Bí thư Thành ủy Thủ Đức NGUYỄN VĂN HIẾU: Thủ Ðức sẽ có dư địa phát triển rất nhanh

ngày 02/02/2022

Ðồng chí NGUYỄN VĂN HIẾU: Trong khoảng thời gian ngắn chúng tôi đã bố trí, sắp xếp lại bộ máy hành chính, nhân sự của tất cả cơ quan, đơn vị. Hết tháng 4, bộ máy đã được tổ chức ổn định và bắt đầu vận hành. Hiện, trong công tác tiếp dân, tiếp nhận các hồ sơ thủ tục của doanh nghiệp và người dân vẫn triển khai bình thường. Ở 3 khu vực (3 quận cũ trước đây), vẫn bố trí 3 điểm tiếp công dân và giải quyết thủ tục hành chính. Sau đó, cuối ngày, các điểm này sẽ chuyển về trụ sở UBND thành phố, thực hiện các nội dung liên quan quản lý nhà nước và chứng thực, xác nhận hồ sơ, xử lý các thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp. Trong tương lai, trung tâm hành chính tập trung sẽ hình thành khu vực đường Trương Văn Bang, chúng tôi sẽ tổ chức lại các hoạt động, phòng ban chuyên môn, bố trí trụ sở cơ quan đơn vị sẽ nằm theo trục đường đó để phục vụ người dân thuận lợi hơn.

Trong tháng 5, UBND TP Thủ Ðức đã triển khai các chương trình về cải cách hành chính, trong đó có tăng cường thủ tục hành chính trực tuyến cấp độ 3, 4 và có chương trình thu nhận và trả hồ sơ tại nhà. Ðịa phương cũng đang triển khai chương trình đô thị thông minh nhằm tích hợp các dữ liệu, phục vụ người dân, doanh nghiệp và công tác quản lý nhà nước một cách hiệu quả. Vừa rồi, chúng tôi đã lập được trung tâm điều hành đô thị thông minh giai đoạn 1. Tiếp theo, cơ quan chức năng sẽ triển khai các bước để tích hợp các dữ liệu dân cư quốc gia, nhà đất, quy hoạch đô thị, y tế, giáo dục…

Nếu tính từ lúc thành phố Thủ Ðức bắt đầu hoạt động vào ngày 22-1-2021 đến nay, để thành lập một tổ chức mới không phải đơn giản, không chỉ là gộp bộ máy cũ lại mà phải xây dựng lại toàn bộ các nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch và kể cả các quy chế, quy định mới sao cho thống nhất. Muốn vậy, phải có rất nhiều tổ công tác của Thành ủy, UBND và các ban ngành tập trung xây dựng cho được nội dung, chương trình công tác để vận hành theo quy định.

Năm 2021 thu ngân sách ước thực hiện cả năm đạt hơn 8.598 tỷ đồng, đạt trên 103% so với dự toán. Ngày 27-3-2021, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, trong buổi làm việc duyệt nội dung triển khai nhiệm vụ năm 2021 đã chỉ đạo thành phố Thủ Ðức phải nỗ lực vượt qua mốc 10.000 tỷ đồng về thu ngân sách. Theo tính toán của chúng tôi thì khả năng sẽ thu vượt con số này, đây là một sự nỗ lực vượt bậc của thành phố Thủ Ðức. Và nếu được phân cấp thu đủ tất cả doanh nghiệp và các khoản thu từ đất đai trên địa bàn thì nguồn thu sẽ rất lớn. Chúng tôi đang kiến nghị cho Chi cục Thuế Thủ Ðức được phân cấp quản lý toàn bộ hoạt động doanh nghiệp trên địa bàn, trừ khối FDI… Việc này sẽ tạo thuận lợi trong việc quản lý doanh nghiệp, lúc này doanh nghiệp không cần phải ra khỏi địa bàn Thủ Ðức để làm thủ tục nữa. Cùng với việc ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch điện tử sẽ phục vụ cho người dân tốt hơn.

Ðó là mục tiêu, kỳ vọng nhưng để đạt được còn rất nhiều việc phải làm và phải có lộ trình. Dựa trên những thế mạnh có sẵn của Thủ Ðức, cần phải có sự đầu tư rất lớn về ngân sách, nhân lực và đặc biệt là cơ chế chính sách mới tạo ra được những giá trị gia tăng mới cho Thủ Ðức.

Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên là phải rà soát lại quy hoạch và xin Trung ương cho ý kiến các quy hoạch tổng thể để tạo ra những lợi thế về không gian phát triển mới. Trên nền tảng đó, Thủ Ðức mới kêu gọi, xúc tiến đầu tư, thực hiện bồi thường, thu hồi đất để lập ra các dự án quy mô lớn. Khi đó, mới có thể tạo ra sức hút đầu tư và có những giá trị gia tăng mới. Bên cạnh đó, những khu vực cũ đã có quy hoạch thì phải tiếp tục đầu tư để đổi mới khoa học - công nghệ, đổi mới năng lực sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh… Những việc này chúng tôi đều đang thực hiện.

Ngoài ra, một nhiệm vụ quan trọng của Thủ Ðức hiện nay là cần phải xử lý những tồn tại cũ, như khiếu nại ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao, ÐH Quốc gia hay một số khu dân cư khác… để không làm cản trở sự phát triển. Thủ Ðức đã thành lập các ban chỉ đạo, tổ công tác phối hợp các sở ngành, dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố Hồ Chí Minh để khắc phục được những hạn chế này. Khi giải tỏa được những khúc mắc này, có được sự đồng thuận thì kêu gọi đầu tư sẽ rất thuận lợi.

Cũng như các địa phương khác trên địa bàn, thành phố Thủ Ðức thành lập được gần một năm thì đã mất hết 5 tháng phòng chống dịch. Với quy mô dân số lên đến 1,2 triệu người, cộng với lực lượng công nhân, lao động, chuyên gia, sinh viên… thường xuyên hoạt động trên địa bàn nên việc phòng chống dịch cũng gặp nhiều khó khăn hơn. Trong quá trình phòng chống dịch có những thời điểm chúng tôi vẫn phục vụ cho các hoạt động kinh tế, nền tảng quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh, như: duy trì các luồng giao thông tuyến xanh, đường xanh. Riêng thành phố Thủ Ðức vẫn duy trì các hoạt động cảng, xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hóa dù biết rằng các giao thương như vậy sẽ tạo nên nguy cơ rất cao, nhưng với nhiệm vụ được giao, Thủ Ðức đã phối hợp, hỗ trợ tích cực với các đơn vị để duy trì tốt hoạt động.

Mỗi quốc gia, mỗi địa phương có những thể chế cũng như quy định pháp luật rất khác biệt. Ở đây, Thủ Ðức là mô hình thành phố trong thành phố đầu tiên của cả nước nên nó trở thành một mô hình mẫu, điều này cũng tạo ra áp lực rất lớn. Vấn đề đặt ra là chúng ta sẽ dựa vào một kiểu mẫu đã có sẵn của nước ngoài để phát triển hay sẽ hình thành và phát triển phù hợp với quy định pháp luật của Việt Nam.

Ở một số quốc gia, người ta có thể hình thành một đô thị mới từ một làng chài. Tuy nhiên, nếu là một làng chài thì việc bồi thường, giải phóng mặt bằng có thể triển khai rất nhanh. Trong khi đó, Thủ Ðức đã là một đô thị phát triển từ rất sớm với mật độ dân cư cao nên làm gì cũng sẽ liên quan vấn đề thu hồi đất. Vì có quỹ đất mới có thể kêu gọi đầu tư, mới có dự án mới, những khu đô thị mới… Do đó, phải giải quyết làm sao dung hòa được mối quan hệ lợi ích người dân, doanh nghiệp và nhà nước. Nên nếu lấy một hình mẫu thành công ở nước ngoài để làm mô hình phát triển sẽ rất khó vì xuất phát điểm khác nhau, điều kiện thể chế khác nhau. Theo tôi, nếu có quy hoạch chuẩn và nhà nước từ cấp Trung ương đến Thành phố Hồ Chí Minh có sự đầu tư về nguồn nhân lực, tài chính và những thể chế cần thiết để tạo sức bật thì Thủ Ðức sẽ có dư địa phát triển rất nhanh. Tuy nhiên, cũng không quá nôn nóng để tránh phát sinh những hệ lụy khác.

Nói Thủ Ðức không khác gì các quận, huyện khác thì cũng chưa chính xác lắm. Vì về mặt quy mô, tính chất thì địa phương khác với những nơi khác. Thành phố Hồ Chí Minh cũng có một cơ chế phân công các lãnh đạo sở ngành hình thành các tổ công tác để hỗ trợ Thủ Ðức đẩy nhanh các nhiệm vụ. Tuy nhiên, để phục vụ người dân, doanh nghiệp và để có động lực phát triển mới, Thủ Ðức rất mong có những chức năng, nhiệm vụ và được phân cấp, ủy quyền để giải quyết nhanh công việc. Do đó, đối với những vấn đề trong thẩm quyền Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi đang tích cực kiến nghị lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh có nghị quyết về việc này. Thông qua nghị quyết chung đó sẽ có đề án để trình cụ thể các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ðối với các cơ chế chính sách thuộc thẩm quyền Trung ương, hiện UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập các tổ công tác cùng phối hợp các viện nghiên cứu, nhà khoa học, chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền địa phương xây dựng dự thảo cơ chế đặc thù cho thành phố Thủ Ðức để trình Trung ương.

Chúng tôi có lòng tin là Ban Thường vụ Thành ủy, HÐND, UBND Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tạo điều kiện để cho thành phố Thủ Ðức có dư địa phát triển và đặc biệt là những công việc sát với người dân, phục vụ doanh nghiệp và phù hợp với thực tiễn, chỗ nào làm tốt hơn thì cứ mạnh dạn giao như quan điểm của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.

Nguồn: http://sggp.org.vn/bi-thu-thanh-uy-thu-duc-nguyen-van-hieu-thu-%C3%B0uc-se-co-du-dia-phat-trien-rat-nhanh-791494.html