Đấu giá khu đất thuộc Nghĩa trủng Phước Ninh (Đà Nẵng): Nơi linh thiêng, cần bảo tồn

ngày 27/10/2021

Thành phố Đà Nẵng vừa đưa khu đất A2 mặt tiền Nguyễn Văn Linh–Hoàng Diệu vốn thuộc Nghĩa trủng Phước Ninh – Di tích lịch sử cấp quốc gia vào danh sách đấu giá để làm bãi đỗ xe. Tuy nhiên người dân khu vực này khi được lấy ý kiến đều không đồng thuận. Còn các chuyên gia cho rằng đây là nơi linh thiêng, cần tôn tạo, bảo vệ.

Người dân quét dọn, chăm sóc Nghĩa trủng Phước Ninh và mong muốn khu đất A2 là công viên thay vì bãi đậu xe

Người dân đề nghị làm công viên

Việc UBND TP Đà Nẵng lên danh sách khu đất A2 mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh (phường Nam Dương, quận Hải Châu) với diện tích hơn 2.100m2 để đấu giá làm bãi đậu xe khiến dư luận xôn xao. Bởi nó vốn thuộc khu Di tích lịch sử cấp Quốc gia Nghĩa trủng Phước Ninh - nơi quy tập hài cốt của hơn 1.500 nghĩa sĩ, đồng bào Quảng Nam - Đà Nẵng, Bình Trị Thiên, Quảng Ngãi, Bình Định đã hy sinh tại mặt trận chống Pháp xâm lược giai đoạn 1858-1860.

Điều đáng nói, khu đất A2 này vào năm 2020 đã được Thành ủy Đà Nẵng thống nhất chủ trương dành để mở rộng di tích Nghĩa trủng Phước Ninh. Tuy nhiên giờ đây mọi chuyện bỗng chốc thay đổi.

Ông Nguyễn Phi, tổ trưởng Tổ dân phố Đình Thọ 2 (phường Nam Dương) cho hay: Cơ quan chức năng đã 4 lần tổ chức họp dân xung quanh để lấy ý kiến về khu đất. Nhưng lần nào người dân cũng đề nghị làm công viên.

“Hồi xưa khu đất A1 để làm công viên nhưng cũng đã bán rồi. Còn lại khu đất này, người dân nhất định đề nghị làm công viên để có không gian công cộng”.

Gia đình bà Hàng Ái Hoa (73 tuổi) sống từ nhỏ cạnh Nghĩa trủng Phước Ninh, là một trong số 3 hộ dân ở đường Huỳnh Thúc Kháng sẽ được di dời để nhường đất cho việc mở rộng Di tích quốc gia Nghĩa trủng Phước Ninh. Bà Hoa ủng hộ chủ trương mở rộng nghĩa trủng Phước Ninh. Đền bù thỏa đáng người dân sẽ đi để nhường đất mở rộng tôn tạo di tích linh thiêng.

“Nghĩa trủng trước đây lớn lắm. Cả một khu phố này chật chội, không có lấy một công viên. Còn một xíu đất, bao nhiêu lần dân nói để làm công viên rồi mà nay vẫn thấy làm bãi đỗ xe”, bà Hoa nói. Nơi đây lâu nay đã được cho thuê, đóng cọc lợp tôn mấy dãy nhà để xe.

Hiện trạng khu đất A2 Ảnh: Nguyễn Thành

Trước đó, theo báo cáo số 140 ngày 26/8/2020 của UBND phường Nam Dương gửi thành phố về kết quả họp lấy ý kiến nhân dân, toàn bộ các ý kiến không đồng tình với việc làm bãi đỗ xe tại đây.

Giá trị văn hóa – lịch sử đặc biệt

Chuyên gia bảo tồn trùng tu kiến trúc cổ, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ là người từng tham gia vẽ kiến trúc để lập hồ sơ công nhận di tích Quốc gia đặc biệt thành Điện Hải, cho biết: Thành Điện Hải được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt thì cần có hồ sơ những di tích vệ tinh như Nghĩa trủng Phước Ninh, Nghĩa trủng Hòa Vang, Nghĩa trang Y Pha Nho… để làm nổi bật giá trị lịch sử của thời kỳ đầu nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược.

Di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải không thể tách rời với các di tích này. Tại Nghĩa trủng Phước Ninh ngoài yếu tố tâm linh, về mặt kiến trúc có những đồn bốt nhỏ là nơi nhân dân ta ngã xuống trong các trận đầu chống Pháp.

“Một di tích có ý nghĩa rất lớn cần không gian tôn nghiêm và thành kính. Việc quy hoạch làm bãi đậu xe bên cạnh như vậy thì không ổn”, ông Hỷ cho biết.

Ông Hỷ cũng cho rằng việc đấu giá đất, làm bãi đỗ xe tại khu vực di tích có liên hệ mật thiết với Di tích Quốc gia đặc biệt thành Điện Hải có thể sẽ vi phạm luật bảo vệ di sản. Việc này cơ quan chức năng thành phố cần xem xét kỹ lưỡng và cần có ý kiến của bộ ngành.

Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Đà Nẵng, cho biết: Dù hài cốt đã di dời nhưng trong “ý thức bảo tồn” nơi đây vẫn là nơi linh thiêng, cần tôn tạo, bảo vệ. Ý nguyện chung của người dân mong muốn nơi đây sẽ là không gian công cộng kết nối với khu tưởng niệm Nghĩa trủng Phước Ninh để tăng giá trị lịch sử, văn hóa. Nhưng không gian công cộng là gì thì thành phố sẽ phải tính cho hợp lý, hợp với nguyện vọng của nhân dân.

“Thành phố đã đầu tư tôn tạo và mở rộng Nghĩa trủng Phước Ninh, vấn đề là khoảng trống còn lại. Đà Nẵng đang thiếu không gian công cộng, nên tận dụng những khu vực như vậy để tạo không gian mở, không nên chen vào đó những công trình xây dựng. Lý tưởng nhất, nên làm một công viên, không gian công cộng, phục vụ cộng đồng”, ông Tiếng nói.

Ông Phạm Tấn Xử, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao TP Đà Nẵng, cho biết: Quan điểm của Sở là cần gìn giữ những giá trị văn hóa lịch sử cho thế hệ mai sau. Việc TP quy hoạch, tính toán làm gì tại khu vực này cần phải hài hòa với không gian, mỹ quan nơi đây.

“Nếu không hài hòa với mỹ quan thì cần phải xem lại trong tổng thể quy hoạch. Vị trí này rất đẹp, nếu trở thành một địa chỉ tôn nghiêm, thành một địa điểm văn hóa tâm linh cho TP thì hết sức ý nghĩa. Ngành văn hóa sẽ nghiên cứu và có ý kiến về việc này”.

Nguồn: https://tienphong.vn/dau-gia-khu-dat-thuoc-nghia-trung-phuoc-ninh-da-nang-noi-linh-thieng-can-bao-ton-post1388100.tpo