3 mũi giáp công dẹp Covid ở Việt Nam

ngày 17/05/2021

Cùng với 'mệnh lệnh 5K', các địa phương, bộ ngành đang thực hiện gắt gao 3 mũi giáp công, đó là tăng cường xét nghiệm trên diện rộng; bằng mọi biện pháp để mua vaccine và sản xuất vaccine phục vụ người dân; ứng dụng công nghệ phục vụ truy vết theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Vào ngày 5/5/2021, Chính phủ mà đứng đầu là Thủ tướng Phạm Minh Chính mới ra mắt được 1 tháng tròn, đã có một phiên họp thường kỳ, nhưng đặc biệt.

Phần lớn thời gian của cuộc họp để bàn về một thách thức vô cùng lớn mà Việt Nam đang phải đối mặt. Đó là dịch Covid-19 đang hoành hành. Đại dịch lần này đang tàn phá nặng nề các nước láng giềng. Và với các giải pháp hiệu quả sau 3 đợt dịch lần trước, Việt Nam đang như một 'ốc đảo' giữa các nước xung quanh đang bị dịch tấn công dữ dội.

Thủ tướng nêu rõ, chúng ta phải có cách tiếp cận mới, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo mới, tạo cơ sở cho tổ chức thực hiện. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần: “chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa giữa phòng ngự và tấn công”.

Sau đó, liên tục tại các cuộc họp, cuộc làm việc với các Bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh chỉ đạo xuyên suốt 'lấy tấn công là chính'. Và cùng với 'mệnh lệnh 5K', các địa phương, bộ ngành đang thực hiện gắt gao 3 mũi giáp công, đó là tăng cường xét nghiệm trên diện rộng; bằng mọi biện pháp để mua vaccine và sản xuất vaccine phục vụ người dân; ứng dụng công nghệ phục vụ truy vết theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Từ bài học kinh nghiệm chống dịch ở các nước và tình hình ở Việt Nam, đây được coi là những biện pháp hợp lý, khoa học và thực tế nhất cho đến lúc này. Thể hiện sự quyết tâm chủ động chống dịch, chủ động tấn công của chính phủ, các bộ ngành, được đông đảo người dân và các địa phương đang ngày đêm đối phó với dịch ủng hộ, đồng lòng thực hiện.

Xét nghiệm chủ động

Trên thực tế cho thấy, từ cuối tháng 4 đến nay, dịch Covid-19 đang diễn ra tại Việt Nam với mức độ phức tạp hơn hẳn, theo đánh giá của Bộ Y tế, chủng virus mới lây lan nhanh chưa từng có.

Thời điểm này, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, ta đã chuyển trạng thái từ chủ động sang chủ động tấn công. Tức là, trước đây tập trung vào truy vết các trường hợp tiếp xúc gần, có khả năng lây nhiễm, lần này triển khai trên diện rộng bằng tầm soát xét nghiệm, đặc biệt nhóm nguy cơ cao.

Bộ đã chỉ đạo tổng thể đánh giá, rà soát lại và đã ban hành nhiều chỉ đạo, hướng dẫn liên quan đến xét nghiệm phục vụ phòng chống dịch. Bộ cũng đã sử dụng nhiều loại sinh phẩm và nhiều cách thức tiếp cận, như sử dụng kháng nguyên nhanh trong sàng lọc, sử dụng gộp mẫu ở mức độ nhiều mẫu, sử dụng kháng thể…

Đồng thời, chỉ đạo việc rà soát lại tất cả những người đã nhập cảnh trong thời gian qua, những người hoạt động trong lĩnh vực vui chơi, giải trí, tiến hành xét nghiệm cả kháng nguyên và kháng thể ở những người này để đánh giá và tìm kiếm nguồn lây.

Trong thời gian rất ngắn, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp nâng công suất xét nghiệm, chỉ tính riêng trong đợt dịch từ ngày 27/4 đến 12/5, đã thực hiện 306.138 mẫu xét nghiệm, trong đó ghi nhận 643 ca dương tính. Đối với các địa phương, Bộ cũng đã và liên tục yêu cầu phải đảm bảo nâng công suất xét nghiệm.

Trước đó, sau khi xuất hiện ổ dịch tại các bệnh viện, tất cả cơ sở cơ sở y tế được yêu cầu triển khai biện pháp chống dịch hơn một mức, phải xét nghiệm sàng lọc định kỳ đối với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế, tăng cường xét nghiệm một số khu vực có nguy cơ cao như khoa hồi sức cấp cứu, chạy thận nhân tạo.

Và hàng loạt các địa phương, bệnh viện, cơ quan đã thực hiện xét nghiệm đại trà.

Bộ Y tế, các địa phương đang thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, là muốn tấn công thì phải phòng ngự tốt, phòng ngự từ xa, từ sớm, từ trước; hài hòa giữa phòng ngự và tấn công. Tăng cường xét nghiệm trên diện rộng ở những nơi đủ điều kiện, huy động tối đa mọi nguồn lực của xã hội cho công tác này. Từ đó, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị tích cực, nhanh chóng ổn định tình hình.

Ứng dụng công nghệ tiên tiến

Khi Covid-19 bắt đầu lây lan ở Vũ Hán, Trung Quốc đã áp dụng những biện pháp cách ly, giãn cách xã hội, xây dựng bệnh viện dã chiến một cách thần tốc.

Nhưng đó chỉ là bề nổi, ở một phương diện khác Trung Quốc ứng dụng rất mạnh công nghệ để giám sát, khoanh vùng và cách ly người dân trong thành phố, giữa các tỉnh lân cận. Tất cả là nhờ hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu dùng giám sát vận tải hàng hóa, phân luồng giao thông.

Đặc biệt, Trung Quốc có một hệ thống camera nhận diện khuôn mặt đặt ở mọi nơi. Kết hợp với dữ liệu lớn, máy học nhằm phân tích lịch trình di chuyển, thân nhiệt, số người tiếp xúc, Trung Quốc có thể dễ dàng phân vùng và cô lập F1, F2, F3 ngay khi phát hiện ca F0.

Tại Mỹ, khi đại dịch Covid-19 bùng nổ trên phạm vi toàn cầu, họ đã biết tận dụng vị thế siêu cường công nghệ của mình để đi tắt đón đầu trong việc chế tạo vắc-xin ngừa virus. Sau Trung Quốc và Mỹ, rất nhiều nước đã học theo, đó là lấy công nghệ để chống dịch.

Tại Việt Nam, trong cuộc họp Chính phủ ngày 5/5, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, cần ưu tiên giải pháp về công nghệ và vaccine…

Đồng tình với nhận định này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, cần đẩy mạnh sử dụng công nghệ tiên tiến trong phòng chống dịch. Đây được xem là một trong những mũi tấn công hiệu quả với dịch covid-19.

Bộ TT&TT đã ban hành tài liệu “Hướng dẫn sử dụng bộ giải pháp hỗ trợ phòng, chống và truy vết Covid-19 trong cộng đồng”. Bộ giải pháp hỗ trợ phòng, chống và truy vết Covid-19 trong cộng đồng bao gồm Bluezone (ứng dụng cảnh báo tiếp xúc gần người nghi nghiễm Covid-19), NCOVI (hệ thống quản lý tờ khai y tế tự nguyện), khai báo y tế cho người nhập cảnh, hệ thống ghi nhận người đến, đi các địa điểm công cộng (thông qua quét mã QR) và cuối cùng là hệ thống bản đồ chống dịch an toàn Covid-19.

Tính đến thời điểm 17h00 ngày 14/5, cả nước đã có 32,19 triệu lượt tải và cài đặt ứng dụng Bluezone. Trước diễn biến phức tạp của Covid-19, nhiều địa phương đã triển khai hướng dẫn người dân áp dụng các giải pháp công nghệ hỗ trợ phòng chống dịch như: khai báo y tế điện tử bằng ứng dụng NCOVI, cài ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone, vận động người dân quét mã QR để lưu lại “mốc dịch tễ”,…

Tại Hà Nội, Thành phố đã yêu cầu tất cả các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức nghiêm việc khai báo y tế bằng mã QR và ứng dụng CNTT trong phòng chống dịch. Đặc biệt, tất cả người dân khi quay trở về Hà Nội sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 đều phải khai báo y tế trên website tokhaiyte.vn hoặc khai báo y tế bằng quét mã QR trên ứng dụng.

Hà Nội cũng yêu cầu người dân khi đi, đến (check in, check out) những địa điểm công cộng như chợ, siêu thị, nhà hàng, công viên, bến xe, bến tàu, bệnh viện… phải quét mã QR để ghi nhận nhằm khai báo y tế. Đây là cách lưu lại “mốc dịch tễ” của người dân để phục vụ trong công tác truy vết người có khả năng nghi nhiễm Covid-19. Giải pháp này được thực hiện đồng thời với việc ghi nhận tiếp xúc gần bằng ứng dụng Bluezone trên smartphone.

Với Bắc Ninh, UBND tỉnh này đã chỉ đạo Sở TT&TT tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn tỉnh cài đặt, sử dụng và khai báo y tế trên các ứng dụng NCOVI, Bluezone hoặc website tokhaiyte.vn.

Sở TT&TT Bắc Ninh còn thiết lập các “điểm kiểm dịch” bằng việc quét mã QR tại 4 chốt kiểm soát ở những vị trí tiếp giáp tỉnh.

Ngoài ra, thực hiện yêu cầu của Thủ tướng về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch, đã có hàng nghìn cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt, đo thân nhiệt tự động, quét mã QR khai báo y tế khi ra vào tòa nhà...

Cuộc chiến Vaccine

“Phải tiếp cận vaccine nhanh nhất, sớm nhất có thể, cần tích cực hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, cụ thể hơn nữa cả về số lượng, chất lượng vaccine, vấn đề thanh toán, tiến độ…”, mới đây nhất, trong cuộc làm việc với Bộ Y tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo rất quyết liệt.

Không chỉ tại buổi làm việc này, trong các cuộc họp thường kỳ Chính phủ cũng như các cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid quốc gia, người đứng đầu chính phủ đã yêu cầu thực hiện chiến lược vaccine, tăng cường tiếp cận các nguồn vaccine, mua vaccine theo đúng chương trình, kế hoạch đã đề ra, kể cả chuyển giao công nghệ; đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine; tổ chức tiêm vaccine hiệu quả, đúng ưu tiên.

Liên quan đến chủ trương này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho biết, ngay từ khi có dịch, Ban Chỉ đạo giao cho Bộ KH&CN, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng tập trung toàn lực nghiên cứu, phát triển, sản xuất vaccine phòng COVID-19. Dự báo, “cuộc chiến” về vaccine sẽ cực kỳ căng thẳng. Nước nào có được vaccine sớm nhất thì sẽ tranh thủ được thời cơ bứt lên trước.

Phó Thủ tướng khẳng định: Chủ trương ngay từ đầu của Việt Nam là phải có vaccine thì chống dịch mới căn cơ, lâu dài. Tìm mọi cách, từ nhập khẩu, sản xuất trong nước để có vaccine sớm nhất.

Bộ Y tế đã nỗ lực tiếp cận các nguồn cung vaccine qua nhiều kênh khác nhau, làm việc trực tiếp với các nhà sản xuất vaccine, các tổ chức quốc tế, đại sứ quán các nước, đại sứ Việt Nam ở nước ngoài.

Bộ đã phối hợp với nhiều bộ ngành, nỗ lực, khẩn trương đàm phán, làm việc với nhiều quốc gia, tổ chức, nhà sản xuất và đã có khoảng 110 triệu liều vắc xin cam kết cung cấp cho Việt Nam trong năm 2021.

Trong số này có 38,9 triệu liều vắc xin từ chương trình Covax, 30 triệu liều từ AstraZeneca thông qua Công ty VNVC, 31 triệu liều từ Pfizer/BioNTech.

Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với Covax để mua thêm khoảng 10 triệu liều vắc xin theo cơ chế chia sẻ chi phí với giá ưu đãi.

Cùng với 'mệnh lệnh 5K', các địa phương, bộ ngành đang thực hiện gắt gao 3 mũi giáp công này để chống Covid-19. Hy vọng, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, quyết tâm từ các Bộ ngành, sự phối hợp từ các địa phương và thái độ hợp tác, trách nhiệm từ người dân, Việt Nam sẽ nhanh chóng đẩy lùi được dịch Covid để ổn định, phát triển.

Nguồn VietnamNet