Tổng giám đốc 2 nhà máy vàng nợ thuế tiếp tục kêu khó

ngày 23/11/2014

Lãnh đạo Besra Việt Nam cho biết tuy đã hoạt động trở lại nhưng nhà máy vàng Bồng Miêu mới phục hồi được 20% sản xuất. Việc xuất khẩu cũng đang bị đình trệ. 

Trao đổi với báo chí cuối tuần qua, Tổng giám đốc Tập đoàn Besra Việt Nam - Paul Seton cho biết đã đề xuất 2 phương án trả nợ với cơ quan thuế. Trước đó, hồi cuối tháng 7, Besra phải đóng cửa 2 nhà máy sản xuất quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay tại mỏ Bồng Miêu và Phước Sơn sau khi bị Cục Thuế Quảng Nam phong tỏa tài khoản ngân hàng và vô hiệu hóa đơn do nợ thuế. Hơn 2 tháng sau đó, ngày 30/9, Tập đoàn khôi phục lại sản xuất tại mỏ vàng Bồng Miêu trong thời gian chờ giải quyết các vấn đề nợ thuế. 

Bersa.jpg

Ông Paul Seton - Tổng giám đốc Besra Việt Nam thừa nhận công ty đang ở giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử đầu tư 20 năm tại Việt Nam. 

- Những rắc rồi đối với Besra thời gian qua chủ yếu do nợ thuế. Lý do dẫn đến tình cảnh này là gì thưa ông?

- Tình trạng chậm nộp thuế của Besra là điều rất rõ ràng và công ty lúc nào cũng thừa nhận nó. Tuy nhiên, sự việc này mới bắt đầu xảy ra từ năm 2013. Trước đó, Tập đoàn là một trong những đơn vị có số thuế nộp lớn thứ 2 cho tỉnh Quảng Nam. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng kinh doanh khó khăn hiện nay, trong đó 3 yếu tố chủ yếu là chi phí tăng lên, trong khi hàm lượng của mỏ quặng và giá vàng đồng loạt giảm. Có 2 trong 3 yếu tố này không thuộc tầm kiểm soát của chúng tôi. 

Cụ thể, biểu đồ giá vàng ngày 10/1/2012 vào khoảng 1.750 USD một ounce, còn 6/11/2014 là 1.140 USD, giảm khoảng 35%. Trong khi đó, chi phí trung bình để sản xuất của một ounce vàng ngày một tăng. Năm ngoái, đơn vị khai thác một mỏ vàng của Lào cũng phải đóng do chi phí sản xuất quá lớn. 

Hơn nữa, hàm lượng vàng tại Phước Sơn năm 2009 là 18,46g vàng trên một tấn quặng. Hàm lượng hiện tại là 3,43g trên một tấn. Con số đó cho thấy công ty phải khai thác 5,5 lần số quặng đã khai thác năm 2009 để có được cùng sản lượng, đồng nghĩa với việc chi phí tăng lên tương ứng. 

Ngoài ra cơn bão bão lũ năm năm 2013 ảnh hưởng rất nhiều đến Besra. Chúng tôi có hợp đồng bảo hiểm toàn bộ với trường hợp này nhưng đến nay đã hơn một năm nhưng vẫn chưa nhận được khoản bồi thường, vào khoảng 4 triệu USD. Bên cạnh đó, một số chính sách thuế liên tục thay đổi cũng khiến Besra Việt Nam đang ở giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử hơn 20 năm qua. 

- Ông có thể nói rõ hơn về khó khăn từ chính sách thuế hay không?

- Hiện nay hoạt động của Besra phải đóng hơn 18 loại phí, thuế khác nhau. Mặt khác, một số loại thuế suất khá cao so với các nước trong khu vực. Cụ thể, như thuế thu nhập doanh nghiệp của Phước Sơn là 40% lợi nhuận. 

Với thuế tài nguyên đối với nhà máy vàng Bồng Miêu thì cố định là 3%. Tuy nhiên, với Phước Sơn thì mức thuế này thay đổi theo luật. Cụ thể năm 2008, thuế tài nguyên là 6% tính trên doanh thu khấu từ các chi phí khác, đến năm 2009 mức thuế tăng lên 9%. Và đến 2010 là 15% tính thẳng lên giá trị tổng sản lượng. Đây là một mức tăng rất lớn trong thời gian ngắn và hoàn toàn không khả thi cho doanh nghiệp. 

Mỗi quốc gia có một chính sách thuế khác nhau, tôi không muốn so sánh. Tuy nhiên, nếu đưa vào cân nhắc yếu tố đầu tư thì một trong những điều quan trọng nhất là tính ổn định của chính sách. Nếu cứ chính sách liên tục thay đổi thì nhà đầu tư cũng không xoay sở kịp. 

- Hiện nay các khoản nợ của Bersa với cơ quan thuế, cơ quan bảo hiểm xã hội và nhà thầu là bao nhiêu thưa ông?

- Đến tháng 6, số nợ nhà thầu trong nước của chúng tôi vào khoảng 170 tỷ đồng. Nợ bảo hiểm xã hội hiện còn khoảng 6,5 tỷ đồng. Các khoản này đều đã giảm so với cùng kỳ năm trước đó. Về nguyên tắc thì bất kỳ doanh nghiệp nào kể cả khi đang hoạt động tốt cũng có khoản nợ, chứ không riêng gì Besra. 

Số nợ thuế tính đến cuối tháng 6 cũng vào khoảng 242 tỷ đồng, trong đó gần 80% là thuế tài nguyên. Trong các buổi làm việc với cơ quan hữu quan, chúng tôi đều thừa nhận điều này và đã có đề xuất các phương án để trả nợ. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn đang phải chờ ý kiến của Thủ tướng. 

Besra-9584-1416560183.jpg

Nhà máy vàng Bồng Miêu hoạt động trở lại từ cuối tháng 9 nhưng mới phục hồi được khoảng 20% sản xuất. Ảnh: Tiến Hùng

- Tập đoàn đã đề xuất phương án trả nợ cụ thể ra sao thưa ông?

- Phương án thứ nhất là Besra được gian hạn nộp thuế không quá 2 năm, đồng thời không bị phạt chậm nộp tính trên số tiền thuế nợ trong thời gian gia hạn. Doanh nghiệp xin xóa và miễn toàn bộ số tiền phạt chậm trả đã phát sinh trong thời gian qua theo chủ trương hiện hành của Bộ Tài chính dành cho các doanh nghiệp đang đặc biệt khó khăn. Trong thời gian gia hạn, Bersa sẽ nộp đầy đủ số thuế được gia hạn và khoản phát sinh. 

Phương án 2 là Tập đoàn sẽ nộp dần số tiền thuế nợ theo tình hình thực tế của doanh nghiệp trong vòng 2 năm, không bị phạt chậm nộp. Doanh nghiệp cũng xin được xóa và miễn toàn bộ số tiền phạt chậm trả phát sinh trong thời gian qua. 

- Còn về kế hoạch trả nợ cho doanh nghiệp đối tác, nhà thầu, nhà cung cấp ra sao?

- Đa số đối tác đều làm ăn lâu năm nên chúng tôi đã đạt được thỏa thuận kéo dài nợ đến 36 tháng. Họ sẵn sàng hỗ trợ Besra trong bối cảnh hiện tại. 

- Hiện hoạt động của doanh nghiệp hiện phục hồi đến đâu rồi, thưa ông?

- Trước khi đóng cửa thì Bồng Miêu có hơn 500 lao động nhưng hiện mới có khoảng 100 người quay lại làm việc. Phải mất khoảng 6 tháng mới phục hồi được mức như ban đầu vì hầm mỏ đang bị ngập. 

Ở Phước Sơn thì trước khi đóng cửa khoảng hơn 1.000 lao động nhưng hiện nay có khoảng 10 người làm công việc bảo trì. Chúng tôi rất muốn phục hồi sản xuất để có tiền trả các khoản nợ, đảm bảo chế độ cho người lao động nhưng vẫn chờ quyết định từ Chính phủ về việc gỡ bỏ cưỡng chế thuế. Ở góc nhìn kinh tế, nếu không hoạt động thì hoàn toàn không có doanh thu để trả nợ được.

- Sau khi hoạt động trở lại, điều gì là khó khăn nhất đối với doanh nghiệp? 

- Cái khó khăn nhất trong giai đoạn này là việc hồi phục sản xuất, giống như bệnh nhân mới ốm dậy phải mất thời gian sức khỏe mới dần tốt lên.

Ngày 4/11, Bồng Miêu đã cho ra thành phẩm trở lại nhưng chưa được xuất khẩu. Trong giấy phép đầu tư thì Bersa được quyền xuất khẩu sang nước ngoài. Tuy nhiên, từ khi ngừng hoạt động đến nay chúng tôi đã xin giấy phép nhiều lần nhưng chưa nhận được phản hồi từ cơ quan quản lý.

- Nếu như các đề xuất trả nợ không được chấp nhận thì Tập đoàn có tính đến phương án khác như bán dự án hay làm thủ tục phá sản? 

- Chúng tôi khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư tại Việt Nam. Và với những vấn đề liên quan đến nợ thuế, Bersa sẽ tích cực làm việc với cơ quan quản lý để đạt được một trong 2 phương án trả nợ nhằm ổn định sản xuất. 

Như tôi đã giải thích việc ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của chúng tôi thời gian qua là hàm lượng vàng giảm. Tuy nhiên, đặc thù của ngành khai thác là vỉa quặng có hàm lượng thấp hoàn toàn nằm trong biểu đồ đã được dự đoán. Nếu khai thác tích cực thì giai đoạn hàm lượng thấp qua sẽ nhanh hơn, phục hồi được sản xuất và việc trả nợ sẽ thuận lợi. 

Theo Vnexpress

{fcomment}