Bé trai 12 tuổi thập tử nhất sinh chỉ vì vết xước ngoài da

ngày 28/10/2014

Cháu Nguyễn Văn Linh, 12 tuổi ở Phúc Thượng, Phúc Thọ, Hà Nội, ban đầu chỉ bị sốt cao liên tục, nhưng sau 2-3 ngày uống, cháu có biểu hiện nổi ban ngứa, nhiễm trùng huyết.

PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đêm 14/9, cháu Linh nhập viện trong tình trạng sốt cao, rét run, mạch nhanh, hạ huyết áp, khó thở. Các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết có biểu hiện sốc.

Ngay lập tức cháu Linh được dùng kháng sinh, thuốc trợ tim mạch kèm thêm thở ôxy vì bị viêm phổi. Các bác sĩ đã chọn kháng sinh chữa tụ cầu thế hệ 2, dù không nghĩ đến kháng thuốc vì bệnh nhân này bị nhiễm ở cộng đồng, không phải trong môi trường bệnh viện.

Bé trai 12 tuổi thập tử nhất sinh chỉ vì vết xước ngoài da - 1

PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng xem lại Xquang cho bệnh nhi

Sau 3-5 ngày trẻ vẫn sốt, chứng tỏ vi khuẩn đã kháng kháng sinh. Bác sĩ chuyển sang kháng thế hệ 3, chưa kịp dùng, bệnh nhân bị biến chứng phổi: tràn khí màng phổi, dẫn lưu hút hết khí và mủ ra. Sau khi dùng thuốc, sức khỏe trẻ khá lên, giảm dần thuốc, rút ống dẫn lưu. Hiện cho trẻ được cho tập thở giúp phục hồi chức năng của phổi.

Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cho biết, qua trường hợp trên có thể thấy tình hình kháng thuốc kháng sinh rất nguy hiểm, trong y văn chủ yếu gặp trong bệnh viện, lây trong bệnh viện rất dữ dội.

“Đây là ca đầu tiên sau nhiều năm bị nhiễm trùng huyết do tụ cầu, mắc từ nhà, vi trùng kháng thuốc. Nếu cứ dùng thuốc kháng sinh bừa bãi, không chỉ người thường xuyên dùng kháng sinh mà người ít dùng cũng bị ảnh hưởng.” PGS Dũng nói.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi- Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo phụ huynh đừng coi thường vết xước ngoài da của trẻ.

“Qua đây chúng tôi cảnh báo tình hình kháng thuốc rất nguy hiểm. Bình thường theo y văn, chúng ta chỉ gặp những kháng thuốc chủ yếu trong bệnh viện, những vi trùng lây ở trong bệnh viện kháng thuốc dữ dội. Đây là ca đầu tiên nhiễm trùng huyết tụ cầu biến chứng tràn mủ, tràn khí màng phổi mà lại mắc từ nhà và vi trùng kháng thuốc nặng như thế này”.

Bé trai 12 tuổi thập tử nhất sinh chỉ vì vết xước ngoài da - 2

Sức khỏe bệnh nhi đã tiến triển

Theo các bác sỹ khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, đường lây truyền vi khuẩn tụ cầu vào máu của bệnh nhi là xâm nhập qua vết thương ở chân. Loại vi khuẩn tụ cầu này thường xuất hiện ở môi trường và trên da người. Việc điều trị khá đơn giản, nhưng nếu là vi khuẩn tụ cầu kháng thuốc thì bệnh sẽ tiến triển nặng, có thể tử vong và việc điều trị rất khó khăn, kéo dài.

“Để phòng bệnh, tôi khuyến cáo tất cả nhiễm trùng ngoài ra cũng rất nguy hiểm, đừng coi thường mụn nhọt hoặc những xây xước ngoài da. Có nhiều bệnh nhân tự khỏi nhưng cũng nhiều bệnh nhân giống như bệnh nhân này từ da vào máu rất nhanh. Trẻ chỉ trong vòng có vài ba ngày đã rất nặng. Thứ hai, phụ huynh đừng có lạm dụng kháng sinh. Trẻ hơi sốt lại tự mua kháng sinh cho uống, ho một cái lại cho uống kháng sinh là rất nguy hiểm”, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo.

Theo 24h

{fcomment}