Dân tự tìm "bí kíp" khắc chế cây xăng bán điêu

ngày 27/09/2013

Khi bình xăng sắp hết, chủ phương tiện chỉ cần yêu cầu cây xăng đổ đầy bình xăng của xe, khách hàng sẽ dễ dàng biết ngay cây xăng đó có gian lận hay không.

“Đổ cho chẵn tiền”?

Thời gian qua, một số người dân sống trên địa bàn TP.Pleiku, Gia Lai đã gọi điện phản ánh với PV Dân trí về việc hầu hết các cây xăng trong thành phố không thích bán nhiều xăng mà chỉ thích bán cho “chẵn tiền”.

Nhờ có một người quen làm nhân viên bán xăng, nên chị Nguyễn Thị Khánh (trú phường Hội Thương, TP.Pleiku) được người bạn này “mách nhỏ”: cứ đi cho đến khi xe gần hết vạch đỏ của vạch đo xăng thì hãy ghé vào cây xăng mua, khi đổ xăng thì đừng nói đổ bao nhiêu mà hãy yêu cầu đổ đầy bình. Như vậy thì người bán xăng sẽ không gian lận được nhiều. Bởi, mỗi loại xe đều có dung tích của bình xăng cố định, ví dụ như các loại xe Wave của hãng Honda dung tích sẽ là 3,7 lít xăng. Khi xe chưa hết cạn xăng thì xe sẽ thiếu khoảng 3 lít xăng để đầy bình, như vậy nhân với giá xăng thì sẽ biết được “chất lượng” của cây xăng đó như thế nào.

Nghe cậu bạn nói rất chí lý, chị Khánh liền thực hiện theo cách bạn chỉ thì thấy hiệu quả khá cao. Trước đây, chị đổ 50 nghìn tiền xăng cho chiếc xe Wave RSX của mình chỉ để phục vụ đi làm, đi chợ và đón con trong thành phố thì chỉ dùng được 3 ngày; còn bây giờ chị đổ đầy bình hết 75 nghìn đồng thì đi được đến 6 ngày mới phải đổ lại xăng.

Tuy nhiên, việc đổ đầy bình của chị Khánh không gặp thuận lợi do nhiều nhân viên của các cây xăng chỉ thích bán xăng theo kiểu đổ cho “chẵn tiền”. “Tôi yêu cầu họ đổ đầy bình cho tôi nhưng hiếm khi có người đổ đầy, mà họ chỉ đổ đến 60 nghìn đồng rồi dừng lại. Khi tôi yêu cầu đổ đầy lên thì họ nói đổ vậy cho “chẵn tiền”, “dễ tính tiền”. Lúc nhìn bình xăng tôi thấy khoảng cách với miệng bình còn khá xa nên thắc mắc thì họ liền quát nạt lại và nói “không đổ thì thôi, đi chỗ khác mà đổ. Giỏi thì đi báo cơ quan quản lý đi”. Nghe xong tôi rất bức xúc nhưng đành ngậm bồ hòn làm ngọt”, chị Khánh bức xúc kể.

Không chỉ trường hợp chị Khánh, mà một số người dân cũng phản ánh khi họ yêu cầu người bán xăng đổ đầy bình xăng để họ đi xa thì các nhân viên bán xăng hầu hết “không thích bán nhiều xăng” mà chỉ bán ở mức 50- 65 nghìn đồng vì cho “chẵn tiền”, “dễ thối tiền”. “70- 75 nghìn đồng cũng dễ thối tiền nhưng họ lại không đổ như vậy cho đầy bình”, một người tiêu dùng nói.

Ngoài việc bán xăng theo kiểu cho “chẵn tiền” thì nhiều người dân còn phản ánh việc các cây xăng không đổ xăng theo đúng quy định như: trả về số 0 trước khi đổ xăng, ít khi bấm mặc định số tiền mà khách hàng yêu cầu đổ, và có thái độ thách thức với khách hàng.

Xử lý như muối bỏ bể

Trước bức xúc trên của người tiêu dùng, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Huynh, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Gia Lai cho biết, theo quy định thì các chủ cây xăng phải bán giá xăng theo giá quy định chung của nhà nước. Các cây xăng bán xăng chỉ có một nguồn thu duy nhất đó là từ phần chiết khấu hoa hồng từ các đơn vị đầu mối thanh toán và trích bao nhiêu phần trăm thì cũng nằm trong quy định theo giá thống nhất chung của nhà nước. Chính vì vậy, cây xăng càng bán được nhiều khối lượng thì sẽ càng nhận được nhiều tiền hoa hồng.

 

Chỉ tính riêng 1 tháng cây xăng này đã móc túi người tiêu dùng gần 2.000 lít xăng
Chỉ tính riêng 1 tháng cây xăng này đã "móc túi" người tiêu dùng gần 2.000 lít xăng

Ông Huynh thừa nhận, bản thân ông khi đi đổ xăng cũng đã rơi vào tình trạng bực bội vì việc một số nhân viên bán xăng trên địa bàn không thực hiện đổ xăng đúng theo quy định, như việc không trả đơn vị đo về số 0… Tuy nhiên, là người quản lý nhưng ông cũng phải bó tay. Bởi lúc đó ông chỉ với tư cách là người dân bình thường. Trong khi việc kiểm tra, xử lý các cây xăng không phải là đơn giản.

Để kiểm tra, xử lý một cây xăng có hành vi gian lận thì cần phải có đơn xin ý kiến của Chủ tịch tỉnh, rồi chờ Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý đồng nghĩa với việc thành lập đội kiểm tra liên nghành gồm: lực lượng Quản lý thị trường, công an… phối hợp với nhau để bắt được quả tang của cây xăng đó.
Để thực hiện các khâu này nhanh nhất cũng phải mất thời gian đến vài ngày, thì lúc đó bằng chứng vi phạm của cây xăng đã được tẩu tán. Không chỉ vậy, một số cây xăng có thủ đoạn gian lận rất tinh vi, chỉ cần 1 con chip gắn vào bộ điều khiển với thao tác đóng, mở mỗi khi đổ xăng là có thể điều chỉnh được lượng xăng bán ra, trong khi đó đơn vị Quản lý thị trường có nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra các hoạt động kinh doanh xăng dầu nhưng đơn vị này lại không có thiết bị đo lường chất lượng.

Đặc biệt, việc các cây xăng bất chấp các quy định của luật pháp để làm ăn gian lận, nguyên nhân chủ yếu chính là cơ chế xử lý khi khung hình phạt cho hành vi này mới dừng lại ở việc phạt hành chính với mức phạt cao nhất cũng chỉ vài chục triệu đồng. Trong khi đó, lợi luận từ việc kinh doanh gian lận là rất lớn, nên vẫn có doanh nghiệp bất chấp luật pháp để chọn con đường gian lận để làm “tôn chỉ” cho việc kinh doanh.

Điển hình như cây xăng Trung Đức (216 đường Trường Sơn, TP.Pleiku), chỉ tính riêng tháng 7/2013, cây xăng này đã “móc túi” người tiêu dùng gần 2.000 lít xăng, quy ra tiền là hàng trăm triệu đồng. Nhưng mức xử phạt cao nhất theo quy định của luật pháp đối với cây xăng này cũng chỉ vài chục triệu đồng.

Thiên Thư

{fcomment}