Quốc hội chốt chỉ tiêu tăng GDP năm 2016 khoảng 6,7%

ngày 10/11/2015

Sáng 10/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 với tỷ lệ tán thành trên 90%.

Nghị quyết đưa ra các chỉ tiêu chủ yếu, gồm:Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; Tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng dưới 5%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31% GDP;Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,3-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%...

Để đạt được các mục tiêu này, Quốc hội đồng tình với 9 giải pháp Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình và các cơ quan của Quốc hội kiến nghị. Trong đó có giải pháp điều hành linh hoạt, hiệu quả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác để đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội thông qua. Điều hành lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng phù hợp, xử lý nợ xấu có hiệu quả.

Quốc hội chốt chỉ tiêu tăng GDP năm 2016 khoảng 6,7% - 1

Quốc hội thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 với tỷ lệ tán thành trên 90%.

Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn theo Nghị quyết của Quốc hội, nâng cao hiệu quả sử dụng, tăng cường kiểm tra, giám sát việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ, nhất là các khoản vay mới, vay có bảo lãnh của Chính phủ, tiếp tục cơ cấu lại các khoản vay theo hướng tăng tỷ trọng vay trung, dài hạn với lãi suất phù hợp. Tiếp tục cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa chi đầu tư, chi thường xuyên và chi trả nợ, theo hướng chi đầu tư tăng nhanh hơn...

Xây dựng khung pháp lý bảo đảm thực hiện việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung từ năm 2016, áp dụng đối với các tài sản có số lượng mua sắm nhiều, giá trị mua sắm lớn, được sử dụng phổ biến ở nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tiếp tục thực hiện hiện đại hóa công tác quản lý tài sản công và nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước, bảo đảm từng bước cơ sở dữ liệu quốc gia có đầy đủ thông tin về tài sản công.

Quốc hội cũng đồng tình với giải pháp bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy khu vực kinh tế trong nước phát triển, thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường.

Đồng thời, Chính phủ cần tập trung phát triển đồng bộ và nâng cao hiệu quả hoạt động các loại thị trường, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch. Thực hiện cơ chế thị trường, sớm tách dịch vụ công có khả năng sinh lời ra khỏi các cơ quan quản lý trực tiếp của cơ quan quản lý nhà nước và đẩy mạnh xã hội hóa việc cung cấp dịch vụ công, đổi mới hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả việc sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nhất là các công ty nông, lâm nghiệp…

Đề nghị lập Ủy ban giám sát đặc biệt tái cơ cấu ngân hàng

Báo cáo tiếp thu giải trình dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, có ý kiến đề nghị tính toán, cân nhắc tính khả thi trong việc đề ra mức tăng trưởng 6,7% vào năm 2016. Về việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, năm 2012, GDP tăng 5,25%; năm 2013: GDP tăng 5,42%; năm 2014: GDP tăng 5,98%; năm 2015 GDP dự kiến tăng trên 6,5% cho thấy xu hướng tốc độ tăng trưởng GDP tăng dần. Đồng thời, căn cứ vào dự báo tình hình quốc tế, trong nước và cân đối các nguồn lực thì việc đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2016 khoảng 6,7% là khả thi.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị Quốc hội thành lập Ủy ban giám sát đặc biệt đối với việc tái cơ cấu ngân hàng, trong đó có việc xử lý các ngân hàng yếu kém và việc Ngân hàng Nhà nước mua lại các ngân hàng thua lỗ với giá 0 đồng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 10, kết quả tái cơ cấu các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém trong đó có việc mua lại 3 ngân hàng với giá 0 đồng. Ông Giàu cho biết, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Nghị quyết: “Tăng cường công tác giám sát việc chuyển đổi sở hữu và quản lý các tổ chức tín dụng yếu kém; thường xuyên thanh tra, giám sát, xử lý kịp thời, nghiêm minh theo pháp luật đối với các sai phạm; bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng thương mại” và giao nhiệm vụ cho các cơ quan của Quốc hội tăng cường giám sát việc thực hiện tái cơ cấu và xử lý các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém.

Cũng có ý kiến đề nghị rà soát, xóa bỏ sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, bộ máy nhà nước, thực hiện tinh giản biên chế nhằm giảm chi thường xuyên; có ý kiến đề nghị bổ sung giải pháp thứ 10 về tập trung tinh giảm biên chế, nâng cao năng lực hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để đạt hiệu quả thiết thực, Chính phủ cần nghiên cứu cơ chế tài chính theo hướng cho phép cơ quan, đơn vị được để lại một phần kinh phí tiết kiệm nhằm tăng thu nhập cho cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị mình để thúc đẩy tăng năng suất lao động, hiệu quả, kỷ cương, kỷ luật công vụ.

Nguồn 24h