Dạy ngoại ngữ không còn kiểu ‘tắm ao nhà’

ngày 15/06/2015

 Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã khẳng định tinh thần đổi mới trong việc dạy và học, đặc biệt việc dạy và học ngoại ngữ sẽ hướng đến các tiêu chuẩn quốc tế.
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận sáng 13/6, đại biểu Quốc hội tỏ ra băn khoăn về chất lượng dạy và học ngoại ngữ hiện nay trong các trường phổ thông. Đại biểu cho rằng tuy học rất khó nhưng học sinh Việt không thể sử dụng được ngoại ngữ.
Cách dạy và học ngoại ngữ của Việt Nam sẽ được thay đổi để phù hợp với chuẩn quốc tế
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận trước kia nền giáo dục Việt Nam công nhận các văn bằng, chứng chị ngoại ngữ trình độ A, B, C do chính người Việt đánh giá.

Vì vậy, việc dạy và học ngoại ngữ không phù hợp với xu thế chung của thế giới dẫn tới việc học sinh không thể sử dụng được ngoại ngữ.

“Giáo dục Ngoại ngữ ở phổ thông tới đây sẽ toàn diện cả 4 kỹ năng: Nghe - Nói - Đọc - Viết. Cùng với đó, có chuẩn trình độ cho từng cấp học. Chuẩn này được xây dựng có tham chiếu khung năng lực của Châu Âu, tức là có hội nhập chứ không “tắm ao nhà” nữa”, Bộ trưởng Luận khẳng định.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn trước Quốc hội
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn trước Quốc hội
Nhiều đại biểu cũng quan tâm đến việc chuẩn bị cho hội nhập ASEAN để tránh bị động và có nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết đến thời điểm này, Bộ Giáo dục –Đào tạo và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham gia tích cực vào việc xây dựng khung tham chiếu trình độ của ASEAN đối với các trình độ: Dạy nghề, giáo dục chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học. Khung trình độ quốc gia về cơ bản đã xây dựng xong.

Bên cạnh đó, nhiều thỏa thuận công nhận lẫn nhau về các trình độ đào tạo và các bằng cấp cũng đã được ký kết. Ví dụ, ở trung cấp, dạy nghề ở 7 trình độ: Kỹ thuật, Điều Dưỡng, Nha khoa, Kế toán, Du lịch, Trắc địa, Kiến trúc.

Ở trình độ ĐH, đã có công nhận bằng cấp giữa nhiều trường ĐH Việt Nam với các trường ĐH hàng đầu của Pháp, Đức và nhiều nước khác.

Bộ trưởng cho biết: “Mới đây, Bộ Giáo dục –Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục quốc gia, Giảng dạy đại học và Nghiên cứu Pháp đã ký kết công nhận lẫn nhau bằng tốt nghiệp ĐH và công nhận lẫn nhau kết quả ĐH của các trường ĐH hai nước. Theo đó, sinh viên có thể học 1 năm ở Việt Nam sau đó sang Pháp học mà được bên Pháp sẽ công nhận kết quả học tập và ngược lại”.

Bên cạnh đó, nhiều trường ĐH Việt Nam trong quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mình đã chủ động liên kết với các trường ĐH nước ngoài để tham gia các chương trình đào tạo ĐH, sau ĐH và các chương trình nghiên cứu.

“Cùng với đó, chúng tôi đã chỉ đạo việc đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo của các cấp học, đặc biệt ở ĐH để chuyển sang phát triển năng lực và phẩm chất” – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh.

Nguồn VTC News