Cuối năm, giá USD có tăng vọt?

ngày 13/11/2014

 Theo thông lệ, cứ đến cuối năm, giá USD nhảy vọt vì nhu cầu tăng cao nhưng năm nay, tình hình có thể sẽ khác.

Giá USD được kiểm soát

Trong giai đoạn cuối quý 2, giá USD có nhiều biến động. Trong đó, nhiều phiên, các ngân hàng thương mại đẩy giá USD vọt lên mức kịch trần. Giá USD trên thị trường tự do cũng đua theo USD tại ngân hàng.

Nguyên nhân được đưa ra là tỷ giá tăng khi nhu cầu về vay vốn ngoại tệ đang tăng lên. Và có thể, hiện tại nền kinh tế đang ở trong chy kỳ thanh toán với nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp phải dùng USD để thanh toán nhập khẩu cũng như trả nợ.

Trong bối cảnh giá mua bán USD được duy trì ở mức cao, ngày 19/6, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định nâng tỷ giá chính thức thêm 1% lên 21.246 VND/USD. Đây là lần điều chỉnh tỷ giá đầu tiên trong vòng 1 năm qua và là lần thứ 2 trong gần 3 năm trở lại đây.

USD
Dù biến động mạnh nhưng giá USD vẫn được kiểm soát tốt

Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá động thái điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước là khá tích cực, nhằm hỗ trợ xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu đề ra trong điều kiện lạm phát được kiểm soát ở mức thấp.

TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, Đại biểu Quốc hội đánh giá: “Việc điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua đã tạo được niềm tin cho thị trường đối với chính sách vĩ mô của Chính phủ, đồng thời cũng đạt được mục tiêu của Ngân hàng nhà nước đề ra từ đầu năm. Vì vậy chúng ta có niềm tin và cơ sở để khẳng định tỷ giá sẽ ổn định trong những tháng cuối năm”.

Đồng quan điểm với TS.Trần Du Lịch, TS. Vũ Đình Ánh cũng cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá 1% vẫn nằm trong biên độ cam kết cho phép. Ngân hàng Nhà nước giữ tỷ giá hối đoái suốt từ cuối tháng 6 năm ngoái gần như cố định ở mức 21.036 đồng thì đợt điều chỉnh 1% lần này tác động không đáng kể và không gây xáo trộn trên thị trường.

Cuối năm tỷ giá vẫn sẽ ổn định

Mặc dù vậy, sau một thời gian dài ổn định, tỷ giá lại thu hút sự quan tâm trở lại trong vài ngày đầu tháng 10/2014, trên thị trường tự do lẫn chính thức, đồng USD đã tăng giá khá mạnh so với tiền VND, khiến không ít người băn khoăn.

Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định, nguyên nhân dẫn tới hiện tượng tỷ giá tăng nhanh trong vài ngày đầu tháng 10/2014 chủ yếu do yếu tố tâm lý chứ không bắt nguồn từ cân đối cung cầu ngoại tệ trên thị trường.

Do vậy, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước khẳng định không điều chỉnh tỷ giá, kỳ vọng của thị trường đối với việc điều chỉnh tỷ giá đã nhanh chóng được xóa bỏ. Hoạt động đầu cơ, làm giá trên thị trường không còn khả năng thực hiện, tâm lý thị trường được giải tỏa, thị trường đã nhanh chóng ổn định trở lại.

Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định: “Với quy mô dự trữ ngoại hối Nhà nước như hiện nay, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có khả năng can thiệp trong trường hợp cần thiết, để ổn định tỉ giá, ổn định thị trường.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều tiết vốn khả dụng của hệ thống một cách hợp lý để hỗ trợ ổn định tỷ giá, ổn định các mức lãi suất điều hành như hiện nay”.

Có thể thấy rằng, dù có những biến động tỷ giá trong những ngày đầu tháng 10/2014, nhưng Ngân hàng Nhà nước đã điều hành linh hoạt để giữ sự ổn định cho thị trường, chính sách tỷ giá về cơ bản đã được thực hiện nhất quán suốt từ đầu năm 2014 đến nay.

Nhưng vấn đề được dư luận quan tâm chính là cuối năm giá USD có thể tăng nóng trở lại. Nhưng từ giờ đến hết năm 2014, chỉ còn gần 2 tháng, theo dự báo của một số chuyên gia có thể có “sóng” tỷ giá nhưng không đáng lo ngại.

Ông Đinh Đức Quang, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) nhận định: “Sẽ có những sóng nhỏ trên thị trường ngoại hối từ nay đến cuối năm, vì thị trường này gắn chặt với cung cầu nguồn vốn VND và các kênh đầu tư khác. Tuy nhiên, tôi cho rằng, VND sẽ tăng nhẹ, có nghĩa là tỷ giá giảm, có thể giảm về mức giá Ngân hàng Nhà nước mua là 21.200 đồng/USD”.

Phát biểu tại buổi giao lưu trực tuyến "Cơ hội thị trường quý IV" do báo Đầu tư Chứng khoán tổ chức vừa qua TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI), lại cho rằng từ nay đến cuối năm sẽ không có sóng tỷ giá.

Còn theo chuyên gia kinh tế TS.Vũ Đình Ánh thì từ giờ đến cuối năm 2014 khó có thể nói là liệu có nên điều chỉnh hay buộc phải điều chỉnh hay không. Quan trọng nhất là việc điều chỉnh như thế nào phải phụ thuộc vào mục tiêu đặt ra và tác động của nó đến nền kinh tế cũng như phụ thuộc vào diễn biến của kinh tế vĩ mô.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, ổn định tỷ giá, trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp để ổn định tỷ giá trong biên độ đề ra.

Theo VTC News

{fcomment}