Đầu tư vào cổ phiếu bluechip để hạn chế rủi ro, liệu có đúng?

ngày 20/06/2022

Bluechip được đánh giá là những cổ phiếu có nền tảng vững chắc, ổn định, an toàn cao. Tuy nhiên, không phải cứ mua bluechip là sinh lời.

Một trong những loại cổ phiếu có tính an toàn cao và được khuyến khích cho các nhà đầu tư mới gia nhập thị trường là bluechip. Tên gọi bluechip bắt nguồn từ cách gọi tiền của trò Poker ở các casino.

Trong đó, những tấm thẻ xanh (blue chip) là thẻ mang giá trị lớn nhất trong ván chơi. Ở thị trường chứng khoán, bluechip đại diện cho những mã cổ phiếu uy tín cao và có khả năng trụ vững dù thị trường suy giảm.

Bluechip là những cổ phiếu của các công ty có vốn hóa lớn, tình hình tài chính vững chắc đi kèm uy tín đáng tin cậy trên thị trường. Đây là những công ty làm ăn lớn, phát triển tốt và thường nằm trong top những doanh nghiệp đứng đầu trong lĩnh vực, ngành hàng đó. Ngược lại với bluechip, khái niệm “penny” dùng để chỉ những mã cổ phiếu của các công ty có quy mô vốn hóa nhỏ trên thị trường.

Để được gọi là bluechip, cổ phiếu cần đáp ứng những tiêu chí như công ty phát hành có tiếng tăm, vốn hóa lớn, hoạt động tài chính tốt; lịch sử tăng trưởng của cổ phiếu bền vững qua từng thời kỳ; hoặc được các tổ chức đánh giá tài chính uy tín xếp thứ hạng cao. Tại thị trường vốn Việt Nam, rổ VN30 đại diện cho 30 cổ phiếu bluechip đứng đầu trên thị trường.

Bluechip đại diện cho những mã cổ phiếu đến từ công ty lớn, uy tín, đà tăng trưởng tốt trên thị trường.

Lợi thế về nguồn lực và uy tín của các công ty lớn tạo ra cho nhà đầu tư thiên kiến mã bluechip sẽ đi kèm với tỷ lệ sinh lời cao, ít rủi ro, mức độ an toàn lớn. Nhiều người tin tưởng dù đứng trước suy thoái hay đà suy giảm chung của thị trường, các mã bluechip vẫn sẽ tăng trưởng và lội ngược dòng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đặc biệt khi thị trường rung lắc mạnh, đó không còn là nhận định có độ chính xác cao.

Trong đa số trường hợp thị trường đi xuống, các mã bluechip là những chứng khoán “gồng gánh” thị trường, đặc biệt khi những cổ phiếu khác dao động. Nhiều sự kiện thực tế đã cho thấy các mã bluechip không phải bảo chứng cho tỷ lệ rủi ro thấp, đặc biệt trong giai đoạn suy thoái kinh tế, lũng đoạn thị trường hay các sự kiện “thiên nga đen”.

Đơn cử gần đây, đà chao đảo mạnh kéo theo nhiều phiên giảm sàn toàn thị trường. Chứng khoán chìm trong sắc đỏ với hàng loạt cổ phiếu bị bán tháo, có thời điểm gần 1.000 mã giảm giá, đưa thị trường về ngưỡng 1.200 điểm - tức bốc hơi xấp xỉ 20% so với chỉ vài tháng trước đó. Rổ VN30 cũng cùng chung đà bi quan khi nhiều cổ phiếu chìm trong sắc đỏ, một số ít giữ được sắc xanh cũng không đủ sức đưa thị trường lội ngược dòng.

Trong những phiên giảm của thị trường, mã bluechip cũng có rủi ro nhất định.

Bên cạnh đó, mặc dù cổ phiếu bluechip được đánh giá là loại chứng khoán có mức độ rủi ro thấp, nó cũng có những nhược điểm riêng. Do tính an toàn cao, tốc độ tăng trưởng của các mã bluechip khá chậm và thường không có tính đột phá, dẫn đến tỷ lệ sinh lời của các mã chứng khoán không cao. Do đó, bluechip có thể không phải khoản đầu tư tốt cho những người đam mê cảm giác mạo hiểm, “liều ăn nhiều”.

Dù có nhiều lợi thế và được đánh giá là những mã cổ phiếu tốt, bluechip không phải lúc nào cũng là một lựa chọn đầu tư lý tưởng cho mọi người. Do đó, nhà đầu tư cần cân nhắc đến mục tiêu cũng như khẩu vị đầu tư của bản thân để lựa chọn cho mình danh mục phù hợp.

Lựa chọn mã bluechip uy tín không khó nếu nhà đầu tư tìm hiểu các thông tin về thị trường. Tuy vậy, bluechip cũng có những loại có tỷ lệ biến động lớn. Do đó, nhà đầu tư cần tìm hiểu bản chất tình hình tài chính, kinh doanh của doanh nghiệp thay vì chỉ đơn thuần đổ tiền vào rổ VN30. Điều này vừa giúp nhà đầu tư có cái nhìn cận cảnh về doanh nghiệp, vừa tránh được tâm lý chạy theo đám đông, sợ bỏ lỡ (FOMO).

Các công cụ phân tích, đánh giá như Ysradar giúp nhà đầu tư lựa chọn danh mục cổ phiếu tiềm năng.

Hiện nay, các công ty tài chính thường xuyên giới thiệu nhiều công cụ hỗ trợ để nhà đầu tư phân tích tình hình hoạt động của doanh nghiệp cũng như thị trường, đơn cử như công cụ môi giới số YSuri được ví như “trợ lý ảo” giúp tổng hợp công nghệ phân tích dữ liệu lớn, công cụ đánh giá và chọn lọc cổ phiếu YSradar, hay khóa học kiến thức về đầu tư YSedu... Những công cụ này là trợ thủ đắc lực để nhà đầu tư nghiên cứu, lựa chọn mã cổ phiếu thích hợp với tiềm năng tăng trưởng tốt để bỏ vào danh mục của mình.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư nên cân nhắc quy tắc không bỏ tất cả trứng vào một rổ. Việc đa dạng hóa danh mục là cách để nhà đầu tư phân tán rủi ro hiệu quả. Bạn có thể chia nhỏ danh mục vào nhiều mã bluechip khác nhau, hoặc đa dạng hóa vào trái phiếu, chứng chỉ quỹ...

Nguồn: zingnews.vn