Ngoài chất xylitol, rất phổ biến trong việc ngăn ngừa sâu răng, kẹo cao su còn chứa chất bảo quản, chất phụ gia, chất làm mềm… Trong đó, một thành phần có khả năng gây ung thư.
Kẹo cao su có thể không phải là sản phẩm thuần chay vì nó chứa thành phần từ động vật. Ảnh: Lonetreemoderndental.
Theo New York Post, chất phụ gia có lẽ gây sốc nhất và cũng được sử dụng phổ biến trong các sản phẩm chăm sóc da là lanolin. Nó là sản phẩm phụ gốc dầu của tuyến da cừu. Loại sáp nhờn dính được tìm thấy trong len này giống như bã nhờn của con người.
“Khả năng cao loại kẹo cao su bạn yêu thích chứa lanolin, chất sáp tiết ra từ lông cừu", tài khoản RaiseYourBrain trên Twitter cho biết.
Lanolin thường được sử dụng để tạo lớp nền cho kẹo cao su và không được liệt kê như thành phần trên bao bì vì nó đã được tiêu chuẩn hóa. Điều đó có nghĩa là kẹo cao su bạn ăn có thể không thuần chay, trừ khi trên bao bì mô tả rõ như thế.
Ngoài chất nền, kẹo cao su còn có chất làm mềm, chất tạo ngọt và hương liệu. Chất làm mềm sử dụng phổ biến nhất được làm từ hóa chất glycerol, có nguồn gốc từ nhựa thông gỗ, cũng như dầu thực vật.
Đối với đường, một số thương hiệu sử dụng aspartame như chất thay thế ít calo và tiết kiệm chi phí. Chất này ngọt hơn đường đến 200 lần nên nhà sản xuất chỉ cần dùng lượng rất nhỏ.
Theo Mayo Clinic, nhìn chung, chất tạo ngọt an toàn cho sức khỏe con người nếu được sử dụng với lượng nhất định, nhưng vẫn có tranh luận sôi nổi xung quanh các vấn đề về sức khỏe lâu dài và tiềm ẩn mà chúng gây ra.
“Một số nghiên cứu về việc sử dụng chất tạo ngọt hàng ngày và lâu dài cho thấy nó có mối liên hệ với nguy cơ đột quỵ, bệnh tim và tử vong cao hơn”, Mayo Clinic cho hay.
Lanolin, chất sáp tiết ra từ lông cừu, thường được sử dụng để tạo lớp nền cho kẹo cao su. Ảnh: Matuls.
Nghiên cứu bổ sung đang được thực hiện để biết các chất thay thế đường ảnh hưởng như thế nào đến ruột. Mayo Clinic lưu ý: “Các nhà nghiên cứu đang kiểm tra xem chất thay thế đường có ảnh hưởng đến cảm giác thèm đồ ngọt, cách mọi người cảm thấy đói và cách cơ thể kiểm soát lượng đường trong máu hay không”.
Thành phần khác trong kẹo cao su cũng được quan tâm là chất bảo quản butylated hydroxytoluene (hay được gọi là BHT). Theo Healthline, nó được cho là có liên quan đến ung thư, mặc dù chỉ được chứng minh trong các nghiên cứu trên động vật với liều lượng cao hơn nhiều so với liều lượng mà con người ăn.
Bên cạnh các vấn đề gây hại, Healthline cho biết nhai kẹo cao su không đường, đặc biệt là kẹo làm từ xylitol, có thể ngăn ngừa vi khuẩn xấu gây sâu răng. Nghiên cứu trên tạp chí Khoa học Nhi khoa chỉ ra nhai kẹo cao su quá mức có thể không phải là nguyên nhân gây đau đầu ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Tuy nhiên, vấn đề khác có thể xảy ra do nhai kẹo cao su quá nhiều là rối loạn khớp thái dương hàm, điều này ảnh hưởng đến khớp nối xương hàm với hộp sọ. Ngoài đau mạn tính, viêm cơ hàm, đau răng và tai, nhai nhiều kẹo cao su còn có thể gây ra chứng đau nửa đầu.
Nguồn: zingnews.vn
-
Hướng dẫn cách bảo quản máy photocopy
-
Babetta: `Cô gái quý tộc` thành ‘hung thần đường phố`
-
Kinh doanh bắn súng sơn kiếm vài chục triệu mỗi tháng
-
Hơn 95% giới trẻ hiện nay chưa có nhà để ở
-
Dám tiến lên trong ngành kinh doanh mới
-
Bỏ phố lên rừng nuôi gà ngàn đô
-
14 năm lẩn trốn của kẻ giết người
-
Thực hư xe hơi Volkswagen một chỗ ngồi rẻ bằng xe Wave
-
Kết cục thảm hại với biểu tượng cho sự trỗi dậy của kinh tế Trung Quốc
-
Các tỉnh miền Trung và miền Nam mưa lớn