Bộ trưởng Thăng trách cán bộ vô cảm với khó khăn của doanh nghiệp

ngày 06/08/2014

Nhận được giải thích không nắm được vướng mắc của doanh nghiệp vì "chưa được báo cáo", Bộ trưởng Giao thông yêu cầu vị giám đốc cảng vụ phải xuống tận nơi để ghi nhận, không được vô cảm với những khó khăn này.

Tinh thần “xắn tay ngay cùng doanh nghiệp” được Bộ trưởng Giao thông vận tải - Đinh La Thăng thể hiện tại buổi đối thoại với các đơn vị vận tải biển, cảng biển và logictics ngày 5/8. Đây là lần thứ hai trong vòng một tháng vị “tư lệnh ngành” trực tiếp lắng nghe và giải đáp thắc mắc với cả trăm doanh nghiệp, qua 5 cầu truyền hình trực tiếp từ Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ.

Dù không phải xin lỗi các đơn vị vì những bất cập trong chính sách như lần trước, nhưng Bộ trưởng cũng ghi nhận không ít vấn đề do các quy định lạc hậu, gây khó cho doanh nghiệp...

Ông Vũ Đức Then, Phó chủ tịch hội vận tải biển Diêm Điền (Thái Bình) phản ánh, tàu của các doanh nghiệp địa phương vẫn hoạt động an toàn cách bờ trên 20 hải lý. Thế nhưng theo một quy định có từ 20 năm trước về chứng nhận trạng tháng kỹ thuật thì Cục Đăng Kiểm chỉ cấp cho tàu hoạt động trong vùng 20 hải lý. Quy định này khiến các tàu nói trên không được cơ quan bảo hiểm chấp nhận khi vượt khoảng cách nêu trên.

hoi-nghi-0-3728-1407243817.jpg

Lãnh đạo nhiều cơ quan thuộc Bộ Giao thông phải giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp. Ảnh: Chí Hiếu

Dù được giải thích rằng việc cấp giấy như vậy là đúng theo Quy chuẩn tàu biển, đúng thiết kế, kết cấu tàu nhưng trước bức xúc của doanh nghiệp, lãnh đạo ngành liền nhắc Cục trưởng Đăng kiểm - Trần Kỳ Hình: "Đây là đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chứ không phải là buổi ôn lại các quy định". Do vậy, Bộ trưởng đặt vấn đề là phải xem quy định như thế liệu có còn phù hợp, có thay đổi được không .

Sau khi tham khảo thêm ý kiến của lãnh đạo Cục Hàng Hải, Bộ trưởng bày tỏ: "Một quy định đã 20 năm thì nên xem xét lại bởi đó là quãng thời gian mà công nghệ đóng tàu đã có những thay đổi và phát triển rất nhiều".

Ông Nguyễn Ngọc Tới, Giám đốc công ty Thanh Tới - một trong những doanh nghiệp đầu tiên ở miền Tây đóng phà chở khách và hàng từ đất liền ra đảo Phú Quốc kể rằng, nhiều khi phà đã sẵn sàng, ôtô lẫn hàng hóa chờ trên bờ để xuống phà ra đảo nhưng do cảng vụ không cho phép vì chưa có quy định nào cấp phép đi ngay đối với phà từ bờ ra đảo. Theo ông, việc phải chịu quy định như với tàu cao tốc, tức là phải hoạt động theo giờ và báo trước cả chục tiếng đồng hồ để xếp nốt mới được chạy khiến thời gian phà nằm bờ nhiều, rất lãng phí.

Giám đốc Cảng vụ Kiên Giang Nguyễn Đình Việt thừa nhận Thông tư 14 của Bộ Giao thông mới chỉ quy định với tàu cao tốc hay phà ngang sông chứ chưa đề cập đến phương tiện phà từ bờ ra đảo và đây cũng là lần đầu tiên ông nghe doanh nghiệp này kiến nghị

Bộ trưởng Thăng lập tức ngắt lời và phản bác rằng, nếu thông tư chưa quy định thì phải đề nghị bổ sung. Còn nếu phà đã chạy rồi mà Cảng vụ nói lầu đầu nghe tức là không biết, là vô cảm. "Trong khi Nhà nước chưa đầu tư được, doanh nghiệp có sáng kiến thì mình phải tạo điều kiện, phải đến xem doanh nghiệp khó gì chứ. Sau cuộc họp anh phải làm luôn”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp cũng phản ánh, việc thiếu những quy định mang tính hàng rào kỹ thuật đối với các doanh nghiệp nước ngoài lại khiến doanh nghiệp nội phải cạnh tranh chật vật. Ông Đỗ Phước Thoan, Giám đốc Công ty Cảng dịch vụ dầu khí PTSC cho biết tàu chuyên dùng trong các mỏ dầu của công ty này khi sang Malaysia hay các nước trong khu vực thì cứ định kỳ 3 tháng phải phải xin cấp phép lại. Trong trường hợp nước sở tại đã có tàu cùng loại thì việc cấp phép sẽ bị từ chối do các chủ tàu phản đối. Thế nhưng ngay tại các mỏ trong nước, tàu nước ngoài lại được cấp phép dễ dàng khiến đội tàu của PTSC phải thường xuyên lâm vào cảnh “ăn đong”.

Tuy nhiên, Thứ trưởng phụ trách hàng hải Nguyễn Văn Công nói rằng Bộ chỉ cấp phép với tàu vận tải biển tuyến nội địa. Còn cơ quan nào cấp phép cho tàu chuyên dụng trong trường hợp trên thì phải chờ Cục Hàng hải kiểm tra lại.

Với tinh thần “cái gì trong thẩm quyền sẽ giải quyết ngay”, hơn một chục đề xuất cụ thể như trên đã được Bộ trưởng yêu cầu các cục vụ tháo gỡ cho doanh nghiệp ngay sau khi cuộc đối thoại kết thúc. Tuy nhiên, hơn một nửa kiến nghị của doanh nghiệp về những giải pháp dài hơi để tiếp sức cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này vẫn phải “treo” lại, dù Bộ Giao thông đã mời khá đông đủ đại diện của các cơ quan Nhà nước như Bộ Tài chính, Công thương, Lao động...

Chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, Bộ trưởng Đinh La Thăng hứa sẽ tập hợp đầy đủ và sớm kiến nghị lên Chính phủ đối với những vấn đề ngoài thẩm quyền của bộ. “Còn nếu vì một thủ tục hay dù chỉ một điều trong quy định nào đó của Bộ gây cản trở cho doanh nghiệp thì chúng tôi sẽ giải quyết theo quy trình rút gọn nhất để mau chóng gỡ khó cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng chốt lại.

Chí Hiếu

{fcomment}