Doanh nghiệp ngày càng nặng gánh thủ tục

ngày 01/08/2014

Nhiều chuyên gia cho biết doanh nghiệp rất sợ khi phải làm việc với cơ quan thuế, hải quan bởi thủ tục quá rườm ra. Tờ khai chỉ mất 5 phút nhưng phải tiêu tốn rất hàng giờ đồng hồ chuẩn bị các thủ tục liên quan.

Phát biểu tại hội thảo về nâng cao chỉ số môi trường kinh doanh ngày 31/7, bà Phạm Chi Lan - nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định doanh nghiệp ngày càng chịu nhiều sức ép từ các thủ tục hành chính. "Quản lý tại Việt Nam đến giờ tư duy chủ yếu dựa trên cơ sở nghi ngờ dân, doanh nghiệp, nhưng lại không nghi ngờ chính mình. Do vậy, họ tìm mọi cách thiết kế sao cho quản thật chặt", bà Lan nói.

Theo vị này, ngày càng nhiều quy định được ban hành để xử phạt những hành vi sai phạm, thậm chí cả những điểm nhỏ li ti như một bản in bị mờ rách, thiếu chữ. "Tôi rất phục tài nghĩ ra những quy định để xử phạt doanh nghiệp", bà ngán ngẩm.

thu-tuc-8483-1406804381.jpg

Chỉ một tờ khai hải quan nhưng doanh nghiệp phải chuẩn bị kèm theo 500 giấy tờ liên quan. Ảnh: DDDN

Sự chồng chéo của các văn bản pháp luật và thiếu phối hợp giữa các cơ quan cũng tạo nên gánh nặng cho doanh nghiệp, thậm chí, tình trạng đẩy những khó khăn cho doanh nghiệp còn tăng thêm so với các đây 10 năm, vị chuyên gia này nhận định.

Ông Nguyễn Giang Tiến - thành viên trong tổ cải cách thủ tục hải quan cũng bày tỏ những quan ngại sau khi khảo sát doanh nghiệp cho trường hợp chỉ một tờ khai hải quan nhưng có tới 500 văn bản đi kèm. Trong đó, nhiều giấy tờ con chỉ nhằm phục vụ việc kiểm tra của các cơ quan quản lý thị trường, do Bộ Công Thương phụ trách, còn hải quan không dùng đến nên gây nhiều lãng phí.

"Một năm có hàng triệu tờ khai hải quan thì chi phí quy ra để tuân thủ các thủ tục hành chính sẽ rất cao", ông Tiến bày tỏ.

"Vấn đề cải thiện chỉ số môi trường kinh doanh rất được Thủ tướng quan tâm. Trong cuộc họp ngày hôm qua, Thủ tướng nhắc nhở lãnh đạo Bộ, ngành nào không đạt được mục tiêu đề ra thì sẽ cách chức".

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung

Đại diện một câu lạc bộ doanh nghiệp tại Hà Nội thậm chí còn tỏ ra "dị ứng" với ngành thuế sau khi chịu cảnh một lần nộp thuế mà phải đi tới 8 lần. "Tôi có một căn nhà cho thuê, phải làm thủ tục khai thuế để mua hóa đơn đỏ. Mỗi lần làm việc với cán bộ thuế chỉ khoảng 15 phút nhưng mất luôn một buổi sáng. 8 lần đi ấy, phải rất tích cực về thời gian mới mua được hóa đơn đỏ", ông chia sẻ.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định xã hội ngày càng phức tạp có thể đòi hỏi thêm nhiều thủ tục, giấy tờ. Song việc này cũng phản ánh cơ quan quản lý không tự nâng cao năng lực để phù hợp với hoàn cảnh mới, khiến bộ máy cồng kềnh thêm.

Viện lời một quan chức Bộ ngành cho biết phải nài nỉ để hẹn làm việc với cơ quan khác, bà Lan đánh giá việc này là kỳ cục. "Đến Thủ tướng họp giao ban với địa phương còn họp qua mạng được, nữa là các bộ, cơ quan", vị này thẳng thắn.

Hệ quả của thủ tục rườm ra, chồng chéo là tăng trưởng của nền kinh tế chưa đạt được mức tiềm năng. Theo tính toán của ông Olin McGill - chuyên gia Tổ chức Hỗ trợ phát triển Mỹ (USAID), chi phí hàng năm mà một cán bộ doanh nghiệp phải bỏ ra để làm thủ tục làm thuế là trên 24 triệu đồng. Với tổng số giờ nộp thuế là 872 giờ, doanh nghiệp đang tiêu tốn khoảng 20 tỷ đồng cho công việc này. Nếu cả nước có khoảng 400.000 doanh nghiệp, số tiền thất thoát lên tới 8.000 tỷ đồng.

Thậm chí, việc chậm trễ trong thủ tục đưa hàng hóa qua biên giới có thể khiến GDP Việt Nam mất đi gần 30% và làm tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 15%.

Trước thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết mục tiêu hàng đầu hiện nay là cải cách thủ tục hành chính, đến hết năm 2015 phải giảm số giờ nộp thuế từ 872 giờ về còn 171 giờ. "Đây là thách thức rất lớn"", ông bày tỏ.

Song, lãnh đạo Bộ Tài chính thể hiện quyết tâm khi "khó cũng phải có giải pháp", trong đó phải mang tầm chiến lược và đơn vị thực hiện phải thực sự cầu thị.

Về việc doanh nghiệp đang mất nhiều để chuẩn bị tờ khai thuế và hải quan, vị này cũng thừa nhận có tình trạng hàng hóa muốn qua biên giới phải qua nhiều khâu như cảng vụ, biên phòng, đơn vị quản lý cảng, khả năng lưu thông đường bộ, bốc xếp,cơ quan quản lý thị trường… Do đó, Bộ Tài chính kiến nghị phân định rạch ròi những vấn đề nào đáng phải kiểm tra, đồng thời đầu tư máy móc để kiểm tra hàng hóa ngay khi thông quan, tránh việc về đến địa phương mới làm thủ tục chứng minh.

Ông cũng tán đồng quan điểm đã làm thủ tục hải quan điện tử thì không cần phải in thêm giấy tờ bổ sung mà sẽ đề xuất trang bị cho cơ quan quản lý thị trường máy đọc các mã vạch để chứng minh tính hợp lệ của hàng hóa.

Ngoài ra, quy định hiện tại đang yêu cầu doanh nghiệp khai và nộp thuế thu nhập 4 lần một năm và phải quyết toán vào ngày 31/3 năm sau. Song, ông Tuấn đề xuất mỗi kỳ doanh nghiệp có thể tiến hành nộp thuế, sau đó đến kỳ hạn quyết toán, nếu thấp hơn số đã nộp thì có nộp thêm hoặc được hoàn nhập trong trường hợp ngược lại. Với việc khai thuế giá trị gia tăng (VAT), hiện doanh nghiệp có doanh thu dưới 20 tỷ đồng thì được khai theo quý, nhưng nếu dãn ra từ 20-50 tỷ đồng thì 96% được khai theo quý, giúp tiết kiệm được 88 giờ.

Theo kế hoạch trước mắt, từ nay tới cuối năm 2014 sẽ phải giảm 354 giờ nộp thuế, xuống còn 518 giờ và giảm tiếp về 171 giờ vào cuối năm 2015. "Chúng tôi mong các tổ chức quốc tế và đơn vị liên quan cùng nhau làm việc để xác định rõ mục tiêu cụ thể từ thì đến năm sau mới đạt được mục tiêu 171 giờ", Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, trong trung hạn, vị lãnh đạo này khẳng định phải đảm báo tính bền vững, bởi sau khi hội nhập năm 2015, thời gian nộp thuế ở mức bình quân khu vực 171 giờ như hiện tại xác định có thể không còn hợp lý. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Ngân hàng thế giới (WB) xây dựng một hệ thống quản lý rủi ro, giúp hoàn thiện chính sách thuế và quy trình hành chính theo tiêu chuẩn quốc tế.

Ngoài ra, thời gian nộp thuế cũng bao gồm thời gian làm thủ tục nộp bảo hiểm xã hội nên Bộ Tài chính yêu cầu lãnh đạo hai cơ quan cùng đánh giá thực trạng, phân chia mục tiêu cụ thể, trong đó có thể tính đến việc thống nhất mã số thuế với mã số đóng bảo hiểm xã hội.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương kỳ vọng với những cải cách tích cực của bộ ngành và ý kiến tham vấn từ chuyên gia, thủ tục hành chính tại Việt Nam sẽ giảm nhẹ hơn. "Với áp lực từ bên trong và động lực bên ngoài, quá trình cải cách sẽ mạnh mẽ hơn, giúp nền kinh tế trở lại mức tăng trưởng 7%", ông khẳng định.

Chuyên gia của USAID cũng bày tỏ với ý chí chính trị mạnh mẽ, nếu Việt Nam cải cách thành công sẽ thu hút thêm nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn như Samsung, Intel đến Việt Nam.

 

{fcomment}