U19 Việt Nam và bài toán điểm rơi phong độ

ngày 03/09/2014

Đội tuyển U19 cần một cú hích ở giải U19 Đông Nam Á để cải thiện tinh thần. Nhưng mục tiêu chính của đội vẫn là VCK U19 châu Á vào tháng 10, nên HLV Graechen Guillaume sẽ rất khó có tìm phép tính vẹn toàn cho những nhiệm vụ vừa nêu 

Khi người lớn cũng… say đòn

Phải chi U19 Việt Nam thành công trọn vẹn ở giải U22 Đông Nam Á vừa rồi, phải chi U19 Việt Nam thực sự đứng đầu Đông Nam Á trong lứa tuổi, đội bóng của HLV Graechen Guillaume có thể không còn gì và cũng không nhất thiết phải chứng tỏ mình ở giải đấu sắp diễn ra tại Hà Nội.

Nhưng ngặt nỗi chúng ta vẫn chưa phải là đội bóng số 1 Đông Nam Á ở lứa tuổi 19, vẫn chưa có chiến tích cụ thể ngay trong tầm khu vực, nên chính đội bóng này cũng đang cần một cú hích mạnh, hòng thay đổi điều đó.

Một khía cạnh khác không thể không nói đến ở chỗ đội bóng của HLV Graechen Guillaume đá giải liên tục trong thời gian vừa qua, mà ở mọi giải đấu mà họ tham dự, họ không được phép đá… dở.

Đành rằng những người điều hành bóng đá nội muốn cho U19 Việt Nam có nhiều cơ hội để cọ xát, nhưng đá giải với mực độ dày đặc sẽ đặt ra thách thức lớn cho HLV Graechen Guillaume trong việc tính toán điểm rơi phong độ cho từng cầu thủ nói riêng và cho toàn đội bóng của mình nói chung, trong bối cảnh mà vị HLV người Pháp cũng không phải là người giỏi tính toán điểm rơi, do ông vốn không phải là HLV chuyên huấn luyện bóng đá đỉnh cao, chuyên đi đá giải.

U19 Việt Nam tham dự hàng loạt giải giao hữu kế tiếp nhau
U19 Việt Nam tham dự hàng loạt giải giao hữu kế tiếp nhau

Tập như thế nào để tìm thấy điểm rơi tốt nhất nơi giải đấu quan trọng nhất theo mục tiêu của mình, xài lực lượng nào ở từng sân chơi cụ thể cho những mục tiêu khác nhau luôn là một trong những bài toán quan trọng nhất đối với các HLV chuyên nghiệp (có những đội bóng, như các đội bóng Ý chẳng hạn, đá giao hữu hay các giải giao hữu rất dở, nhưng vào đá thật họ lại khác hẳn).

Với U19 Việt Nam và với HLV Graechen Guillaume, mọi thứ càng không dễ tính, vì hầu hết các giải đấu vừa qua, đội bóng của HLV Graechen Guillaume chỉ đá được với 1 đội hình.

Đối phương càng lạ, U19 Việt Nam đá càng hay

Thời điểm U19 Việt Nam nổi lên từ giải U19 Đông Nam Á năm ngoái, đấy là thời điểm lứa U19 của bầu Đức mới trình làng, làng cầu quốc tế hầu như chưa biết chúng ta đá như thế nào, nên lạ lẫm trước các pha phối hợp như dệt gấm thêu hoa của đoan quân trong tay HLV Graechen Guillaume.

Sau đó, chúng ta khó đá hơn vì lối chơi của chúng ta dần dần bị bóc trần, các đối thủ sau khi nghiên cứu lối chơi này, đã biết cách khắc chế những mũi nhọn và những pha phối hợp của U19 Việt Nam.

Điều đấy một lần nữa đặt ra thách thức cho đoàn quân trong tay HLV Graechen Guillaume ở giải U19 Đông Nam Á Cúp Nutifood sắp tới. Chúng ta vốn đã không có nhiều bài, giờ nếu tiếp tục phô diễn hết để các đối thủ thấy thì khi bước vào mục tiêu chính ở VCK U19 châu Á vào tháng 10, khả năng bị bắt bài lại tăng lên.

Ngay đến U19 Nhật Bản hùng mạnh mà còn sợ lộ bài trước các đối thủ dưới cơ, đến nỗi chỉ đưa đội hình 2 đến đá giải U19 Đông Nam Á với U19 Việt Nam thì đủ thấy họ thận trọng đến mức nào. Indonesia hay Thái Lan cũng vậy, 2 đội đấy không đưa đội hình mạnh nhất đến Hà Nội, vì họ sẽ lại đụng nhau ở VCK U19 châu Á, nên ngại tung hết bài vở với nhau ngay lúc này.

Dĩ nhiên, U19 Việt Nam trên phương diện là chủ nhà không thể sử dụng đội hình phụ để đá giải đấu sắp khai diễn.

Đoàn quân của HLV Graechen Guillaume đang đứng trước ngã ba đường. Họ cần thành tích tốt tại giải để tìm một cú hích tinh thần. Họ cần phải đá coi được trước áp lực thành tích mỗi lúc một lớn đang dồn lên vai họ.

Nhưng nếu dốc hết sức và tìm thành tích ở giải đấu này như lời HLV Graechen Guillaume là muốn vào chung kết, thì hy vọng rằng vị HLV người Pháp vẫn tính được điểm rơi cho VCK giải châu Á và vẫn còn những phương án khác cho U19 Việt Nam, thay vì có bao nhiêu phơi bày hết bấy nhiêu trước chính các đối thủ của mình.


Kim Điền

{fcomment}