Các địa phương dốc sức đối phó bão số 6 đang tiến vào đất liền

ngày 07/08/2013

Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, khoảng tối và đêm nay (7/8), vùng tâm bão số 6 sẽ đi vào đất liền, khả năng các tỉnh Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão.

 

Sáng 7/8, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương tiếp tục có cuộc họp bàn các biện pháp ứng phó với bão số 6. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng, kiêm Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương chủ trì cuộc họp.
 
Vị trí và đường đi của cơn bão số 6
Vị trí và đường đi của cơn bão số 6

 

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi và giám sát chặt chẽ tàu, thuyền; hướng dẫn neo đậu tàu thuyền vào nơi trú tránh, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện trước 18h ngày 7/8. Các địa phương căn cứ vào diễn biến của bão và tình hình cụ thể để chỉ đạo thực hiện việc cấm biển. Đồng thời chủ động kiểm tra đê điều, hộ đập, công trình đang thi công để có biện pháp đảm bảo an toàn về người và tài sản; rà soát phương án, sẵn sàng sơ tán dân cư ở các khu vực nguy hiểm; chỉ đạo, hướng dẫn chằng chống nhà cửa, kho tàng; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn các công trình hồ chứa và vùng hạ du.

 

Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, khoảng tối và đêm nay (7/8), vùng tâm bão số 6 sẽ đi vào đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa, khả năng các tỉnh Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình sẽ là khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3 - 4m. Từ đêm 7/8, các tỉnh Bắc Bộ sẽ có mưa, mưa to đến rất to. Lượng mưa phổ biến ở mức 200 - 300 mm. Đợt mưa này sẽ kéo dài hơn so với cơn bão số 5 vừa xong. Khu vực Tây Bắc Bộ sẽ là nơi kết thúc đợt mưa muộn nhất, vào khoảng đêm 8/8 hoặc ngày 9/8.

 

Theo Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, tính đến 6 giờ ngày 7/8, Biên phòng tuyến biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho hơn 64.200 phương tiện với gần 264.000 người biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động di chuyển phòng tránh.

 

Các hồ chứa từ Ninh Bình đến Thừa Thiên-Huế hoạt động bình thường và an toàn. Do đang là gần cuối mùa kiệt nên mực nước các hồ chứa ở mức thấp, dung tích hiện tại bình quân đạt 40-50% thiết kế. Trong tổng số hơn 2.000 hồ chứa, có 72 hồ chứa không đảm bảo an toàn khi có mưa lũ do bị hư hỏng đập chính, tràn xả lũ hoặc cống lấy nước, như: Yên Quang, Yên Đồng, Đập Trời, Trổ Lưới (Ninh Bình); Đồng Bể, Kim Giao (Thanh Hóa); Khe Sặt, Thanh Thủy, Khe Xiêm, Khe Làng (Nghệ An); Cha Chạm, Thùng Trứa, Khe Vôi, Đập Làng, Đập Trạng, Đập Họ, Đập Mưng, Nước Xanh, Khe Chẹt, Bãi Trạng, Bượm, Đá Bạc, An Hùng (Hà Tĩnh); Khối 7, Hương Lể, Trằm Bưởi, Khe Lau, Mụ Huyện, Trọt Giếng, Trọt Đâu - Trọt Đen (Quảng Trị); Hòa Mỹ (Thừa Thiên Huế). Ngoài ra còn có 3 hồ chứa tràn xả lũ cửa van giữ mực nước cao hơn quy định (nhưng còn thấp hơn thiết kế), gồm sông Sào, Kim Sơn và Truồi.
 
Tàu cá của ngư dân các tỉnh vào âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) tránh gió
Tàu cá của ngư dân các tỉnh vào âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) tránh gió

 

Đã có 32 tàu cá của ngư dân Việt Nam xin vào đảo Hải Nam (Trung Quốc) tránh bão số 6 đang hoành hành trên biển Đông - Thông tin từ Trung tâm Phòng chống lụt bão khu vực miền Trung - Tây Nguyên sáng nay 7/8. Đó là tàu cá của ngư dân Đà Nẵng với 11 tàu gồm 109 ngư dân trú tránh tại vịnh Tân Thôn (Hải Nam, Trung Quốc); Quảng Ngãi có 20 tàu với 197 ngư dân, trong đó có 4 tàu với 40 ngư dân đã vào đảo Hải Nam, 16 tàu với 157 ngư dân đang xin vào cửa Tam Á trú tránh. Dự kiến đến sáng nay ngày 7/8 sẽ đến nơi.

 

Tỉnh Quảng Bình có 1 tàu QB 92422 với 7 ngư dân nhưng sau đó đã tiếp tục di chuyển vào bờ (Việt Nam) tránh bão. Ngoài ra hiện nay còn 4 tàu với 30 ngư dân ở khu vực từ 17055’Vĩ Bắc - 118055’ Kinh Đông đang xin vào đảo Hải Nam trú tránh gồm các tàu: QB 93474 có 8 ngư dân, QB 93591 với 8 ngư dân, QB 93467 có 7 ngư dân và QB 93235 với 7 ngư dân.

 

Đối với tàu cá QNg 90153 TS với 15 ngư dân của tỉnh Quảng Ngãi bị hỏng máy tại khu vực QĐ. Hoàng Sa, theo báo cáo của Ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh Quảng Ngãi hiện tàu cá này (do ông Mai Văn Cường, trú huyện đảo Lý Sơn) làm thuyền trưởng, bị hỏng máy tại khu vực quần đảo Hoàng Sa ngày 4/8 đã được tàu cá QNg 96382 TS của ông Bùi Văn Phải lai dắt về đến đảo Lý Sơn an toàn.

 

Trong diễn biến liên quan, theo báo cáo của văn phòng Ban chỉ huy PCLB & TKCN, Bộ chỉ huy BĐPB các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa; tính đến 6 giờ ngày 7/8, đã thông báo và hướng dẫn cho tổng số hơn 44.600 tàu biết vị trí, hướng di chuyển của bão số 6 để chủ động phòng tránh.

 

Theo báo cáo nhanh của ban PCLB – TKCN tỉnh Thanh Hóa, tính đến 8h sáng ngày 7/8, công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 6 của Thanh Hóa đã hoàn tất. Toàn tỉnh có gần 7.900 phương tiện với hơn 27.000 lao động đã được thông báo về cơn bão số 6 để vào nơi tránh bão.

 

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng đã yêu cầu toàn bộ lao động ở 2.156 chòi canh, lồng bè nuôi trồng thủy sản vào bờ trú ẩn, để đảm bảo tính mạng và tài sản.

 

Đối với khu vực miền núi BCH phòng chống lụt bão Thanh Hóa đã thông báo người dân đề phòng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Đặc biệt, tại các vùng ven sông suối, khu vực có nguy cơ ảnh hưởng bởi sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Bộ đội biên phòng Thanh Hóa cũng đã phân công lực lượng trực 24/24h với 100% quân số sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố xảy ra.

 

Tính đến 8h sáng hôm nay, tất cả các phương tiện đang hoạt động trên biển đều nắm được diễn biến, vị trí, hướng di chuyển của cơn bão và đang trên đường về nơi tránh bão.

 

Trưa 7/8, ông Nguyễn Ngọc Phụng, Phó chi cục trưởng Chi cục thủy lợi và phòng chống lụt, bão tỉnh Quảng Bình cho biết, đến 10 giờ trưa nay đã kêu gọi được 3.475 tàu cá của ngư dân vào bờ tránh bão an toàn.

 

Trước diễn biến của bão số 6, UBND tỉnh Quảng Bình, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão đã có văn bản chỉ đạo các địa phương, cơ quan, ban ngành liên quan khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với bão. Theo đó, bằng mọi biện pháp thông báo và hướng dẫn tàu thuyền ngư dân vào bờ neo đậu tránh bão an toàn. Hướng dẫn người dân chằng chéo nhà cửa để hạn chế thiệt hại do bão gây ra.

 

Theo ông Phụng, đến 10 giờ trưa nay 7/8, đã có 3.475 tàu thuyền của ngư dân vào bờ neo đậu, tránh bão. Hiện còn 7 chiếc tàu cá khác cũng đã tìm đến nơi an toàn để tránh bão. Do ảnh hưởng của bão số 6, rạng sáng nay địa bàn Quảng Bình đã xuất hiện mưa rất to.

 

Ngày 7/8, ông Phan Thanh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh văn phòng BCH PCLB&TKCN tỉnh TT-Huế cho biết 1.868 phương tiện tàu đánh bắt thủy hải sản với 10.860 lao động tại tỉnh và ngoại tỉnh đã vào bờ an toàn.

 

“Ở Huế có mưa từ hôm qua nhưng không lớn do ảnh hưởng bão nhẹ. Hiện các huyện miền núi không có tình trạng sạt lở đất do mưa lũ. Dự kiến ở Huế sau bão sẽ có mưa vừa tiếp tục do hoàn lưu bão gây ra. Các công trình thủy điện, hồ chứa nước đang trong tình trạng khan hiếm nước nên mưa nhiều cũng không sao mà còn rất có lợi cho công trình” – ông Hùng nói.

 

Đặc biệt, ở vùng biển xã Hải Dương (Thị xã Hương Trà) bị sạt lở nặng trong những năm qua hiện vẫn chưa triển khai được công trình đê chắn sóng (dự kiến triển khai năm nay) vì thiếu nguồn vốn. Vì có nhiều hộ dân ở rất gần vùng sạt lở nên trước mắt, nếu có bão, sẽ dùng đến phương án sơ tán, di dời khẩn cấp.

Công Bính - Duy Tuyên - Đăng Đức - Đại Dương

 

Thanh Tuấn
 
TTXVN

 


 

 

{fcomment}