Khó khăn kéo dài, không thể chịu đựng, bước đường cùng, nhiều DN đang hạ giá bán tháo hàng tồn kho, đóng cửa hàng, nhà máy... thậm chí bàn cả DN cho nước ngoài.
Giảm giá để bán tháo
Các doanh nghiệp (DN) dệt may đang đối mặt với tình trạng tiêu thụ thu hẹp, tồn kho tăng cao. Dù đã mở nhiều nhiều đợt giảm giá, nhưng vẫn không giải quyết hết. Sức mua hàng dệt may ước tính giảm trên 30% khiến cho mặt hàng này bị tồn đọng khá lớn.
Trên đường Chùa Bộc, một trung tâm thời trang của Hà Nội, hàng trăm cửa hàng bán quần áo khuyến mãi, giảm giá phổ biến từ 20 - 80% cho tất cả các mặt hàng. Có cửa hàng tung 2 chương trình khuyến mãi một lúc, cả khuyến mãi đẩy hàng tồn và giảm giá cho các ngày lễ để kéo khách.
Tại trung tâm thương mại Parkson (Tây Sơn- Hà Nội), cũng liên tục tổ chức chương trình khuyến mãi, mặt hàng giảm giá thấp nhất là 10%, cao thì lên tới 50%, nếu mua nhiều còn được khuyến mãi tiếp cho các sản phẩm về sau.
Tại hệ thống siêu thị BigC, Co.opmart, Fivi Mart... cho thấy, để kéo sức mua, hiện hầu hết các hệ thống siêu thị đều đang triển khai các chương trình khuyến mãi với hàng trăm sản phẩm giảm giá với mức giảm nhiều mặt hàng lên đến 50%. Trong số này, phần lớn các mặt hàng tiêu dùng, quần áo, thực phẩm, hóa mỹ phẩm...
Trên đường Chùa Bộc, hàng trăm cửa hàng bán quần áo khuyến mãi, giảm giá phổ biến từ 20 - 80% cho tất cả các mặt hàng. |
Khuyến mãi giảm giá khủng không kém là các trang bán hàng trực tuyến, hiện có những sản phẩm được rao bán giảm giá từ 40% - 76% so với giá niêm yết.
Trong số các thương hiệu giảm giá khủng nhất phải kể đến Ninomax cuối tháng 4 vừa qua đã tạo ra sự kiện giảm giá sản phẩm tới 80%, hay như FoCi giảm giá từ 30%-40%.
Khuyến mãi lớn, song sức mua cũng không tăng. Theo một số nhân viên bán hàng tại Parkson, có sản phẩm giảm giá từ 400.000 đến 500.000 đồng nhưng vẫn không kích được sức mua, trong khi mọi năm, thời điểm này hiếm hoi lắm mới có cửa hàng giảm giá, và mức giảm chỉ ở 5 - 10%.
Chủ một đại lý thời trang tại đường Ngô Quyền (Hà Nội) cho biết, dù khuyến mãi nhưng sức mua vẫn kém, mặc dù giảm giá nhưng tiêu thụ không được bao nhiêu. Có nhiều sản phẩm công bố giảm giá cả tháng trời cũng không bán được là bao, hàng chất đống không còn chỗ để. Nhà sản xuất thì cũng chẳng buồn lấy về vì để ở cửa hàng, bán được cái nào hay cái đó, còn hơn là mang về cũng chỉ biết cất vào kho.
Theo ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần May Sài Gòn 2 cho hay, sức mua ở mặt hàng quần áo hiện nay rất thấp. Bằng chứng là khối lượng hàng tiêu thụ của công ty này đã giảm 30 - 40% so với cùng kỳ. Công ty đã giảm 20% - 25% lượng hàng sản xuất cho nội địa. Nếu như trước đây, trung bình mỗi tháng công ty cho ra đời 70 - 80 mẫu quần áo mới thì hiện nay con số này chưa được ½. .
Được biết, tại Tp Hồ Chí Minh không ít các doanh nghiệp dệt may có lượng sản phẩm tồn kho từ 30.000 cho đến gần 100.000 sản phẩm.
Trong khi đó, Hiệp hội thép Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp thép xây dựng lớn đã bắt đầu giảm giá bán từ 200.000 - 300.000 đồng/tấn (2%) xuống còn khoảng 15 triệu đồng/tấn. Trong tháng 5 lượng thép bán ra ở mức thấp chỉ đạt 350.000 tấn nên các doanh nghiệp bắt đầu giảm giá. Lượng hàng tồn kho tính đến ngày 31/5 khoảng 315.000 tấn và có nhiều nhà máy thép đang phải ngưng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng.
Trong 5 tháng đầu năm 2012, toàn Hiệp hội Thép sản xuất được 1.963.266 tấn, giảm 11,13% so với cùng kỳ năm 2011. Lượng thép xây dựng bán ra của các thành viên Hiệp hội trong 5 tháng đầu năm 2012 đạt 1.940.539 tấn, giảm 7,65% so với cùng kỳ năm trước. Lượng thép xây dựng tồn ở các công ty tính đến 31/5/2012 là 321.678 tấn, tồn kho phôi thép 520.000 tấn.
Trong khi đó, ở phía Bắc, một số DN trực thuộc và liên doanh với TCT Thép tuy có điều chỉnh giá bán tăng nhưng thực chất là giảm chiết khấu bán hàng.
Cụ thể, Giá thép phổ biến tại miền Bắc từ 16,15-16,40 triệu đồng/tấn, miền Nam từ 16,32 - 17,14 triệu đồng/tấn. Một số nhà sản xuất phía Bắc tăng 50.000 -100.000đ/tấn đối với thép tròn cuộn và 50.000 -200.000đ/tấn đối với thép cây thông dụng thông qua việc giảm chiết khấu bán hàng.
Dừng sản xuất, bán cả DN
Cũng không chịu nổi khó khăn kéo dài, hàng loạt tên tuổi đình đám một thời như: Ninomax, Foci, Việt Thy, Sea, Sanding, May Sài Gòn 2... cũng đã buồng xuôi, buộc phải thu hẹp qui mô, hoạt động cầm chừng vì không tìm được đầu ra cho sản phẩm.
Ninomax đã dọn dẹp sạch sẽ và đóng cửa một số cửa hàng tại TP.HCM. Công ty May Sài Gòn 2 gần như chấp nhận buông thị trường nội địa, cố gắng duy trì sự hiện diện trên thị trường để người tiêu dùng không quên thương hiệu chứ không có kế hoạch đầu tư hay phát triển gì.
Trong khi nhu cầu thị trường nội địa giảm mạnh thì DN dệt may Việt Nam lại phải đối phó với hàng dệt may Trung Quốc. Năm nay, xuất khẩu dệt may của Trung Quốc giảm mạnh, tồn kho nhiều nên dồn dập "xả" hàng vào Việt Nam với mức giá rẻ hơn đến 30% so với hàng sản xuất trong nước.
Theo Hiệp hội Thép, hiện đã có 5 DN sản xuất thép xây dựng ở khu vực phía Bắc ngưng sản xuất 2 tháng nay. |
Trước sức ép của hàng may mặc Trung Quốc, thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực tự cứu. Tập đoàn Dệt may Việt Nam - Vinatex đã tổ chức nhiều đợt bán hàng trợ giá với mức giảm giá đến 30% - 40%.Tuy nhiên bán như vậy cũng chỉ để giải quyết hàng tồn kho chứ không hề có lãi.
Một khó khăn lớn nữa của các DN dệt may hiện nay là thị trường xuất khẩu đang bị thu hẹp. Tại các thị trường xuất khẩu chủ lực gồm Mỹ, Nhật và EU thì kim ngạch hàng dệt may đã bị sụt giảm nghiêm trọng. Nguyên nhân, do các nhà nhập khẩu của EU đang chuyển dần những đơn hàng từ Việt Nam sang Campuchia, Lào, Bangladesh để tiết kiệm chi phí.
Ngoài ra, cũng do cuộc khủng hoảng nợ của các quốc gia EU nên người tiêu dùng đã siết chặt chi tiêu. Vì thế, chỉ tính trong quý I/2012, ngành dệt may Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU đã giảm đến 25-30% so với cùng kỳ năm 2011; cũng trong tình trạng sức mua bị giảm sút, xuất khẩu dệt may sang Mỹ trong quý I cũng chỉ tăng không quá 10% so cùng kỳ năm ngoái, là mức tăng trưởng rất đáng lo ngại.
Ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) kiêm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, chỉ những DN lớn, có thương hiệu trên thị trường, có tiềm lực mạnh là có đơn hàng của cả quý II và đang thu xếp đơn hàng quý III với những tín hiệu tương đối khá. Còn lại, những DN nhỏ thì khó khăn hơn.
Theo ông Phạm Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép, do nhu cầu yếu đi, các nhà sản xuất buộc phải cắt giảm sản lượng nên hiệu suất sử dụng thiết bị bình quân của các nhà máy cán thép xây dựng chỉ đạt 50 - 60% công suất thiết kế.
Công ty Gang thép Thái Nguyên cho biết, tiêu thụ chỉ bằng 70 - 71% so với cùng kỳ và đã phải cắt giảm sản xuất mức 15%. Thép Hòa Phát, phải cắt giảm 20% công suất do khó khăn thị trường. Cty liên doanh Thép Việt - Hàn (VPS) cho biết, từ cuối 2011 đến nay, DN luôn hoạt động dưới công suất thực có. Đơn cử, với nhóm sản phẩm ống thép, mức công suất hiện tại vào khoảng 1,8 - 1,9 triệu tấn/năm, bán trong nước chưa đến 1 triệu tấn/năm.
Thậm chí, Công ty thép Pomihoa của Tam Điệp (Ninh Bình) mới đây đã được Tập đoàn thép Kyoei (Nhật Bản) mua lại, trở thành chủ sở hữu 70% vốn và đã đổi tên DN thành Cty thép Kyoei Việt Nam.
Theo Hiệp hội Thép, hiện nay hầu hết doanh nghiệp thép vừa và nhỏ đang rơi vào cảnh "sống dở chết dở", các DN này chỉ sản xuất đạt 50% công suất là nhiều. Hiệp hội Thép VN cũng đã đưa ra cảnh báo, sẽ có khoảng 20% số DN thép phá sản trong năm 2012.
(Theo VEF)
-
Cần đổi mới mạnh mẽ tư duy, tạo đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới
-
Dệt may giành vị trí số một về xuất khẩu
-
Đập hộp Galaxy Note 3 chính hãng bán tại Việt Nam
-
Hình độc về công trình nhà máy nước ở Thanh Hóa 100 năm trước
-
Chảy nước miếng với 7 món ngon dân dã từ cốm Hà Nội
-
Vì sao xe Hybrid ít trục trặc hơn xe thường?
-
Kè vừa làm xong đã sập: Bê tông quên…cốt thép
-
Hà Nội: Số ca F0 nặng, nguy kịch tăng
-
Kỳ thi quốc gia 2015: Thí sinh thi năng khiếu thế nào?
-
“Hoa mắt” với mức lãi suất cao nhiều chủ nợ chết đứng