Ninh Bình được coi là nơi sản sinh ra bộ môn nghệ thuật hát xẩm. Nhắc đến hát xẩm là nhắc đến “báu vật nhân văn sống” - nghệ nhân hát xẩm nổi tiếng Hà Thị Cầu. Bà người Ninh Bình, là nghệ nhân hát xẩm cuối cùng của thế kỷ XX, người vẫn được coi là có ảnh hưởng lớn đến các thế hệ hát xẩm sau này bởi tài năng và nhân cách sống cao đẹp.
Trong số các tỉnh phía Bắc hiện nay, Ninh Bình là địa phương có nhiều câu lạc bộ hát xẩm đang hoạt động, trong đó tập trung ở huyện Yên Mô với sự tham gia học hát của nhiều người ở các lứa tuổi khác nhau, từ trẻ em đến người già. Ngoài ra ở các tỉnh thành khác vẫn còn các câu lạc bộ, các nhóm xẩm như chiếu xẩm Hà Thành, chiếu xẩm Hải Phòng, các câu lạc bộ hát xẩm tỉnh Quảng Ninh, Nam Định, Vĩnh Phúc, Thái Bình... vẫn âm thầm hoạt động.
Hát xẩm là môn nghệ thuật truyền thống đã tồn tại ở Việt Nam hơn 700 năm qua, phổ biến ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ. So với các loại hình nghệ thuật âm nhạc mang bản sắc dân tộc khác, xẩm có nhiều thiệt thòi hơn do trong quan niệm dân gian, xẩm vẫn được cộng đồng biết tới như một hình thức mưu sinh của những người nghèo khổ, đặc biệt là người khiếm thị. Và, các làn điệu xẩm đa số được biểu diễn ở chợ, đường phố hay nơi đông người qua lại chứ rất ít khi xuất hiện trên các sân khấu lớn như nhiều loại hình âm nhạc truyền thống khác. Cho nên, trong quan niệm dân gian ấy, hát xẩm là tiếng hát của những người khiếm thị đi hát rong kiếm sống, tức là nó giống như một thứ nghề. Thoạt đầu, xẩm có hai làn điệu chính là xẩm chợ và xẩm cô đào. Ngoài ra, xẩm còn sử dụng nhiều làn điệu dân ca của vùng đồng bằng Bắc Bộ, được cải biên để phù hợp với phong cách đặc trưng của xẩm. Một số bài xẩm truyền thống nổi tiếng nhất là “Xẩm thập ân”, “Xẩm anh khóa”… Sau này, tùy theo mục đích sử dụng, xẩm tiếp tục được cải tiến để phù hợp hơn như: “Xẩm nhà trò” để phục vụ tầng lớp nho sĩ, trí thức cũ, “Xẩm tàu điện” chỉ có tại Hà Nội…
Theo NSND Thanh Ngoan, khi nghệ nhân Hà Thị Cầu còn sống, chị đã nhiều lần về Ninh Bình, học hát xẩm từ cụ và bây giờ tiếp tục truyền dạy nghệ thuật hát xẩm cho các thế hệ kế cận. Cụ Hà Thị Cầu là một trường hợp đặc biệt. “Cụ chỉ hát xẩm với cây nhị của mình và là “thiên tài” trong lĩnh vực ấy”- NSND Thanh Ngoan chia sẻ. Theo NSND Thanh Ngoan, hát xẩm có tính ngẫu hứng và người biểu diễn có thể bật ra câu hát ngay khi thể hiện. Dần dần những thứ ngẫu hứng như thế trở thành quen thuộc trong dân gian. Tuy nhiên, theo người nghệ sĩ này, cho dù có ngưỡng mộ các thế hệ nghệ nhân trước kia đến mấy thì cũng không có nghĩa là nghệ thuật chỉ đóng khuôn với quá khứ. Thực tế, không có gì là đứng yên một chỗ và xẩm cũng vậy. Đối với nghệ thuật, nó cần có sự tiếp biến để có sự tồn tại và phát huy trong lòng của xã hội mới. Cho nên, vấn đề quan trọng nhất hiện nay không phải chỉ là việc bảo tồn và vinh danh nghệ thuật hát xẩm bằng các danh hiệu, mà làm thế nào để nó trở thành một loại hình nghệ thuật sống động và hấp dẫn trong đời sống hôm nay.
Liên hoan các CLB hát xẩm tại Ninh Bình lần này có sự tham gia của 15 CLB, đến từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Thanh Hóa… Mỗi CLB được tham gia 3 tiết mục (mỗi tiết mục 15 phút), trong đó có cả tác phẩm xẩm cổ và tác phẩm mới, nhiều làn điệu xẩm truyền thống đã được các CLB đăng ký dự thi như Xẩm chợ, Xẩm tàu điện, Huê tình diềm huê, Hà liễu, Thập ân, Ba bậc...
Ngoài các tiết mục dự thi, Liên hoan dự kiến sẽ có thêm các hoạt động bên lề như: Tọa đàm về nghệ thuật hát xẩm; các đoàn thắp hương tri ân nghệ nhân Hà Thị Cầu; Biểu diễn các tiết mục quảng bá hình ảnh về văn hóa, du lịch của Ninh Bình tại bến thuyền Tam Cốc. Và, bên cạnh tính chất của một cuộc thi, Liên hoan cũng được kỳ vọng là dịp tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của nghệ thuật xẩm.
Dự kiến, sau Liên hoan, tỉnh Ninh Bình sẽ liên kết với một số địa phương lập hồ sơ xin công nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cho hát xẩm, đồng thời tổ chức Liên hoan định kỳ 2 năm/lần.