Giới siêu giàu quan niệm thế nào về tiền bạc?

ngày 06/04/2015

Muốn được coi là trung lưu, ít đi ăn ngoài... là những quan niệm liên quan đến tiền bạc của giới siêu giàu được Paul Sullivan, phóng viên New York Times kể trong cuốn sách mới.
 
1. Muốn được coi là tầng lớp trung lưu

Theo Business Insider, Sullivan mở đầu cuốn sách của mình bằng cách kể lại việc ông được nghe "4 triệu phú tranh luận xem ai có tuổi thơ nghèo khó nhất".

"Đó là một điểm tốt hoặc cũng là điểm xấu của một người Mỹ", Sullivan nói. "Khi người ta đạt đến nấc thang cao nhất của tiền bạc, họ vẫn muốn nhìn nhận bản thân mình là tầng lớp trung lưu. Nguồn gốc của bản thân đã ăn sâu vào mỗi con người - sâu hơn cả những gì chúng ta đạt được sau cùng", anh nhận định.

2. Không biết phải xử trí chuyện tiền bạc - con cái ra sao

Giới siêu giàu quan niệm thế nào về tiền bạc?
Giới siêu giàu quan niệm thế nào về tiền bạc?
Sullivan viết: "Trong nỗ lực động viên con trẻ, phụ huynh thường để con mình càng tránh xa tài sản sẵn có của họ càng tốt. Cũng giống như các bậc cha mẹ thuộc giới trung lưu, họ không bàn luận về tiền của mình. Họ để cho con cái tự đoán xem nhà mình có bao nhiêu tiền".

Điều này dẫn đến khái niệm "những người thừa kế được che chở". Đó là những người con không có khái niệm gì về khối tài sản họ được nhận.

Doug Ideker là nhà sáng lập và sở hữu một công ty cung ứng xây dựng ở Colorado. Ở tuổi 40, ông đã bán cả cơ đồ của mình. Ông luôn yêu cầu hai con trai phải tự tìm việc hoặc làm cho công ty của ông trên bến tàu từ 6h30.

Hai người con trưởng thành của ông chính là "những người thừa kế được che chở" - "những đứa trẻ luôn biết cố gắng bất chấp khối tài sản của gia đình".

3. Biết rõ cần phải chi tiền khi nào, cho cái gì

Sullivan phân những người giàu có thành 3 loại:

* Người phung phí: Làm giàu nhanh chóng từ việc ký hợp đồng thể thao chuyên nghiệp hay bán một công ty nhưng không bao giờ cơ hội kiếm thêm được chừng đó tiền.

* Người tích luỹ: Tích luỹ được nhiều tiền thông qua những việc thú vị hay thách thức nhưng sẽ dành dụm để chi cho những thứ họ đam mê.

* Người kiếm và tiêu: Chi tiền để làm những thứ họ cần và mua thứ họ muốn.
Những người có tài sản ngày một nhiều thêm chính là người nhận ra rằng tài sản của họ còn hạn chế.

Trong cuốn sách của mình, Sullivan đã trao đổi với Adam Carriker, một cựu cầu thủ của đội St. Louis Rams. Sau khi kiếm được bản hợp đồng 5 năm trị giá 14,5 triệu USD vào năm 2007, Carriker bỏ lỡ một mùa giải vì chấn thương và vì thế phải chuyển đến một đội khác và phải bán rẻ nhà mình.

"Câu hay nhất mà tôi từng được nghe là: Đừng sống như một ông hoàng trong chốc lát, hãy sống mãi mãi như một hoàng tử. "Một khi chúng ta sống như một ông vua thì cuộc sống đó sẽ qua nhanh thôi", Carriker nói với Sullivan.

4. Ít ăn hàng và để dành tiền khi về già

Một nét nổi bật trong nghiên cứu mà Sullivan cùng thực hiện với tiến sĩ Brad Klontz là sự khác nhau trong thói quen chi tiêu của những người giàu và những người siêu giàu.

"Điểm khác biệt giữa người siêu giàu (chiếm 1% dân số) và người thuộc tầng lớp trung lưu (5-10% dân số) là người siêu giàu ăn ngoài ít hơn và nhờ đó tiết kiệm được thêm hơn 30% thu nhập để dành khi về già hoặc cho mục đích nào đó".

Sullivan tiếp tục: "Đối với tôi, đây là một ví dụ tuyệt vời cho những lựa chọn, quyết định và hành vi trong cuốn sách này. Đây không phải là việc `tôi sẽ bỏ đói bản thân để tích cóp tiền` hay `tôi sẽ tiêu pha thoải mái và hy vọng kiếm được thêm nhiều tiền`. Điểm mấu chốt là có những lựa chọn hợp lý để đảm bảo bạn sẽ giàu có dài lâu".

5. Lên kế hoạch đề phòng bất trắc

Những người siêu giàu biết rằng, không phải lúc nào mọi thứ cũng suôn sẻ. "Những người am hiểu nhất vẫn có thể tận hưởng ngay lúc này", Sullivan nói.

Theo anh: "Họ không phải sống như những thầy tu, nhưng họ hình dung ra rằng có thể sẽ xảy ra bất trắc và vì thế đã cẩn thận dành ra một khoản tiết kiệm. Những người này cũng đảm bảo rằng luôn có dự phòng cần thiết để chuyện bất hạnh không huỷ hoại được cuộc sống của họ".

6. Không hoàn toàn thông thái về vấn đề tiền nong

"Đáng buồn thay hoặc cũng có thể là đáng vui thay, những người có tiền vẫn mắc những lỗi ngớ ngẩn như bất cứ ai khác", Sullivan nói.

Bản khảo sát mà Sullivan và Klontz thực hiện cho thấy, tầng lớp 1% còn có khả năng mắc sai lầm trong đầu tư nhiều hơn so với top 5%.

Những người này quá tự tin vào khả năng đầu tư. Họ kinh doanh nhiều hơn, hãnh diện về những thành công kinh doanh và cũng nhiều khả năng sẽ bám trụ vào những khoản đầu tư mất giá trị thay vì bán chúng đi và chuyển sang mối đầu tư khác.

Người thuộc số 1% này cũng đầu tư vào những việc kinh doanh của bạn bè - mặc dù biết rằng đó không phải ý hay. Họ nghe lời khuyên của bạn mình thay vì từ tư vấn đầu tư tài chính". 

Nguồn VTC News