Bằng trung bình cạnh tranh " gay gắt " với bằng giỏi

ngày 25/08/2013

Một sinh viên có nhiều trải nghiệm thực tế nhưng chỉ đạt bằng trung bình và một sinh viên tốt nghiệp tấm bằng loại Giỏi thì các doanh nghiệp sẽ tuyển dụng ai?

 

Câu hỏi được một sinh viên (SV) đặt ra với các chuyên gia, những người làm chủ doanh nghiệp tại hội thảo “Kinh nghiệm trở thành tài năng trong tổ chức” nằm trong sự kiện Nghề nghiệp và Giáo dục chuyên nghiệp 2013. Hội thảo diễn ra ngày 24/8 tại TPHCM, thu hút hàng ngàn người  tham gia là SV, nhân viên văn phòng, trưởng nhóm và cả cấp quản lý.

Bằng trung bình cạnh tranh với bằng giỏi

Nữ SV này chia sẻ, nhiều bạn trẻ đi làm thêm, có những trải nghiệm từ khi đang ngồi trên ghế giảng đường. Thế nhưng họ cũng rất băn khoăn khi ra trường đi xin việc với tấm bằng Trung bình đặt bên cạnh những SV tốt nghiệp loại Giỏi.

Ông Phan Quốc Công, Tổng giám đốc ICP cho hay kết quả của cuộc tuyển dụng sẽ không phụ thuộc vào tấm bằng giỏi hay trung bình mà kết quả sẽ được chọn ra sau buổi trò chuyện, phỏng vấn với các ứng viên để có kết quả tổng hợp tìm ra người phù hợp với vị trí và công việc mà doanh nghiệp đang tìm kiếm. 

 

Chọn người hay tuyển tấm bằng?
Hàng ngàn sinh viên, nhân viên văn phòng tham Hội thảo “Kinh nghiệm trở thành tài năng trong tổ chức”. 

Về việc học, ông Công cho rằng phải xem xét trên mọi góc độ: học ở trường, học ở anh em bạn bè, học lẫn nhau, học từ thực tế… để nhìn thấy tinh thần ham học hỏi của ứng viên đó đến đâu chứ không chỉ dựa vào kết quả của bằng cấp.

Đồng tình với ý kiến này, bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội bày tỏ, buổi phỏng vấn trong tuyển dụng rất quan trọng, là cơ hội để quản lý nhìn ra người có khả năng đáp ứng yêu cầu của công việc, tổ chức.

Đặc biệt với tình hình ở Việt Nam, theo bà Ninh càng không nên dựa vào bằng cấp để tuyển dụng, bằng cấp chỉ mang giá trị tham khảo. Nhà tuyển dụng có tầm nhìn sẽ phát hiện được tiềm năng của mỗi người để đầu tư cho tương lai.

Tuy nhiên, một vấn đề chuyên gia này đặt ra là thước đo trong tuyển dụng cũng chưa hẳn đã chính xác. Bà Ninh kể trường hợp cách đây khá lâu, một nữ sinh tốt nghiệp hàng đầu ở Học viện Ngoại giao nhưng thi tuyển 2 lần vào Bộ Ngoại giao làm việc đều… trượt do không qua được một môn thi.

Bà Ninh đánh giá ứng viên này có tiềm năng sẽ một nhà ngoại giao giỏi và trao đổi với Bộ trưởng. Đáng tiếc cho ngành là cô gái này đã ra ngoài kiếm việc và công ty nước ngoài “hốt” ngay bởi người ta không nhìn nhầm người.

Không thể coi nhẹ chuyên môn

Việc nhiều SV khi ra trường đặt ra vấn đề, một là bằng Giỏi, hai là kinh nghiệm theo nhiều chuyên gia như vậy là chưa thật sự phù hợp với mức độ cạnh tranh việc làm gắt gao như hiện nay. Sinh viên ra trường chẳng thể “trao hết cơ hội” vào tấm bằng Giỏi mà bỏ qua việc cọ xát thực tế, trau dồi kinh nghiệm. Còn SV có kết quả học hành yếu kém với lý lẽ vì tập trung cho việc đi làm thêm, tích lũy kinh nghiệm cũng cần xem xét lại. Nhiều nhà tuyển dụng nhấn mạnh kiến thức chuyên môn vẫn là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu đối với người lao động.

 

Chọn người hay tuyển tấm bằng?
Chuyên môn luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với người lao động. Trong ảnh: Sinh viên ĐH Ngân hàng TPHCM trong hoạt động ngoại khóa về quản lý tài chính. 

 

Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Tổng Giám đốc GIBC cho rằng, việc học là vô hạn, chẳng bao giờ thừa. Người học phải có ý thức trau dồi đào sâu kiến thức chuyên môn đi kèm với việc trau dồi các kỹ năng ở mọi lúc mọi nơi cả ở nhà trường, cả ngoài thực tế.

“Kiến thức, kỹ năng và thái độ là những năng lực của người lao động mà nhà tuyển dụng đòi hỏi. Và những điều này bạn không chỉ học ở trường mà phải học hỏi cả bên ngoài, học từ những người xung quanh thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng gắt gao như hiện nay”, ông Trai nhấn mạnh.

Nhà giáo dục Giản Tư Trung chia sẻ, xu hướng các nhà tuyển dụng lúc này người ta không quan tâm đến bằng chứ khoan đã bàn đến bằng loại gì mà cái người ta cần là trình độ và thái độ. Điều họ xem xét ở ứng viên là “anh giỏi cái gì?". Khi mình thể hiện được mình trong công việc rồi thì tấm bằng không còn là vấn đề.

Tuy vậy, ông Trung cho rằng giữa quá nhiều hồ sơ xin việc thì tấm bằng loại giỏi cũng là một yếu tố được ưu tiên để xét tuyển. Tấm bằng sẽ cực kỳ có giá trị nếu chúng ta thực học và ngược lại sẽ chẳng là gì, thậm chí là nguy hại khi người học chỉ học vì điểm, vì tấm bằng đẹp.

Các nhà tuyển dụng sáng suốt không khó để nhìn ra bạn thực học hay bạn hư học. Ông Trung nhấn mạnh, SV cần chuẩn bị cho mình hai túi quan trọng hàng đầu là túi văn hóa và túi chuyên môn. Điều này không chỉ giúp bạn trong cơ hội tìm kiếm việc làm mà cao hơn nữa bạn nâng tầm mình lên để các nhà tuyển dụng cần và tìm đến mình.

Hoài Nam

 


 

 

{fcomment}