Ông Đinh Xuân Thảo: Có đại biểu phát biểu như...đùa

ngày 03/11/2014

"...cũng có một số đại biểu nói như đùa. Nhưng nếu đã phát biểu tại tổ, hay hội trường thì cũng phải cân nhắc, thận trọng, chứ không phải suồng sã, hay xúc phạm người khác", Viện trưởng Đinh Xuân Thảo.

Đại biểu Quốc hội Đinh Xuân Thảo – Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Quốc hội chia sẻ xoay quanh câu chuyện phát ngôn của đại biểu tại nghị trường.

- Thời gian gần đây xuất hiện tình trạng các đơn vị bị đại biểu chỉ ra tiêu cực đã có những phản ứng khá gay gắt. Theo ông những trường hợp thế có thường xuyên xuất hiện tại các kỳ họp Quốc hội?

Trong 2 nhiệm kỳ qua cũng có những ý kiến không phù hợp lắm nhưng cũng không ai đưa ra để kiểm điểm cả. Ở nhiệm kỳ trước, liên quan đến phát biểu của đại biểu Lê Văn Cuông, đoàn Thanh Hóa về một doanh nghiệp ở Hà Giang, tại phiên họp rút kinh nghiệm kỳ họp sau đó cũng có người nêu ra, đề nghị xem xét và rút kinh nghiệm.

Nhưng sau đó nhiều ý kiến cho rằng, điều ông Cuông nêu ra được phản ánh theo dư luận cử tri. Rồi cuối cùng thì người ta thấy ông ấy đã nói đúng.
Đại biểu Quốc hội Đinh Xuân Thảo – Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Quốc hội

Những chuyện như thế thường là chuyện ở địa phương, đại biểu của tỉnh này nhưng lại phát biểu về vấn đề của tỉnh khác. Nói chung trong Quốc hội chúng ta đều muốn nghe thông tin đa chiều. Người ta muốn nêu cho được cái mặt mạnh hay tích cực của ngành mình, nhưng cũng phải có ý kiến nêu ra những tồn tại, bất cập chứ. Có thể người này khen, cũng có người kia chê là chuyện bình thường.

- Các đại biểu khi lý giải về những vấn đề nêu ra thường đưa ra quan điểm là phát biểu trên cơ sở phản ánh ý kiến của cử tri. Phải chăng thật khó để phân biệt đại biểu nói tiếng nói của cử tri hay đó chỉ là quan điểm cá nhân?

Cái đó đúng là khó, nhưng người ta cũng có thể biết được. Khi đại biểu nêu ra một vấn đề gì thì họ phải có bằng chứng, nguồn gốc xuất xứ câu chuyện, nên người ta sẽ biết. Nhưng nói chung đối với Quốc hội, theo tôi không nên lợi dụng địa vị của mình để phát ngôn những điều không mang lại lợi ích chung cho cử tri, nhân dân hay nhà nước, để nó gây mâu thuẫn giữa cá nhân này kia, bộ phận này bộ phận kia…

- Theo ông phát biểu của đại biểu Đỗ Văn Đương về việc “luật sư Việt Nam chỉ bào chữa cho người có tiền” có xúc phạm giới luật sư đến mức người ta phải làm cả một cái văn bản đề nghị xem xét tư cách và trách nhiệm đại biểu không?

Thực ra khi phát biểu cũng có một số đại biểu nói như đùa. Nhưng nếu đã phát biểu tại tổ, hay hội trường thì cũng phải cân nhắc, thận trọng, chứ không phải suồng sã, hay xúc phạm người khác. Đại biểu có quyền như thế nhưng nếu phát biểu xúc phạm người ta thì họ cũng có quyền lên tiếng.

Tôi ví dụ một lần tôi phát biểu tại đoàn Hà Nội, khi thảo luận về luật thi đua khen thưởng. Lúc đó tôi có nói sửa làm sao cho thực chất, chặt chẽ, tránh năm nay khen phong anh hùng nhưng năm sau đã bị kỷ luật, truy tố.

Sau đó Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã chỉ đạo một thứ trưởng Bộ Nội vụ đến tận nơi, hỏi tôi xem phát biểu có căn cứ không. Lúc đó tôi đã kê ra hết với khoảng chục trường hợp, trong đó có trường hợp của nguyên Bí thư tỉnh tủy Thừa Thiên Huế.

Kể cả có được quyền miễn trừ, nhưng nếu phát biểu không đúng, xúc phạm đến ai đó, người ta vẫn có quyền (phản ứng - PV). Bản thân đại biểu cũng phải xem lại, nếu thấy phát biểu của mình đúng thì mình khẳng định, còn nếu thấy sai thì phải xin lỗi người ta.

- Vậy quyền miễn trừ truy cứu trách nhiệm đại biểu khi phát ngôn được quy định ở đâu thưa ông?

Ở các nước điều đó được quy định trong Hiến pháp. Chúng ta lúc sửa Hiến pháp cũng tính đến chuyện này, dự thảo đầu tiên đưa vào nhưng sau đó lại thôi. Quyền này giờ chỉ có trong Quy chế hoạt động của Quốc hội.

Nhưng quyền không chịu trách nhiệm về phát biểu của đại biểu chỉ ở tại phiên họp, chứ không phải ở ngoài đường, hay bên ngoài hành lang thế này có lẽ cũng không được coi là ở trong phiên họp. Các phát biểu bên ngoài thì đại biểu vẫn phải chịu trách nhiệm như người bình thường.

- Cụ thể trong trường hợp này, Liên đoàn Luật sư gửi văn bản, nhưng đại biểu Đương trước sau vẫn giữ vững và bảo vệ quan điểm với phát ngôn của mình trước đó thì sẽ xử lý thế nào?

Nếu đại biểu khẳng định điều mình nói như thế là đúng và không thay đổi quan điểm thì Ban công tác đại biểu – đơn vị giúp việc cho Quốc hội, cho Đảng đoàn lãnh đạo Quốc hội về quản lý đại biểu sẽ xem xét, trả lời văn bản của Liên đoàn luật sư.

- Xin cảm ơn ông!

Theo VTC News

{fcomment}