếu phục vụ mục đích đấu giá, từ thiện hoặc theo quan hệ cá nhân. Theo Cục trưởng MTNATL Vi Kiến Thành, đề án đã được tính toán mang tính thực tế, không lãng mạn, viển vông; nhưng có thể phải mất cả chục năm, tức là qua khoảng năm đến sáu kỳ tổ chức mới có thể định hình và dần đưa mô hình này vào đời sống. Các nội dung dự kiến gồm: tổ chức Hội chợ Nhiếp ảnh để giới thiệu và bán tác phẩm, sản phẩm, trang thiết bị; cho các nhiếp ảnh gia quốc tế đi thực tế sáng tác sau đó trưng bày, mua bán tác phẩm; các hội thảo, tọa đàm, giao lưu về nhiếp ảnh… Hiện đề án đang cân nhắc giữa hai phương án: tổ chức luân phiên tại từng địa phương, hoặc tổ chức tại một nơi để xây dựng thành thương hiệu của địa phương đó (như Ðà Nẵng gắn với thương hiệu "thành phố pháo hoa"). Ðề án được kỳ vọng sẽ tạo cú huých cho sự thay đổi tư duy sáng tác; phát triển nhiếp ảnh Việt Nam có chiều sâu, chuyên nghiệp; góp phần hình thành thị trường, nâng cao nhận thức của công chúng đối với việc sở hữu, sử dụng các tác phẩm nhiếp ảnh.

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh là ngành đầu tiên trong số 5 ngành có nhiệm vụ xây dựng công nghiệp văn hóa theo chủ trương của Bộ VHTT và DL (gồm Du lịch, Ðiện ảnh, Mỹ thuật - Nhiếp ảnh, Nghệ thuật biểu diễn, Quảng cáo) triển khai thực hiện đề án xây dựng Thương hiệu quốc gia trong lĩnh vực của mình. Hiện nay, hai đề án đang được cơ quan chuyên môn nghiên cứu, khảo sát thực tế, tổ chức hội thảo xin ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý và nghệ sĩ trong giới. Cơ quan quản lý văn hóa cũng nhận thức được khó khăn và mong muốn có sự hỗ trợ, hợp tác của các bộ, ngành liên quan. Theo Phó Vụ trưởng Khoa học công nghệ (Bộ VHTT và DL) Võ Viết Ðoàn, công việc này một mình Bộ không thể làm nổi, mà cần có sự hợp tác của Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, các cơ quan báo chí, truyền thông… Và cũng rất cần chú ý những vấn đề thuộc về công nghệ như việc số hóa tranh, xây dựng dữ liệu ảnh, giải quyết các vấn đề về bản quyền...


Nguồn: Báo Nhân Dân