Bánh Trung thu truyền thống hút khách

ngày 06/09/2014

Ẩm thực là nét văn hóa mang hồn cốt của dân tộc và vang vọng lịch sử xa xưa của con người trong bối cảnh hội nhập ẩm thực và thị hiếu. Hòa nhập, giao lưu nhưng không hòa tan các yếu tố dân tộc, cổ truyền trong suy nghĩ và việc làm của người dân Việt.

Được hỏi nhiều, mua cũng lắm và đặc biệt là người mua tấm tắc khen mẫu mã “sao thời trang thế”… đây chính là thực tế đang diễn ra đối với các loại bánh trung thu cổ truyền. Các loại bánh trung thu truyền thống: bánh dẻo, bánh nướng với các hương vị cổ truyền như: thập cẩm thịt lợn nạc lá chanh, thập cẩm đỗ xanh, trứng muối, nạp xưởng đỗ sen… đang được người tiêu dùng ưu ái chọn lựa nhiều so với các loại bánh trung thu “cách tân” về mẫu mã và hương vị của các hãng hiện nay đang khiến người ta đặt câu hỏi: phải chăng đây là hiện tượng kinh doanh hay là sự trở lại, lên ngôi tất yếu của hương vị quê hương cùng năm tháng?

Bánh Trung thu truyền thống hút khách

Theo một chủ cửa hàng bán bánh trung thu tại Hà Nội, những chiếc bánh nướng, bánh dẻo mang hương vị truyền thống đang được người tiêu dùng chọn mua nhiều nhất trong thời gian qua. Người ta thường tìm kiếm hai loại bánh dẻo, bánh nướng để mua cũng vì đây là những món quà đã ăn sâu vào tiềm thức của họ rồi. Cũng theo một chủ cửa hàng khác, việc bánh trung thu truyền thống đang lên ngôi chính là do uy tín thương hiệu của các hãng bánh lớn, họ không chỉ biết cải tạo mẫu mã, bao bì mà còn nâng cao chất lượng cũng như các yếu tố màu sắc, vị và đặc biệt giữ được… hương vị cổ truyền nên gần gũi hơn với người tiêu dùng.

Chị Phạm Phương Thảo, khách mua hàng tại Hà Nội cho biết: “Bánh đời mới hiện nay rất nhiều, khách sạn nào cũng có, cũng làm với các hương vị khác nhau đâu là hương vị Pháp, Đan Mạch hay hương vị Nhật Bản… Tuy nhiên, mức giá các loại bánh này cao và nhất là khẩu vị không phù hợp với chúng tôi”.

Đem câu hỏi vì sao vẫn giữ gìn hương vị cổ truyền trong bánh trung thu truyền thống của dân tộc, chúng tôi được bà Nguyễn Xuân Thu, Giám đốc sản xuất – CTCP Bánh Mứt Kẹo Hà Nội lý giải: “Bánh trung thu là một sản phẩm truyền thống, sự khác nhau chỉ nằm ở cách thức phối trộn và dẫn tới sự khác nhau về hương vị. Dòng bánh truyền thống mà khách hàng yêu thích trong những năm gần đây là những loại bánh vẫn giữ được hương vị của những thập niên 50, 60 của thế kỷ trước. Ví dụ rõ nét nhất là bánh thập cẩm. Mỡ phần loại ngon được xắt nhỏ và muối kỹ hàng tuần nên khi đưa vào nhân bánh không còn bứ mà trở nên bùi, ngậy. Khi hòa quyện với độ giòn, mát của mứt bí, thơm thanh của lá chanh hay hoa bưởi,sẽ tạo ra hương vị hết sức đặc trưng và khó quên”.

Theo một doanh nghiệp chia sẻ: đa dạng hóa khẩu vị là tất yếu trong một xã hội ngày càng cởi mở như Việt Nam. Sự mới lạ luôn có sức hấp dẫn riêng, nhưng để dẫn dắt được khẩu vị của khách hàng và trở nên quen thuộc thì không hề đơn giản, đặc biệt là đối với một sản phẩm mang nặng tính truyền thống như bánh trung thu, nó vẫn có sức sống riêng, mạnh mẽ đầy bản lĩnh.

Dù là mặt hàng truyền thống nhưng các nhà sản xuất cũng không “ỷ lại” vào những giá trị cũ,tự thân của nó, mà họ luôn ý thức làm giá trị đó ngày một tốt lên. Cụ thể, trong việc làm bánh, các nhà sản xuất cũng phải điều chỉnh độ ngọt để phù hợp với xu hướng ăn uống vì sức khỏe hiện nay, rồi thêm vào đó là mẫu mã, bao bì cũng phải có sự cải tiến để đẹp hơn mà không làm mất đi bản sắc văn hóa Việt.

Hơn thế nữa, việc quảng bá, phát triển hình ảnh thương hiệu hay đa dạng hóa hệ thống phân phối cũng được họ hết sức chú trọng. Đơn cử như Bánh Mứt Kẹo Hà Nội, cách đây khoảng vài chục năm, người dân thủ đô phải chen lấn khổ sở mới mua được một hộp bánh bởi doanh nghiệp chỉ có 2 điểm bán hàng duy nhất tại 54 A Bà Triệu và số 5 Láng Trung do Xí Nghiệp (cũ) trực tiếp quản lý, thì hiện tại, khách hàng có thể tiếp cận với các sản phẩm của doanh nghiệp thông qua các cửa hàng bán sản phẩm của Công ty, các đại lý, các siêu thị tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc.

Nhận định về việc khách hàng quay trở lại với bánh truyền thống,vị đại diện doanh nghiệp này cũng cho biết: “ Với những doanh nghiệp có thế mạnh là sản phẩm truyền thống thì việc nỗ lực tạo ra những mẫu mã, hình ảnh mới nhưng vẫn giữ được các yếu tố bản địa, hương vị truyền thông là tất yếu để sản phẩm không trở nên xưa cũ,nhàm chán trong tâm thức khách hàng. Sự trở lại của những chiếc bánh truyền thống trong thị hiếu tiêu dùng của người dân đã góp phần lớn vào việc gây dựng, trưởng thành và phát triển thương hiệu của chúng tôi. Chúng tôi nhận thức đầy đủ, nâng cao chất lượng, đổi mới hình thức, cải tiến quy trình công nghệ nhưng không được phép làm mất đi hương vị truyền thống”.

Ẩm thực là nét văn hóa mang hồn cốt của dân tộc và vang vọng lịch sử xa xưa của con người, trong bối cảnh hội nhập, ẩm thực và thị hiếu của người dân cũng hòa đồng, đan xen cùng ẩm thực khắp năm châu, đó là điều tất yếu. Nhưng điều vui mừng nhất chính là những nét đẹp trong thưởng thức ẩm thực không mất đi mà còn được bồi đắp thêm cả ở người sản xuất lẫn đối tượng tiêu dùng cuối cùng. Đây cũng là minh chứng cho việc hòa nhập, giao lưu nhưng không hòa tan các yếu tố dân tộc, cổ truyền trong suy nghĩ cũng như việc làm của người dân Việt từ xưa đến nay.
Nguồn Dân trí
 

{fcomment}