Bẻ cành hái lộc có thật sự mang may mắn về nhà?

ngày 06/02/2016

Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng, việc đi xin lộc đầu năm mang ý nghĩa rất rộng, không đơn giản là hái mầm non bẻ cành.

Tục hái lộc đầu xuân là nét văn hóa truyền thống của người Việt, vào thời khắc giao thừa hoặc sáng sớm ngày mùng 1 Tết, các gia đình thường chọn giờ và hướng xuất hành đi xin một cành lộc nhỏ nơi đền, chùa,… với mong ước sẽ được Thần, Phật ban cho tài lộc, may mắn suốt năm.

Ngày nay, tục hái lộc vẫn còn nguyên giá trị trong quan niệm của nhiều người nhưng mỗi người lại có cách làm khác nhau. Có người chỉ chọn đúng một cành chồi non mang tính biểu trưng, một số người lại bẻ cả cành cây to đem về nhà.

Bẻ cành hái lộc có thật sự mang may mắn về nhà? - 1

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, mọi người không nhất thiết phải ngắt cành, bẻ lộc mà có thể mua cành lộc có sẵn mang về nhà.

Theo TS Nguyễn Sỹ Toản, Trưởng khoa Di sản văn hóa, ĐH Văn hóa Hà Nội, tụchái lộc đầu năm tùy vào quan niệm, nhận thức và điều kiện môi trường sống của từng vùng miền mà con người sẽ có và nên có cách ứng xử phù hợp khi tham gia hoạt động tín ngưỡng trong dịp đầu năm mới.

Nếu sống ở vùng trung du, miền núi có thể sẽ thuận lợi hơn cho việc lựa chọn hái một cành chồi non trên các loại cây có sức sống mạnh mẽ, xanh tốt quanh năm như sanh, si, sung, đa với ý nghĩa biểu tượng mang lộc chồi, sự sinh sôi nảy nở về nhà. Nơi thành thị, đất chật người đông, ít cây xanh và thường được qui hoạch trên các đường phố, nếu cả trăm người hái lộc bẻ cành thì cây cối trơ trụi. Phong tục tốt đẹp trở thành hành động tàn phá môi trường.

“Dù sống ở vùng miền nào, có lẽ chúng ta nên thay đổi quan niệm, không nhất thiết phải bẻ cành hái quả mới là xin lộc đầu năm. Khi đi lễ đền, chùa đầu năm, ta thắp một nén hương, khấn Thần, Phật với tâm trong sáng, xin những điều may mắn, tốt lành đem về gia đình. Đó cũng là hình thức hái lộc theo đúng nghĩa và phù hợp với xu thế phát triển hiện nay”, ông Toản nói.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng, quan niệm bẻ cành càng to, càng nhiều lộc là cách hiểu “hết sức trần trụi”,hay nói đúng hơn là thiếu sự thiếuhiểu biết.

Ông Toản giải thích: “Giống như việc đi lễ đình, đền, chùa, một số người sai lầm khi tin rằng đem mâm cao, cỗ đầy, lễ vật nhiều thì được Thần, Phật ban tặng nhiều tài lộc, may mắn. Vậy người to khỏe, mạnh tay bẻ cành to sẽ có nhiều lộc hay sao? Thực hiện nghi thức tín ngưỡng để con người vững tâm hơn, từ đó tập trung phấn đấu vào năm mới. Hiểu được ý nghĩa sâu xa của phong tục hái lộc, ta sẽ không chen lấn xô bồ”.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Sỹ Toản chia sẻ, bản thân ông và gia đình chưa bao giờ hái lộc bằng hình thức bẻ cành cây đầu năm. Ông thường tự nhắc nhở bản thân và con cháu, tài lộc, danh vọng đều do nỗ lực của bản thân mình mà có chứ tuyệt nhiên không có sự ban phát của Thần, Phật cho người không nỗ lực rèn luyện phấn đấu.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia cho hay, ông cảm thấy buồn khi chứng kiến cảnh cây cối tan tác đêm giao thừa những năm gần đây.

“Gìn giữ phong tục hái lộc là điều đáng quý nhưng bẻ cả cành to đem về nhà, đó là hành vi phá hoại, sai tín ngưỡng”, GS Thịnh nói.

Theo GS Thịnh, mọi người có thểxin lộc đầu năm bằng cách lấy những cành lộc tượng trưng được chuẩn bị sẵn ở đền, chùa, đặt lại đó chút tiền lẻ công đức. Hoặc người dân chọn mua cành lộc bán ở đường, mua một vài quả khế, cây mía hoặc một chậu cây nho nhỏ… đem về nhà trong ngày đầu năm.

Nguồn 24h