Bay thủy phi cơ Hà Nội - Hạ Long không nhanh hơn đi ôtô

ngày 15/10/2014

Hành khách phải di chuyển từ Hà Nội lên Nội Bài, rồi bay vòng, thay vì theo đường thẳng khiến thời gian di chuyển bằng thủy phi cơ tới Hạ Long chênh lệch không đáng kể so với ôtô.

Vấn đề nêu trên là một trong nhiều bất tiện được tỉnh Quảng Ninh và Công ty cổ phần Hàng không Hải Âu nêu ra trong báo cáo gửi cơ quan quản lý. Những vướng mắc này khiến dịch vụ thủy phi cơ, dù được kỳ vọng rất lớn song chưa đem đến sự hài lòng cho khách hàng sau hơn một tháng hoạt động.

Cụ thể, các doanh nghiệp du lịch sử dụng dịch vụ này để đưa khách đến Hạ Long nhận định đường bay nêu trên là "chưa phù hợp", do du khách vẫn phải di chuyển lên sân bay Nội Bài từ trung tâm thành phố bằng ôtô. Mặt khác, quy định hiện hành yêu cầu máy bay phải di chuyển vòng qua Hải Phòng hoặc Hà Nam, sau đó mới đến Hạ Long dẫn đến thời gian bay kéo dài gấp 1,5-2 lần so với đường thẳng.

Các doanh nghiệp lữ hành cho biết điều này đã làm cho thời gian di chuyển bằng thủy phi cơ không ưu việt so với đi ôtô từ Hà Nội xuống Hạ Long, làm gia tăng chi phí cũng như chất lượng dịch vụ giảm sút.

Để tháo gỡ vấn đề này, UBND tỉnh Quảng Ninh kiến nghị được phép triển khai dịch vụ tại sân bay Gia Lâm hoặc Hồ Tây, nơi được cho là đã có dịch vụ bay thủy phi cơ từ thời Pháp, đồng thời đề xuất để thủy phi cơ được bay theo đường thẳng nối các địa điểm trên.

hai-au-0-5571-1408595307-8006-1413286757

Thủy phi cơ của Công ty Hải Âu. Ảnh: Thanh Bình

Cản trở thứ hai gây phật lòng du khách là theo quy định của Bộ Quốc Phòng, khách trên thủy phi cơ không được chụp ảnh, quay phim. Tỉnh Quảng Ninh cho rằng, điều này chưa phù hợp thông lệ quốc tế đối với các chuyến bay ngắm cảnh, nhất là với thiên nhiên của Vịnh Hạ Long. Bên cạnh đó, mực bay hiện tại phải thực hiện ở mức 1.000-2.000m trên vịnh và 1.500m trên hành trình cũng khiến cho du khách khó ngắm cảnh.

Vì vậy, tỉnh Quảng Ninh kiến nghị cho phép doanh nghiệp thực hiện mực bay thấp hơn cũng như nới quy định để du khách được chụp ảnh vào những thời điểm nhất định khi bay trong khu vực Vịnh.

Ngoài ra, địa phương cũng đề xuất hai Bộ Quốc phòng và Giao thông Vận tải cho mở thêm nhiều điểm cất hạ cánh thủy phi cơ tại các đảo thuộc khu vực Vân Đồn, Cô Tô, Móng Cái - những địa điểm có tiềm năng du lịch để mở rộng chuỗi sản phẩm cũng như sớm kết nối với các địa phương khác nhằm liên kết các điểm đến trên phạm vi cả nước.

Công ty Hải Âu cho biết thêm, hoạt động bay đang phải xin phép trước theo từng chuyến khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi khách có yêu cầu đột xuất. Thực tế, công ty này đã nhiều lần từ chối nhu cầu bay tham quan vịnh với lý do không chủ động được lịch bay vì còn phụ thuộc vào vấn đề cấp phép.

Vẫn theo doanh nghiệp, máy bay có thể bay theo phương thức bằng mắt (VFR) từ 6-18h trong điều kiện đủ tầm nhìn, trong khi bay bằng thiết bị (IFR) thì có thể cả 24h. Tuy nhiên, hiện giới hạn hoạt động bay của thủy phi cơ do Bộ Quốc phòng quy định chỉ từ 7-18h, điều này khiến phương tiện chưa hoạt động tối đa công suất và cơ hội phục phụ du khách bị giảm đi đáng kể.

Dịch vụ thủy phi cơ được Công ty cổ phần Hàng không Hải Âu đưa vào khai thác từ đầu tháng 9 với chặng bay Hà Nội – Hạ Long, có giá vé 250 USD (5,2 triệu) mỗi chiều. Trước khi bay, hãng này dự kiến thời gian dự kiến bay là 30 phút, tuy nhiên, thực tế hiện cho thấy thời gian để khách từ trung tâm Hà Nội xuống được Hạ Long đã tăng khoảng 3 lần.

Hải Âu là hãng bay tư nhân đầu tiên khai thác dịch vụ thủy phi cơ, được cấp phép hoạt động hàng không chung, cung cấp dịch vụ bay ngoài vận tải hành khách công cộng và quân sự. 

Theo Vnexpress

{fcomment}