Khi được thông báo chợ đầu mối Bình Điền (quận 8, TPHCM) sẽ tạm ngưng hoạt động lúc 8 giờ sáng ngày 6/7, bà Thu (tiểu thương kinh doanh thịt heo) đã thông báo cho mối lái tranh thủ lấy hàng sớm. “Không kỳ kèo “bớt một thêm hai” nữa, được giá là đẩy hàng. Mối lái cũng biết tình hình chợ nên đều tranh thủ mua, mới hơn 5 giờ đã hết hàng”, bà Thu nói.
Ngành hàng hải sản, rau củ… tiểu thương cũng tranh thủ đẩy hàng sớm trước giờ G. “Chưa biết ngày mai sẽ bán buôn thế nào, nhưng trước mắt cứ bán hết hôm nay. Tôi đang tính tới phương án gửi hàng trực tiếp đến tiểu thương, nhưng cũng phải có điểm tập kết, xuống hàng… Nếu gửi hàng đến chợ đầu mối Thủ Đức (TP Thủ Đức) thì ngược đường, tăng chi phí vận chuyển cho bạn hàng. Nếu chợ đóng cửa quá lâu, bạn hàng sẽ tìm nguồn khác, chưa kể một số mặt hàng đã ký hợp đồng trước với nhà vườn”, bà Chánh kinh doanh ngành hàng hoa cây cảnh lo lắng.
Gia tăng nguồn hàng, đa dạng kênh phân phối
Chiều 7/7, tại buổi họp báo về cung ứng hàng hoá thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ khẳng định với nguồn cung ứng vẫn dồi dào và các kênh phân phối đa dạng, người dân không nên lo lắng về việc thiếu hụt lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Theo ông Vũ, TPHCM hiện có 106 siêu thị cung cấp lương thực, thực phẩm, 112 cửa hàng chuyên về thịt gia súc, gia cầm, 2.469 siêu thị mini và cửa hàng tiện ích, 28.700 cửa hàng bách hóa bán thực phẩm phục vụ cho người dân. Lượng hàng dự trữ của doanh nghiệp bình ổn, lượng hàng thông qua các tiểu thương hoạt động tại 3 chợ đầu mối vẫn về TPHCM với khối lượng khá dồi dào. “Với nguồn cung ứng dồi dào và các kênh phân phối đa dạng, người dân không nên lo lắng về việc thiếu hụt lương thực trong tất cả các tình huống”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ khẳng định.
Nguồn Tienphong