Đức từ chối viện trợ tài chính cho Tây Ban Nha và Ý

ngày 29/06/2012

(TNO) Nội bộ khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu đang bị chia rẽ sâu sắc sau khi yêu cầu viện trợ tài chính khẩn cấp của Tây Ban Nha và Ý bị Thủ tướng Đức Angela Merkel từ chối thẳng thừng, tờ Telegraph (Anh) đưa tin.

merkel-A-dThủ tướng Đức Angela Merkel thẳng thừng từ chối yêu cầu xin viện trợ từ Tây Ban Nha và Ý - Ảnh: AFP

Nữ thủ tướng Đức hôm 27.6 đã giận dữ bác bỏ yêu cầu giải cứu của hai nước nói trên trong bối cảnh sự rạn nứt giữa Pháp và Đức về việc giải quyết tình trạng nợ công tại châu Âu có nguy cơ khiến cho nỗ lực tìm kiếm giải pháp của lãnh đạo các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) tại cuộc họp thượng đỉnh ngày 28.6 trở nên vô nghĩa.

Trước khi bay đến Paris (Pháp) để tham dự một cuộc họp khẩn với Tổng thống Pháp Francois Hollande, bà Merkel đã tuyên bố với các nghị sĩ Đức rằng thay vì tiếp tục thành lập các gói giải cứu tài chính, các nước thành viên khối eurozone cần tập trung vào việc giảm nợ công trong nước và cơ cấu lại nền kinh tế.

Được biết, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã phát biểu rằng ông sẽ xin lãnh đạo các nước thành viên khác trong khối eurozone cho phép Ngân hàng Trung ương châu Âu hoặc các gói viện trợ tài chính được can thiệp hoặc được dùng để giúp giảm bớt chi phí vay nợ nhằm bình ổn thị trường tài chính trong khu vực.

Ngân hàng trung ương Tây Ban Nha vừa đưa ra cảnh báo rằng kinh tế tại nước này sẽ còn suy thoái nặng hơn trong quý 2 năm nay sau khi thống kê cho thấy thâm hụt ngân sách đã tăng đến mức 3,41% GDP trong 5 tháng đầu năm, gần bằng với mức dự kiến 3,5% của cả năm.

Trong khi đó, Thủ tướng Ý Mario Monti hôm 26.6 đã lên tiếng cảnh báo rằng ông sẽ không thông qua bất kỳ thỏa thuận nào tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới nếu các gói viện trợ tài chính khẩn cấp không được thông qua.

Hôm 27.6 vừa qua, mức lãi suất trái phiếu chính phủ ngắn hạn của Ý đã tăng mạnh trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại hội nghị thượng đỉnh sắp tới của lãnh đạo các nước thuộc khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu sẽ chẳng đưa ra một giải pháp nào.

Ngoài ra, lần đầu tiên kể từ sau khi châu Âu lâm vào khủng hoảng nợ công, Pháp và Đức bất hòa với nhau trong việc tìm kiếm các giải pháp. Tổng thống Pháp Hollande đề xuất phát hành trái phiếu châu Âu nhưng Thủ tướng Đức Merkel không đồng ý với biện pháp này.

Hoàng Uy, báo Thanh niên