Đề xuất bỏ con dấu doanh nghiệp

ngày 11/11/2014

Nhiều đại biểu đã đề xuất bỏ con dấu doanh nghiệp trong Luật doanh nghiệp (sửa đổi).
 
Chiều 10/11, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi).

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng dự thảo có nhiều thay đổi về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, nhưng cần phải được minh bạch hoá các quy định của pháp luật.
Nhiều ĐBQH đề xuất bỏ con dấu doanh nghiệp (Ảnh minh họa)

“Con dấu của doanh nghiệp là vấn đề phức tạp và có nhiều vướng mắc trong quá trình áp dụng. Dự thảo cần có những quy định cụ thể để giải quyết những vướng mắc đặc biệt là giá trị pháp lý của hợp đồng khi doanh nghiệp ký kết không có con dấu.

Nghĩa là có người đại diện ký kết nhưng không có con dấu, hoặc ngược lại, có con dấu nhưng người ký lại không đúng thẩm quyền”, đại biểu Hà Sỹ Đồng nêu thực tế.

Vị đại biểu Quốc hội của tỉnh Quảng Trị cũng đề nghị cần nghiên cứu kỹ về điều này để phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành cũng như có biện pháp để đảm bảo con dấu có giá trị pháp lý.

“Con dấu do người đại diện pháp luật của doanh nghiệp quản lý nhưng với những doanh nghiệp có nhiều người đại diện thì việc quản lý được quy định như thế nào. Trường hợp có sự tranh chấp, lạm quyền của một người đại diện thì những người còn lại xử lý ra sao?”, đại biểu Đồng nêu quan điểm.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, ban soạn thảo Luật doanh nghiệp cũng đang nghiên cứu để xem xét một vấn đề rất quan trọng là không cần hoặc không bắt buộc doanh nghiệp phải sử dụng con dấu.

“Cái này trên thế giới bỏ lâu rồi, chỉ còn vài nước bắt buộc doanh nghiệp sử dụng con dấu, trừ cơ quan nhà nước. Còn lại doanh nghiệp là phải tiếp cận theo hướng đó, minh bạch như vậy, chứ không thủ tục và những phiền hà cho doanh nghiệp còn rất lớn”.

Trả lời phỏng vấn báo chí bên lề hành lang Quốc hội sáng 10/11, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, cho biết chủ trương bỏ con dấu doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và cộng đồng doanh nghiệp rất ủng hộ.

“Việc bỏ con dấu cần được triển khai càng sớm càng tốt, ngay sau khi luật có hiệu lực. Việc này sẽ thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hơn, góp phần nâng hạng Việt Nam trên trường quốc tế”, ông Phúc nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) băn khoăn khi cho rằng việc duy trì con dấu doanh nghiệp vẫn đáp ứng được nhu cầu giao tiếp trong khi chữ ký hiện chưa đáp ứng được.

“Việc sử dụng con dấu cần quản lý chặt chẽ hơn để bảo vệ uy tín của doanh nghiệp, tránh việc lợi dụng và làm giả con dấu”, đại biểu Sơn nêu ý kiến.

Bàn về giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Đại biểu Phan Văn Quý (Nghệ An) cho biết giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là văn bản hoặc bản điện tử, nhưng thực tế, khi làm việc với các đối tác, doanh nghiệp luôn phải cung cấp bản sao.

“Nếu là bản điện tử thì phải thực hiện thêm một thủ tục yêu cầu cơ quan quản lý cung cấp bản sao. Khi đó doanh nghiệp phải trả chi phí cho việc này, điều này gây phiền hà và phát sinh thêm chi phí”, đại biểu Quý nêu thực tế.

Cũng có cùng quan điểm này, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) đề nghị ban soạn thảo thiết kế lại các quy định liên quan nhà đầu tư nước ngoài.

Theo đó, luật cần bỏ tất cả các yêu cầu về bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong hồ sơ thành lập doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, trong thủ tục xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, cơ quan đăng ký doanh nghiệp sẽ phải xem xét ngành nghề kinh doanh dự kiến của nhà đầu tư căn cứ vào danh mục ngành nghề kinh doanh mở cửa có điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài để quyết định việc có cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hay không.

Theo VTC News

{fcomment}