Gia tộc 30 tỷ USD ở Indonesia chuyển giao quyền lực như thế nào

ngày 30/12/2019

Theo Nikkei Asian Review, trong tang lễ của tỷ phú Indonesia Eka Tjipta Widjaja, các con và cháu của ông mặc trang phục trắng để giữ gìn nét văn hóa gốc Hoa của gia tộc.

Tang lễ của doanh nhân Eka Widjaja cũng là một khoảnh khắc để gia tộc nhìn lại những thành tựu mà ông đã xây dựng suốt đời. Đó là tập đoàn toàn cầu được định giá 30 tỷ USD và khối tài sản cá nhân 8,5 tỷ USD.

Eka Widjaja có ảnh hưởng lớn tới đời sống và chính trị của Indonesia. "Ông ấy là hình mẫu của chúng tôi, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh và kinh tế", cựu Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono nói trong chuyến thăm Eka Widjaja tại bệnh viên quân đội Gatot Subroto ở Jakarta.

Các thành viên thế hệ thứ ba của gia tộc Wadjaja trong một hội nghị. Ảnh: Jun Suzuki/Nikkei.

Khai sinh Sinar Mas

Sinar Mas là một trong những tập đoàn hàng đầu Indonesia, nhưng cũng chịu điều tiếng mập mờ tài chính, các nhà hoạt động môi trường quốc tế tẩy chay và khoản nợ 14 tỷ USD năm 2001. Tiếp nối tỷ phú Eka Widjaja, các thế hệ sau của gia tộc cho biết sẽ tạo ra một Sinar Mas thân thiện với môi trường và minh bạch trong quản lý hơn.

Sinh ra tại tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) năm 1921, ông Eka Widjaja di cư đến đảo Sulawesi thuộc Indonesia và mưu sinh bằng việc bán bánh quy và kẹo. Từ xe kéo hàng rong của mình, ông đã thành lập Sinar Mas vào năm 1938.

Năm 1950, ông Eka Widjaja có bước tiến đột phá trong sự nghiệp khi giành quyền cung cấp hàng hóa cho một đơn vị quân đội địa phương ở Sulawesi.

Sau khi tướng Suharto nắm quyền Indonesia vào năm 1966 và đưa ra một hệ thống chính sách ủng hộ doanh nhân gốc Hoa nhằm thúc đẩy nền kinh tế và công nghiệp hóa đất nước, các công ty của Eka Widjaja phát triển vượt bậc.

Tỷ phú Eka Widjaja. Ảnh: WSJ.

Sinar Mas trở thành một trong những tập đoàn lớn nhất Indonesia, với tổng doanh thu ước tính khoảng 30 tỷ USD trong năm 2018. Tập đoàn sở hữu Golden Agri, nhà sản xuất dầu cọ lớn thứ hai thế giới và APP, một trong những công ty sản xuất giấy hàng đầu thế giới.

Với danh sách hơn 15 công ty tại Indonesia và Singapore, danh mục đầu tư của Sinar Mas bao gồm năng lượng, bất động sản, dịch vụ tài chính, viễn thông và khai thác.

Phân chia thành 4 bộ phận nhưng Tập đoàn Sinar Mas vẫn thuộc sở hữu của gia tộc Eka Widjaja. Các con trai ông gồm Teguh - hiện là nhà điều hành của Asia Pulp & Paper (APP), Indra - quản lý mảng tài chính và Franky - quản lý tài nguyên nông nghiệp, viễn thông và năng lượng.

Sự thay đổi

Nhưng không giống nhiều tập đoàn gia đình khác của Indonesia, kế hoạch chuyển giao quyền lực tại Sinar Mas rất minh bạch và rõ ràng. “Chúng tôi tin rằng mỗi người có thế mạnh riêng và cần có đủ thẩm quyền trong lĩnh vực của mình”, Linda Wijaya, 38 tuổi, một thành viên thế hệ thứ ba, chia sẻ.

"Chúng tôi đã được thế hệ đi trước - các cha và chú mình - yêu cầu phát triển Sinar Mas lên gấp 10 lần hiện tại".

Thế hệ thứ 3 của gia tộc - các cháu của ông Eka Widjaja - hiện có 12 người đang trực tiếp tham gia vào hoạt động kinh doanh của tập đoàn. Theo Linda Wijaya, họ đang cố gắng học hỏi từ cha chú trong hội đồng quản trị Sinar Mas đều đặn mỗi tuần.

Và, giống như bất kỳ gia đình nào khác ở Indonesia, họ có xu hướng giao tiếp nhiều hơn qua các ứng dụng tin nhắn và mạng xã hội.

Linda Widjaja chia sẻ gia tộc cô có một nhóm trò chuyện trên mạng cho toàn bộ thành viên, và một nhóm khác dành cho những người điều hành hoạt động kinh doanh của gia đình.

Linda Widjaja và anh họ Michael Widjaja. Ảnh: Jun Suzuki & Keichiro Asahara/Nikkei Montage.

Thế hệ thứ ba của nhà Widjaja được thừa hưởng nền giáo dục Mỹ, đang quyết tâm tái cơ cấu Sinar Mas với mục tiêu phát triển như Google và Facebook. Theo đó, họ muốn tái cấu trúc theo mô hình các công ty Thung lũng Silicon.

Linda Widjaja quản lý Latitude Venture Partners - một quỹ đầu tư mạo hiểm - và tập trung phần lớn thời gian cho SehatQ, một công ty khởi nghiệp về phương pháp trị liệu từ xa. Trong khi đó, em họ của cô là Jesslyne Widjaja hiện giữ vai trò quản lý cấp cao tại Sinar Mas Digital Ventures.

"Ở Indonesia khoản chi tiêu dành cho chăm sóc sức khỏe rất thấp, chỉ khoảng 100 USD/người", Linda Widjaja nói. "Mỹ là quốc gia chi nhiều nhất cho các vấn đề sức khỏe, trung bình khoảng 13.000 USD/người. Vì vậy tiềm năng phát triển của thị trường này là rất lớn".


Nguồn: Báo Zing