Số hóa di sản: Hồi sinh những di tích văn hóa

ngày 20/07/2017

 Đứng trước những biến đổi của địa lý, khí hậu, những biến dạng của môi trường sống, ý thức cộng đồng... các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu văn hóa đang tìm tòi những hình thức bảo tồn di sản. 

Số hóa di sản: Hồi sinh những di tích văn hóa

Giờ đây, công nghệ 3D hứa hẹn sẽ trở thành công cụ quảng bá hình ảnh, đất nước, văn hóa của Việt Nam đến với thế giới, mở ra một hướng đi mới trong công tác bảo tồn di sản vốn đang rất bộn bề.

Hướng đi mới

Mới đây, Nhà hát Lớn Hà Nội và Viện Quốc tế Pháp ngữ phối hợp ra mắt và bàn giao công trình tham quan ảo Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây có thể coi là sự hồi sinh cho một công trình huyền thoại của Hà Nội, một sản phẩm hiệu quả cả về công nghệ lẫn văn hóa, sản phẩm đặc trưng của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, cho phép đông đảo du khách quan tâm trên khắp thế giới chiêm ngưỡng.

Trải nghiệm chuyến tham quan ảo Nhà hát Lớn Hà Nội, du khách cũng sẽ biết đến những bước thăng trầm của đất nước, sự vận động của xã hội và tâm thức con người Việt Nam.

Theo chương trình, mỗi chuyến tham quan ảo Nhà hát Lớn Hà Nội kéo dài khoảng 15 phút, được để ở chế độ tự động với các cảnh quay độc đáo sẽ thực sự là một bữa tiệc thị giác cho du khách. Các tư liệu đã được số hóa để người xem có thể tự mở cửa phòng, đi xem từng chi tiết, hoa văn kiến trúc của công trình. Có tới 18 điểm nhìn khác nhau để quan sát Nhà hát lớn. Cũng có cả công nghệ 3D, 360 độ… để khán giả có thể xem rõ trần, sàn, tường của từng căn phòng.

Viện trưởng Ngô Tự Lập, Viện Quốc tế Pháp ngữ cho biết: “Nét độc đáo của dự án số hóa này là tính tích hợp giữa công nghệ và văn hóa. Dự án sử dụng công cụ, giải pháp công nghệ tiên tiến nhất trong đó có đưa vào các giá trị văn hóa, dựa trên kết quả nhiều khảo sát công phu do các chuyên gia, nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam, quốc tế thực hiện. Công trình có thể được dùng để bảo tồn, khai thác và quảng bá cho Nhà hát Lớn Hà Nội, giảng dạy cho các sinh viên kiến trúc, âm nhạc, sân khấu, nghệ thuật... Đây cũng có thể là món quà tặng đặc biệt cho những người yêu Hà Nội, yêu văn hóa và trân trọng mối quan hệ truyền thống Việt Nam - Pháp...”.

Thay đổi cách tiếp cận của công chúng

Vấn đề lưu giữ, bảo tồn di tích trong thời đại kỹ thuật số được coi là nhiệm vụ quan trọng đối với các cơ quan quản lý văn hóa. Từ đầu năm 2010, Trung tâm CNTT (Bộ VH,TT&DL) cũng đã triển khai dự án ứng dụng công nghệ để bảo tồn các giá trị di tích, hay còn gọi là dự án số hóa không gian di tích, với mục đích ứng dụng công nghệ để hiển thị các di sản văn hóa trong không gian ảo. Đây chính là cách để đưa người trong thế giới hiện đại về với lịch sử hàng nghìn năm trước.

Từ năm 2012, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã số hóa và xây dựng bảo tàng ảo 3D cho một số hiện vật. Nhờ việc áp dụng này công chúng có cảm giác như được trải nghiệm, tương tác với hiện vật.

Gần đây, tại Đà Nẵng, trung tâm CVS của Đại học Duy Tân Đà Nẵng (DTU) đã phối hợp cùng công ty VNi thực hiện 3D scanning Phố cổ Hội An - Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới. Các điểm di tích chính trong di sản Hội an được số hoá 3D với Công nghệ thực tại ảo (Virtual Reality) và 360 Virtual tour. Tới lúc này, các công trình đã có thể tiếp cận đến người dân ở bất kỳ nơi nào. Thay vì phải tới tận nơi thì các nhà quản lý đã có thể khảo sát từ xa, du khách đã có thể thăm quan bất kỳ lúc nào trước khi đặt chân tới thực địa.

Theo GS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa, trong thời buổi công nghệ thông tin, biện pháp số hóa di sản, di tích ở thể khối bằng công nghệ 3D giúp các nhà khoa học có cái nhìn tổng quát về di sản để tiến hành các thử nghiệm, can thiệp chính xác trong quá trình phục dựng.

Số hóa phục dựng di sản bằng công nghệ 3D nhằm tái hiện lại những sự kiện mang tính lịch sử không được lưu giữ hoặc bị mất do các yếu tố khách quan nhằm quảng bá giới thiệu và lưu truyền cho thế hệ hiểu nguồn gốc của lịch sử nước nhà. Đây cũng chính là cách thay đổi hướng tiếp cận những di tích, di sản trong thời đại kỹ thuật số.

Nguồn GDTĐ