Cảnh báo tái nhiễm sốt xuất huyết có thể làm bệnh nghiêm trọng hơn

ngày 24/11/2022

Sốt xuất huyết dengue do 4 tuýp huyết thanh của virus dengue gây ra. Nhiễm virus dengue thứ phát có thể làm tăng nguy cơ sốt xuất huyết nghiêm trọng hơn.

Ngày 23/11 Bộ Y tế cho biết tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 314.271 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 115 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 số mắc tăng 4,9 lần, số tử vong tăng 91 trường hợp.

Tại Thừa Thiên-Huế, Sở Y tế tỉnh này cho biết, trong 17 ngày đầu tháng 11/2022, toàn tỉnh ghi nhận 162 ca mắc sốt xuất huyết, trung bình ghi nhận 9-10 ca /ngày. Như vậy, tính đến hết ngày 17/11, tỉnh ghi nhận 1.270 ca sốt xuất huyết. Ca bệnh tập trung chủ yếu tại Tp.Huế, huyện Phú Lộc và huyện Phong Điền. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc tăng 9 lần.

Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh đang gia tăng mạnh do vào các tháng cao điểm của dịch bệnh. Nguyên nhân do điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nắng xen kẽ tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi và phát triển.

Còn tại Hà Nội, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội có 13.437 ca mắc sốt xuất huyết (số mắc tăng gấp 4,2 lần so với cùng kì năm 2021); trong đó có 16 ca tử vong (cùng kì năm 2021 không có ca tử vong). Hiện là thời gian cao điểm của dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội, dự báo dịch có thể tiếp tục gia tăng trong cuối tháng 11 và sẽ giảm vào tháng 12.

PGS.TS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur Tp.HCM cho biết, sốt xuất huyết dengue do 4 tuýp huyết thanh của virus dengue gây ra. Nhiễm virus dengue thứ phát có thể làm tăng nguy cơ sốt xuất huyết nghiêm trọng hơn.

"Nói một cách khác, những lần nhiễm virus về sau sẽ khiến người bệnh có thể diễn biến nặng hơn so với lần nhiễm trước đó. Tuy nhiên, việc sốt xuất huyết có diễn biến nặng hơn hay không còn phụ thuộc nhiều vào việc phát hiện, chẩn đoán, điều trị có kịp thời và đúng phác đồ hay không", ông Trung chia sẻ trên báo Sức khỏe và Đời sống.

Về việc điều trị sốt xuất huyết, trao đổi với Tiền Phong, TS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, khi điều trị sốt xuất huyết tại nhà, người chăm sóc bệnh nhân cần lưu ý các dấu hiệu bệnh chuyển nặng cần đi bệnh viện như: sốt cao 39-40 độ C, đột ngột, liên tục; bệnh nhân có thể giảm hoặc hết sốt nhưng li bì hoặc bứt rứt; nôn ói nhiều; đau bụng nhiều; tay chân lạnh ẩm; chảy máu mũi, miệng hoặc xuất huyết âm đạo; không tiểu trên 6 giờ...

Theo các bác sĩ, khi nào thì biết đã khỏi sốt xuất huyết là băn khoăn của nhiều người. Thực tế, với những người bị bệnh, sau một vài ngày thấy triệu chứng sốt đã giảm hoặc không còn thì tưởng đã khỏi bệnh.

Tuy nhiên, đây mới thực sự là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh vì tiểu cầu bắt đầu giảm. Nếu tình trạng tiểu cầu giảm nhanh và nhiều có thể gây ra các triệu chứng xuất huyết như: xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu cam..., thậm chí có thể xuất huyết đường tiêu hóa hay xuất huyết não..., rất nguy hiểm.

Vì vậy, căn cứ vào 3 dấu hiệu dưới đây, các bác sĩ sẽ đánh giá bệnh đã thuyên giảm hoặc khỏi: cơ thể đã giảm dần sự mệt mỏi và bắt đầu thèm ăn hoặc cảm giác ngon miệng quay trở lại; các nốt ban mới không xuất hiện thêm nữa và vết cũ thì bắt đầu mờ dần, cùng với đó, cảm giác ngứa ngáy, khó chịu cũng giảm theo; xét nghiệm tiểu cầu là tiêu chuẩn quan trọng nhất để đánh giá tình trạng bệnh đã thuyên giảm hay chưa.

Bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt. Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

3. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà

Nguồn: nguoiduatin.vn