Cổ phần Doanh nghiệp Nhà nước rao bán mãi vẫn ế

ngày 01/10/2015

Mở cửa hay bảo hộ doanh nghiệp nội, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) rao bán mãi vẫn ế và nhiều vấn đề “nóng” khác được trao đổi thẳng thắn tại “Diễn đàn đầu tư toàn cầu Việt Nam 2015” diễn ra hôm 30/9.h
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm và tỷ lệ bán cổ phần không được như kỳ vọng. Ảnh: Hồng Vĩnh.Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm và tỷ lệ bán cổ phần không được như kỳ vọng. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Việt Nam luôn hoan nghênh các DN đầu tư nước ngoài (FDI) đến đầu tư, kinh doanh ổn định, lâu dài.

“Việt Nam luôn khẳng định, thành công của các nhà đầu tư nước ngoài cũng chính là thành công của chúng tôi”, Thủ tướng nói.

Bên cạnh những thuận lợi trong đầu tư, Thủ tướng cho biết, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam vẫn còn những hạn chế, khó khăn nhất định, như về hạ tầng, vốn, cải cách hành chính, cổ phần hoá (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN)...

Và Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực triển khai đồng bộ và quyết liệt nhiều biện pháp cụ thể để vượt qua thách thức, tranh thủ cơ hội phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn tới; tận dụng thời cơ từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và sắp ký kết.

DN FDI có lấy đi cơ hội của DN nội?

Tình tiết bất ngờ xảy ra khi “diễn giả” là lãnh đạo một tập đoàn trong nước bày tỏ lo lắng khi các DN FDI chiếm tỷ trọng quá lớn và “lấy mất cơ hội của DN trong nước. Trong khi đó, các DN trong nước nhỏ, yếu”. Do đó, ông mong Chính phủ có chính sách hỗ trợ, bảo hộ với DN trong nước.

Đặc biệt, vị lãnh đạo tập đoàn cho rằng, trong khi DN trong nước hoạt động minh bạch, đóng thuế đầy đủ, thì DN FDI lại trốn thuế. Do đó, theo ông, nếu Việt Nam không kiểm soát được DN FDI, không nên mở rộng cửa cho họ vào, ví dụ như trường hợp của Coca-Cola, dù lỗ vẫn mở rộng đầu tư.

“Không phải phê duyệt bán 30% cổ phần, nhưng lại chỉ bán 20% và giữ 80%. Nhà đầu tư rót tiền vào nhưng DN vẫn vận hành theo cơ chế cũ sẽ không ai mua”

Ông Phạm Viết Muôn, nguyên Phó Trưởng ban thường trực

Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh phản bác, bởi Chính phủ đã và đang có nhiều chính sách để hỗ trợ phát triển DN trong nước. Về vấn đề chuyển giá, ông cho rằng, đó là vấn đề toàn cầu. Với trường hợp của Coca-Cola, ông Vinh tỏ ra không đồng tình với nhận định trên, và cho rằng không có bằng chứng nói họ trốn thuế, chuyển giá. Ông Vinh cho biết, đã làm việc với Chủ tịch Coca-Cola vài lần. Sau các buổi gặp, lãnh đạo DN này cam kết sẽ điều chỉnh chính sách để chứng minh họ hoạt động tại Việt Nam là minh bạch.

Theo ông Vinh, hiện DN trong nước còn yếu, thiếu năng động, dù DN FDI cũng muốn liên kết để nội địa hóa, nhưng các DN Việt không đáp ứng được yêu cầu. Do đó, người đứng đầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng, không những không đóng cửa mà phải mở rộng để DN FDI tạo cạnh tranh.

“Không thể để lặp lại như thời bao cấp, chúng ta đóng cửa với thế giới, dẫn tới đất nước tụt hậu. Trong cuộc chơi hội nhập, sẽ có người chiến thắng, cũng có người bị loại khỏi cuộc chơi. Điều đó phải chấp nhận”, Bộ trưởng Vinh khẳng định.

Rao bán doanh nghiệp nhà nước

Đề cập việc CPH DNNN chậm và tỷ lệ bán cổ phần không được như kỳ vọng, các chuyên gia và nhà quản lý đều cho rằng, muốn bán nhiều hơn nhưng không tìm được người mua.

Ông Phạm Viết Muôn, nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN dí dỏm khi đặt câu hỏi: “Sao các nhà đầu tư nước ngoài lại mua ít cổ phần của DN thế?”.

Theo ông Muôn, chỉ 9 tháng năm 2015, BIDV đã có lợi nhuận 3.700 tỷ đồng, nếu nhà đầu tư mua thì đã có lãi vài triệu USD, nhà đầu tư đã chịu thiệt khi không tham gia. Ông Muôn khẳng định rất nhiều DNNN khác cũng rơi vào tình trạng này.

“Việt Nam rất thiết tha mời nhà đầu tư chiến lược vào nhiều hơn nữa. Đặc biệt các nhà đầu tư nước ngoài, hiện mới chỉ đếm trên đầu ngón tay”- Ông Muôn nói và cho biết, từ nay tới hết năm 2016, sẽ có khoảng 200 DNNN được CPH, với giá trị bán ra thị trường khoảng 200.000 tỷ đồng. “Cơ hội đầu tư còn rất lớn. Do đó, phải làm sao để chúng tôi và các bạn (nhà đầu tư – PV) đứng với nhau cùng chiến tuyến”, ông Muôn nói.

Chia sẻ kinh nghiệm về đầu tư vào DNNN, ông Phạm Quang Dũng- Phó Chủ tịch HĐQT Tổng Cty Thăng Long cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài nên rót vốn vào những đơn vị nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối. Nếu DN nào, nhà nước còn nắm chi phối cần nghiên cứu kỹ.

Ông dẫn chứng chính trường hợp của mình, khi đầu tư vào Tổng Cty Thăng Long, ông đồng ý mua 5% vốn với điều kiện phải nằm trong ban lãnh đạo công ty. “Khi Bộ GTVT có văn bản chấp thuận yêu cầu đó, tôi mới mua cổ phần.

Nên nhà đầu tư phải mặc cả quyền mua”, ông Dũng nói. Ngoài ra, theo ông Dũng, việc xác định thành tích CPH cũng cần xem lại, không thể xem CPH thành công nếu DN đó chỉ bán 3-5% vốn, còn nhà nước vẫn nắm quyền chi phối.

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết: Có không ít DN sau cổ phần đã phát triển tốt, như Vinamilk, FPT. Tuy vậy, cũng có DN sau cổ phần thụt lùi, thiếu minh bạch, không lên được thị trường chứng khoán.

“Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục CPH các tập đoàn, tổng công ty lớn, có ảnh hưởng tới nền kinh tế, nắm nguồn lực quốc gia. Do đó, sẽ phải tính toán thận trọng, CPH phải đáp ứng được yêu cầu thay đổi bản chất, quản trị DN”, ông Tiến nói.

Để đẩy nhanh quá trình CPH DNNN, ông Phạm Viết Muôn bổ sung: Cần công khai lộ trình niêm yết trên thị trường chứng khoán, tỷ lệ cổ phần nhà nước nắm giữ. “Không phải phê duyệt bán 30% cổ phần, nhưng lại chỉ bán 20% và giữ 80%. Nhà đầu tư rót tiền vào nhưng DN vẫn vận hành theo cơ chế cũ sẽ không ai mua”, ông Muôn nói.

Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN

Diễn đàn năm nay thu hút 700 nhà đầu tư đến từ 32 quốc gia, tập trung thảo luận 7 nhóm vấn đề chính: Việt Nam tăng trưởng trên đà tăng tốc; triển vọng đầu tư FDI; phát triển thị trường vốn; cổ phần hóa (CPH) và tư nhân hóa DNNN; Bất động sản; Đầu tư vào nông nghiệp; Phát triển hạ tầng cơ sở.

Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Aaron Batte thuộc Ngân hàng Thế giới đánh giá, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam vẫn rất thấp; xuất khẩu của DN trong nước 5 năm qua không thay đổi (tăng xuất khẩu chủ yếu từ khối DN FDI). Do đó, CPH DNNN là quá trình nâng cao năng suất, đổi mới sáng tạo, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu… nên cần sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân.

Nguồn Tiền phong Online