Điêu đứng vì cước vận tải liên tục lập đỉnh
Số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, gần 3 tuần nay, nhiều DN xuất khẩu gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long đứng ngồi không yên khi sản lượng lúa gạo thu mua của nhiều doanh nghiệp (DN) đã giảm mạnh. Họ cũng gặp khó khăn do thiếu container vận chuyển, giá cước vận tải nội địa cao, nhiều loại chi phí phát sinh trong quá trình lưu thông.
Giám đốc Công ty TNHH SXTM Phước Thành IV (tỉnh Vĩnh Long), ông Nguyễn Văn Thành cho biết, công ty hiện còn khoảng 2.600 tấn gạo đã ký kết hợp đồng phải giao cho đối tác, nhưng đàm phán tìm tàu và container đóng hàng để kịp giao đang gặp khó khăn. Đến nay, để duy trì hoạt động, mọi chi phí của công ty đã tăng gấp 3. Trước đây thuê phương tiện vận chuyển 1 tuần chỉ khoảng 1 triệu đồng thì nay tăng lên 3 triệu đồng. Chưa kể lương công nhân hiện tăng gấp đôi song công suất vận hành nhà máy chỉ đạt 30% so với lúc bình thường. Thêm vào đó, giá cước thuê container vốn đang ở mức rất cao, nay cước vận chuyển nội địa lại tăng mạnh nên doanh nghiệp chỉ thu mua lúa cầm chừng.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng cho biết, đang cố gắng hoàn tất hợp đồng và xem xét dừng ký mới, do không thể đảm bảo được chi phí. DN còn lo lắng, nếu tình trạng giãn cách kéo dài, Việt Nam sẽ bị mất thị trường Trung Đông, châu Phi do các đối tác nhập khẩu sẽ tìm đến nguồn khác từ Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan…
Chia sẻ tại diễn đàn “Kết nối cung cầu sản phẩm trồng trọt trong điều kiện giãn cách phòng, chống COVID-19”, cuối tuần qua do Bộ NN&PTNT tổ chức, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Nguyễn Đình Tùng cho biết, giá cước vận chuyển container đi Mỹ đã lên tới 9.600 USD/container (40 feet), tăng gấp 5 lần so với thời điểm trước dịch COVID-19. Thậm chí chi phí logistics đi New York (Mỹ) đã lên cao nhất trong lịch sử của ngành với 18.000 - 19.000 USD/container, tăng gấp 10 lần so với thời điểm trước dịch.
Theo bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, hiện tại, cước phí logistics đã vượt ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp. Doanh nghiệp đang cân nhắc có nên tiếp tục xuất khẩu hay dừng lại.
Theo Hiệp hội Logistics Việt Nam, không chỉ doanh nghiệp ngành trái cây bị ảnh hưởng, doanh nghiệp ngành thủy sản, ngành gỗ cũng đang điêu đứng vì từ đầu tháng 6/2021 đến nay, khi cước vận tải container đi Mỹ tăng theo từng tuần. Đối với container lạnh, nếu tháng 4/2021 cước chỉ khoảng 7.500 USD thì tuần đầu tháng 7/2021, đã tăng gần gấp đôi, lên 13.000 - 14.000 USD/container. Hiện tại, chi phí vận chuyển một container 40 feet đi Mỹ đã chạm mốc 20.000 USD. Trong khi trước đó khoảng 2 tháng chỉ là 8.000 USD/container.
Không chỉ chặng đi Mỹ, cước chở container từ Việt Nam đi EU cũng tăng chóng mặt. So với tháng 4/2021, container được chở đến một số cảng biển tại Nga cước đã tăng lên 5.000 - 6.000 USD. Bên cạnh đó, việc đặt chỗ trên tàu ngày càng khó, gom vỏ container để xuất khẩu cũng là thách thức lớn với doanh nghiệp.
Theo đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, thời gian gần đây, nhiều đối tác ở Mỹ và EU đã chuyển hướng qua mua tiêu từ Brazil, vì chất lượng tiêu không quá chênh lệch so với tiêu của Việt Nam nhưng quan trọng nhất là chi phí vận chuyển chỉ bằng 1/3 so với mua từ Việt Nam. Với thực tế này, ngành hàng hồ tiêu Việt có nguy cơ mất hoàn toàn khả năng cạnh tranh ở các thị trường Mỹ và EU.
Cảng Cát Lái bị ùn ứ - Ảnh: Ngô Bình |
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, các hãng tàu biển nước ngoài tăng cước vận tải lên 2 - 3 lần, thậm chí 6 - 7 lần ở một số chặng mà doanh nghiệp vẫn không đặt được tàu và container để xuất khẩu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu thủy sản từ nước ngoài cũng không thể đặt được tàu đưa nguyên liệu về Việt Nam để chế biến hàng xuất khẩu. Giá cước tàu biển hiện nay căng thẳng nhất ở các tuyến đi thị trường xuất khẩu nông - thủy sản chủ lực như Mỹ, châu Âu, Trung Đông, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc,…
Theo ông Hoè, phụ phí thuê container của các hãng tàu biển đều tăng cao, nhất là những tuyến dài. Một container, doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam phải chi hơn 10 loại phụ phí.
Theo báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam, nước ta có khoảng 40 hãng tàu ngoại hoạt động thường xuyên, đảm nhận tới 95% thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước. Đối với các tuyến đi châu Âu, Bắc Mỹ, đội tàu Việt Nam chưa đủ lực khai thác nên toàn bộ thị phần vận tải do các hãng tàu ngoại chi phối.
Đủ kiểu thổi giá cước vận tải biển
Ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, kết quả kiểm tra của Tổ công tác liên ngành với 9 hãng tàu nước ngoài (MSC, OOCL, CMA-CGM, Hapag-Lloyd, ONE, Evergreen, HMM, Maersk Lines, Yangming), cho thấy, các hãng tàu đều niêm yết giá cước trên website song không thể hiện thời gian niêm yết. Vì thế, không thể biết chính xác các doanh nghiệp này có thực hiện đúng quy định là niêm yết trước 15 ngày khi thay đổi giá hay không.
Ngoài tăng giá cước, mỗi hãng tàu còn áp 3-5 loại phụ phí như phí xếp dỡ tại cảng, vệ sinh container, chứng từ, kẹp chì... Trong đó, phụ phí xếp dỡ chiếm tỷ trọng lớn nhất, dao động từ 100 đến 170 USD cho mỗi container và đang được cả 9 hãng tàu ngoại tiến hành thu. Theo đoàn kiểm tra, các loại phụ phí này được hãng tàu tự đưa ra mà không có thỏa thuận với khách hàng, không nêu lý do thu và thời điểm kết thúc. DN còn mất một số loại phí như khai báo trọng tải hàng hóa (khoảng 30-50 USD). Các mức phụ thu, hãng tàu không phải đăng ký kê khai với cơ quan nhà nước nên khó giám sát.
Trước những bất cập trên, Cục Hàng hải Việt Nam đã kiến nghị Bộ Tài chính xem xét sửa đổi quy định về giá cước và các loại phụ thu ngoài giá cước của hãng tàu đối với chủ hàng tại cảng Việt Nam cho phù hợp với thực tế. Cục này cũng kiến nghị Bộ GTVT bổ sung các quy định như hãng tàu nước ngoài phải đăng ký tuyến vận tải, lịch trình, lượng hàng tại Việt Nam để tránh việc hãng tàu tự ý bỏ, chậm chuyến hoặc hủy đặt chỗ gây thiệt hại cho doanh nghiệp xuất khẩu. Đồng thời, Bộ GTVT bổ sung tăng mức xử phạt đối với các trường hợp vi phạm quy định về kê khai, niêm yết giá.
Nguồn Tienphong