Cuối tháng 2 vừa qua, Bộ Tài chính đã gửi công văn cho các địa phương, doanh nghiệp, bộ, ngành để lấy ý kiến cho dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) của thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
Đây là bước đi đầu tiên trong tiến trình GTGC của thuế TNCN. Sau khi lấy ý kiến, Bộ Tài chính sẽ hoàn chỉnh hồ sơ và trình Chính phủ xem xét, quyết định xem có trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay không.
Đủ điều kiện điều chỉnh theo luật định
Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh mức GTGC của thuế TNCN này căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN 2012.
Theo đó, việc điều chỉnh này căn cứ vào mức biến động của chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Nếu CPI biến động trên 20% thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức GTGC quy định tại khoản này cho phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.
Bộ Tài chính cho biết căn cứ vào số liệu Tổng cục Thống kê cung cấp và thấy rằng chỉ số CPI tại thời điểm cuối tháng 12-2019 so với thời điểm ngày 1-7-2013 là 123,2%, tăng 23,2%. Mức biến động này đủ điều kiện theo luật định để điều chỉnh mức GTGC của thuế TNCN.
Bảo đảm công bằng xã hội
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc điều chỉnh nâng mức thu nhập được điều chỉnh GTGC cho người nộp thuế lên 11 triệu đồng và người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng “sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế trong bối cảnh giá cả, lạm phát tăng so với thời điểm năm 2013”.
Đương nhiên, mọi đối tượng nộp thuế sẽ được giảm thuế nhưng nhóm người nộp thuế ở bậc thuế thấp sẽ được giảm nhiều hơn so với nhóm người nộp thuế ở bậc cao hơn.
Đối với xã hội, vẫn theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh tăng mức GTGC sẽ đảm bảo thực hiện mục tiêu chính sách động viên hợp lý, công bằng. Việc điều chỉnh này cũng góp phần nâng cao đời sống của người nộp thuế, tạo động lực khuyến khích mọi cá nhân ra sức lao động, sản xuất kinh doanh, gia tăng thu nhập làm giàu chính đáng.
Về mặt chính sách, việc điều chỉnh này đảm bảo chính sách đơn giản, rõ ràng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế, tính tuân thủ pháp luật về thuế. Việc nâng mức GTGC cũng góp phần điều tiết hợp lý thu nhập, góp phần thực hiện công bằng xã hội.
Đối với xã hội, Bộ Tài chính đánh giá việc điều chỉnh mức GTGC sẽ kích thích tăng mức chi tiêu hộ gia đình, tăng tiêu dùng của xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bởi việc điều chỉnh này sẽ dẫn đến giảm nghĩa vụ thuế TNCN hay gia tăng thu nhập khả dụng (thu nhập sau khi nộp thuế) của các cá nhân.
Dự kiến mức điều chỉnh GTGC
Người nộp thuế được GTGC lên mức 11 triệu đồng/tháng.
Công thức tính: 1,232 x 9 triệu đồng = 11,088 triệu đồng (làm tròn 11 triệu đồng).
Người phụ thuộc được GTGC 4,4 triệu đồng/tháng. Công thức tính: 1,232 x 3,6 triệu đồng = 4,4352 triệu đồng (làm tròn 4,4 triệu đồng).
Giảm thu ngân sách nhà nước trên 10.000 tỉ đồng
Bộ Tài chính cũng thừa nhận việc điều chỉnh này cũng sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế do liên quan đến việc giảm chi tiêu của Chính phủ do giảm thu ngân sách từ thuế TNCN.
Dữ liệu ngành thuế năm 2019 cho thấy hiện cả nước có khoảng 6,89 triệu người nộp thuế TNCN, tổng thu ngân sách nhà nước từ thuế TNCN đạt trên 79.219 tỉ đồng.
Nếu mức GTGC được áp dụng thì một phần lớn số người nộp thuế TNCN ở bậc 1 sẽ chuyển sang diện không phải nộp thuế và số người thuộc những bậc thuế cao hơn cũng được giảm số thuế phải nộp.
Ngân sách nhà nước thu từ thuế TNCN thay vì hơn 79.000 tỉ đồng trước đây sẽ chỉ còn gần 69.000 tỉ đồng. Hệ quả là ngân sách nhà nước sẽ giảm thu từ thuế TNCN khoảng 10.300 tỉ đồng, tương đương khoảng 13% số thu từ thuế TNCN.
Nếu phương án điều chỉnh GTGC của thuế TNCN được Chính phủ trình và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua thì sẽ được áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020. Những trường hợp đã tạm nộp thuế TNCN theo mức GTGC cũ sẽ được xác định lại số thuế TNCN phải nộp theo mức GTGC mới khi quyết toán thuế TNCN năm 2020.
Nhu cầu người dân không giống bảy năm về trước
Nếu chỉ dựa vào CPI để tính ra mức GTGC là không phù hợp, bởi GTGC là một hàm số đa biến, nó gồm rất nhiều biến số như CPI, chất lượng sống của người dân, nhu cầu của người dân đã hoàn toàn khác với thời điểm năm 2013. Do đó, không thể nào áp nhu cầu của người dân ở hiện tại phải giống hệt với nhu cầu của người tiêu dùng vào thời điểm diễn ra từ bảy năm trước.
Một điểm đáng chú ý nữa là giá cả của hàng hóa, dịch vụ trên thực tế không đúng như chỉ số giá cả CPI mà Nhà nước đo. Ví dụ, một ổ bánh mì năm 2013 có giá chỉ khoảng 7.000-9.000 đồng thì ở thời điểm này tối thiểu phải từ 12.000 đồng, thậm chí có nơi bán 20.000 đồng/ổ bánh mì ngoài vỉa hè, tương đương giá cả đã tăng 40%-110%, cao hơn rất nhiều so với mức 23% mà Nhà nước tính toán.
Do đó, nếu tính mức GTGC theo CPI thì rõ ràng người dân phải chịu thiệt hại rất nhiều. Chưa kể là trong hoàn cảnh hiện tại, người dân trên khắp cả nước còn phải đối diện với dịch bệnh COVID-19 thì thực sự mức GTGC như vậy sẽ đem đến nhiều lo ngại cho người dân.
Ông BÙI QUANG TÍN, chuyên gia tài chính ngân hàng