Âm thầm sa thải

ngày 28/08/2023

Dù làn sóng sa thải trên toàn cầu không còn dữ dội như thời điểm ngay sau đại dịch, các công ty vẫn tìm đủ mọi cách để nhân sự tự biết phải ra đi.

Thức dậy với email thông báo rằng công việc không còn, dù chưa bị sa thải mang đến cảm xúc phức tạp cho hầu hết nhân viên. Đối mặt với thị trường lao động kém sôi động hơn hẳn năm trước, nhiều người tin cách tốt nhất là ở lại và tìm cách điều chỉnh sao cho phù hợp.

Adidas, Adobe, IBM, Salesforce nằm trong số các doanh nghiệp đang sắp xếp lại nhân viên để tái cấu trúc. Theo dữ liệu từ nền tảng nghiên cứu tài chính AlphaSense, số lượt nhắc đến bổ nhiệm lại hay thuật ngữ tương tự trong các cuộc họp báo cáo kinh doanh đã tăng gấp ba lần từ tháng 8/2022 đến nay.

Đối với những công ty đã dành vài năm và số tiền lớn để chiêu mộ nhân tài, tái bổ nhiệm nhân viên sang vai trò mới có thể là một phương án lấp đầy các vị trí quan trọng với kế hoạch tương lai, đồng thời cắt giảm chi phí liên quan đến chiến lược cũ. Dù vậy, với những nhân sự cảm thấy bị mắc kẹt với công việc không mong muốn, họ có khả năng lựa chọn ra đi.

Minh họa: WSJ

Minh họa: WSJ

Andy Challenger, Phó chủ tịch công ty nghề nghiệp Challenger, Gray & Christmas, cho biết nhân sự bị cho nghỉ việc tại Mỹ trong tháng 7 thấp hơn 42% so với tháng 6 và thấp hơn 8% so với một năm trước.

Trong các cuộc phỏng vấn và trên diễn đàn trực tuyến, nhiều người lao động bày tỏ lo lắng bổ nhiệm lại có đồng nghĩa với bị đuổi việc hay không. Họ cũng băn khoăn làm thế nào để trở về vị trí mà họ muốn.

Matt Conrad, chuyên gia hỗ trợ bán hàng cấp cao tại IBM, người trải qua hai lần bổ nhiệm lại trước khi đảm nhận vai trò hiện tại vào mùa thu năm ngoái, chia sẻ: "Tôi có cảm giác như họ muốn nói 'chúng tôi đánh giá cao mọi thứ bạn đã làm nên sẽ không sa thải, nhưng bạn phải tận dụng tốt nhất điều này hoặc tìm việc làm ở nơi khác".

Trong lần sắp xếp lại vị trí đầu tiên năm 2021, anh được gọi điện thông báo không còn vai trò quản lý nữa. Anh được giao bán phần mềm dù chưa có kinh nghiệm nào. Cuối năm 2021, thông qua quản lý cũ, Conrad tìm được việc làm mới phù hợp hơn với kỹ năng của mình. Đến tháng 1/2022, bộ phận đó lại bị giải thể. Mất 6 tháng để phòng nhân sự hỗ trợ anh tìm được vị trí huấn luyện viên bán hàng cấp cao từ xa.

Anh cho biết sẽ không nghỉ việc vì đó là một vấn đề nguyên tắc. "Tôi sẽ không nhượng bộ vì là một nhân viên hàng đầu và điều đó không công bằng", Matt Conrad nói.

Bị cuốn vào cuộc tái cấu trúc có thể gây lo lắng cho người lao động, nhưng đôi khi đây là nỗ lực từ phía công ty để tránh nhân viên ra đi, theo Roberta Matuson, một cố vấn cho nhiều doanh nghiệp như General Motors hay Microsoft.

Tuy nhiên, cũng có lúc nhân sự bị cố tình đẩy vào những vị trí làm họ khổ sở và buộc phải từ bỏ. Dấu hiệu dễ nhận thấy là lương hay kỹ năng thấp hơn nhiều so với hiện tại, hoặc phải chuyển chỗ ở dù không thuận tiện, hay bị phân đến bộ phận được đồn sắp giải thể.

Naomi Sutherland, Giám đốc phát triển tài năng tại hãng tư vấn Korn Ferry, khuyên mọi người nếu thấy nghi ngờ hay lo lắng nên hỏi quản lý cụ thể về điều đang xảy ra và nó có ý nghĩa gì với sự nghiệp của họ.

Grant Gurewitz, 32 tuổi, mất thời gian để làm quen với vai trò mới tại Seattle vào đầu năm nay khi hãng phần mềm nơi anh làm việc loại bỏ vị trí của anh tại Bắc Mỹ. Anh chỉ có 24 giờ để lựa chọn hoặc ra đi. Cuối cùng, Gurewitz chọn công việc Trưởng phòng tiếp thị tăng trưởng toàn cầu, nhiều trách nhiệm hơn nhưng không được tăng lương.

Anh cũng nhìn vào mặt tươi sáng hơn vì vị trí toàn cầu có lẽ là điểm dừng chân tiếp theo mà anh mong muốn và dựa trên bộ kỹ năng hiện có. "Vẫn còn nhiều điều để tôi học hỏi, trưởng thành và phát triển ở cương vị này. Tôi vận dụng cách nhìn 'cốc nước đầy một nửa' cho mọi chuyện đã xảy ra", anh chia sẻ.

nguồn: Vnexpress