Gánh nặng kép với các sĩ tử mùa tuyển sinh 2022

ngày 27/01/2022

Sự thay đổi khiến các sĩ tử cùng lúc vừa phải ôn thi tốt nghiệp, vừa phải ôn luyện để tham gia kỳ thi riêng của trường đại học mà mình đăng ký xét tuyển.

Học sinh lớp 12 căng sức luyện thi online

Bài 1: Học sinh thành phố quay cuồng với lịch học thêm
Các trường đại học lớn đã lần lượt công bố phương án tuyển sinh năm 2022. Xu hướng nổi bật của mùa tuyển sinh năm nay là giảm mạnh tỷ lệ xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT; tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy, năng lực. Sự thay đổi này khiến các sĩ tử cùng lúc vừa phải ôn thi tốt nghiệp, vừa phải ôn luyện để tham gia kỳ thi riêng của trường đại học mà mình đăng ký xét tuyển.
Ngày học tới 5 ca online

Xác định thi vào trường ĐH Kinh tế quốc dân nên Đăng Trung (THPT Quang Trung, Hà Nội) biết rằng việc mình xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT là cực khó. Bởi ở các tỉnh, thành khác, học sinh được cộng điểm ưu tiên, còn học sinh ở các quận của Hà Nội thì không. Chính vì vậy, từ cuối năm lớp 11, Trung đã ôn thi IELTS để có thể xét vào trường bằng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.

Việc ôn tiếng Anh lấy chứng chỉ IELTS thực sự không đơn giản và mất rất nhiều thời gian, nhất là với một học sinh không phải chuyên ngoại ngữ như Trung. Trong khi đó, số học sinh Hà Nội có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế "nhiều như quân Nguyên" thì Trung biết cơ hội xét tuyển bằng cách này cũng không dễ dàng với mình. Tuy vậy, Trung vẫn miệt mài luyện IELTS và các môn thi phục vụ cho kỳ thi THPT.

Mới đây, trường ĐH Quốc gia Hà Nội thông báo sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) từ tháng 2 đến tháng 8. Theo đó, có khoảng 50 trường ĐH sẽ xét tuyển bằng điểm từ kỳ thi này, trong đó có nhiều trường ĐH tốp đầu. Đây là cơ hội nhưng cũng là khó khăn rất lớn cho học sinh trong học tập và ôn luyện cho các kỳ thi. Bởi, đề thi của kỳ thi ĐGNL rất khác với đề thi của kỳ thi THPT. Kiến thức trong đề thi này rất rộng, bao gồm tất cả các môn chứ không chỉ 3 môn thi tính điểm ĐH mà các em vẫn ôn luyện trước đây.

Ngay lập tức, Trung được mẹ đăng ký cho học thêm khóa ôn luyện kỳ thi ĐGNL. Hiện tại, Trung học tối ngày, gần như không có thời gian trống. "Em phải học tiếng Anh IELTS 3 buổi/tuần, học Toán, Lý, Hóa, học 2 buổi ôn cho kỳ thi ĐGNL. Ngoài 2 buổi học online ở trường (sáng và chiều), có những tối em học 3 ca online liền. Em rất mệt mỏi vì học quá nhiều, mờ mắt vì suốt ngày ngồi máy tính", Trung cho biết.

Ảnh minh họa

Giống như Trung, nhiều học sinh lớp 12 ở Hà Nội cũng đang phải "cày" hết lớp ôn luyện nọ đến lớp ôn luyện kia để có thể đáp ứng được các kỳ thi. Cũng có mục tiêu vào trường ĐH tốp đầu như Trung, Thảo Vy (trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Đông) cho biết: "Trường ĐH Kinh tế Quốc dân dự kiến sẽ chỉ tuyển sinh khoảng 10-15% chỉ tiêu dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD&ĐT tổ chức. Còn lại, trường này sẽ tuyển thẳng hoặc xét tuyển kết hợp với phương án tuyển sinh riêng. Em sẽ phải cấp tốc học để phù hợp với phương án tuyển sinh của trường này".

Phụ huynh "xót ví tiền"

Lịch học thêm của con càng nhiều đồng nghĩa với việc phụ huynh phải tốn tiền bấy nhiêu. Chị Đặng Thanh Huyền (mẹ của Đăng Trung) cho biết, mỗi tháng chị tốn gần chục triệu tiền học thêm cho con. "Những tháng trước, con chỉ luyện tiếng Anh IELTS và luyện thi 3 môn Toán, Lý, Hóa cho kỳ thi THPT thì tôi đã phải nộp cho con hơn 7 triệu đồng. Giờ thêm 2 buổi ôn/tuần cho kỳ thi ĐGNL, số tiền tăng thêm gần 2 triệu đồng. Đó là số tiền khá lớn so với điều kiện gia đình tôi nhưng chỉ còn vài tháng nữa nên tôi đành phải cố gắng cho con học. Bố mẹ nào cũng chỉ mong tạo mọi điều kiện để con có cơ hội đỗ vào trường đúng nguyện vọng", chị Huyền nói.

Việc học sinh Hà Nội phải học trực tuyến suốt học kỳ 1, giờ phải trải qua nhiều kỳ thi, cũng là khó khăn không nhỏ, khiến nhiều phụ huynh lo lắng. "Tôi mong các con lớp 12 sớm được đến trường để việc học có hiệu quả hơn. Chỉ lo dịch bệnh phức tạp hơn, các trường tiếp tục dạy trực tuyến thì không biết các con có thể đáp ứng được các kỳ thi mới như kỳ thi ĐGNL của ĐHQG hay kỳ thi Đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa?", chị Huyền lo lắng.

Bài 2: Cánh cửa đại học ngày càng hẹp với học sinh nông thôn?

+ Bài thi đánh giá năng lực năm 2021 của ĐH Quốc gia Hà Nội có 150 câu hỏi, tổng thời gian làm bài 195 phút. Cấu trúc bài thi gồm 3 phần: Phần 1 là tư duy định lượng gồm 50 câu hỏi về toán học, thống kê và xử lý số liệu dưới dạng trắc nghiệm; Phần 2 là tư duy định tính với 50 câu hỏi về văn học - ngôn ngữ cũng dưới dạng trắc nghiệm; Phần 3 gồm 50 câu hỏi thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ và khoa học xã hội.

+ Bài thi đánh gia tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tập trung vào việc đánh giá năng lực vận dụng kiến thức toán THPT để giải quyết các vấn đề thực tế, hiểu biết về khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh), năng lực đọc nhanh, hiểu đúng vấn đề về khoa học kỹ thuật và năng lực tiếng Anh của học sinh.

Nguồn: https://phunuvietnam.vn/ganh-nang-kep-voi-cac-si-tu-mua-tuyen-sinh-2022-20220124122622134.htm