Nợ giáng xuống đầu!

ngày 15/09/2013

Khi vị chủ tọa phiên tòa tuyên đồng ý yêu cầu ly hôn, nuôi dưỡng hai con, chị Trang sở hữu một căn nhà, anh Phan sở hữu phần tài sản còn lại và phải trả số nợ 130 lượng vàng, chị Trang như người vừa thoát nợ.

Thế nhưng, chỉ 10 ngày sau, chị Trang nhận được quyết định sơ thẩm của tòa án huyện, đóng dấu: “Án chưa có hiệu lực pháp luật” và “kháng án” của chồng cũ. Chị lên tòa tìm hiểu mới biết anh Phan yêu cầu chị phải “chia đôi” số nợ 130 cây vàng và anh được quyền trực tiếp nuôi hai con gái!

Nợ chồng nợ chéo

Bốn năm trước, theo quyết định của phiên tòa sơ thẩm, chị Thu được chia một tỷ hai trăm triệu đồng trong khối tài sản chung lên đến hơn năm tỷ đồng với anh Minh, chồng chị. Mới đây, chị Thu lại được triệu tập với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan ở phiên tòa do ngân hàng khiếu kiện anh Minh. Hóa ra, sau khi ly hôn, anh Minh cầm cố nhà xưởng, vay ngân hàng đến bốn tỷ đồng. Ba năm làm ăn thua lỗ, lãi mẹ đẻ lãi con, anh mất khả năng chi trả bị ngân hàng khởi kiện. Chị Thu nghẹn ngào: “Vợ chồng gần 20 năm tay trắng gầy dựng cơ ngơi. Khi mâu thuẫn dẫn đến ly hôn, tôi nghĩ mình sẽ đủ sức nuôi con vì tài sản chung của vợ chồng khá lớn, nên tôi ôm con ra đi với hai bàn tay trắng, chờ thi hành án (THA). Nào ngờ, ba năm THA vẫn không xong vì chồng cũ tìm mọi cách thoái thác, cơ quan THA cũng quá chậm chạp khi ra quyết định. Đến giờ này, tôi cũng chưa nhận được một đồng nào sau cuộc ly hôn”. Về lý, chị Thu không phải chịu khoản nợ với ngân hàng, nhưng do anh Minh chỉ có nguồn tài sản là hai căn nhà gắn liền với xưởng sản xuất trị giá hơn năm tỷ đồng kể trên nên chị vướng vào vụ án của người chồng cũ để được thanh toán tiền THA tài sản chung. Kết quả là cho đến hiện tại (tháng 9/2013) chị Thu chỉ nhận được một lời tuyên, ngân hàng sẽ thanh toán lại cho chị 340 triệu đồng, nhưng chẳng biết đến bao giờ mới có tiền.

Đã chính thức ly hôn từ năm 2006, nhưng sau một thời gian, Giang - vợ cũ của anh Nguyễn (Q.Tân Bình) trở về xin tha thứ. Nghĩ đến hai đứa con bơ vơ khi vắng mẹ, Nguyễn đồng ý. Chung sống lại, thấy vợ hết lê la ngồi quán như dạo trước mà chăm chỉ lo cơm nước cho cả ba cha con, nên Nguyễn không cảnh giác. Lợi dụng niềm tin và sự sơ hở của Nguyễn, Giang lấy cắp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà mang vay xã hội đen 200 triệu để ăn chơi, cung phụng cho người tình trẻ của mình mà Nguyễn không hề hay biết.

Mãi tới khi bị gần chục người lạ mặt tới nhà trấn áp, đòi tiền, anh Nguyễn lục tung tìm giấy tờ nhà mới thấy lá thư Giang để lại: “Xin lỗi, anh đã được căn nhà, tôi không có tài sản gì, nên anh vui lòng trả số nợ này giúp tôi. Giấy chứng nhận quyền sở hữu bà Tim đang cầm”. Số tiền vay ban đầu chỉ hơn 200 triệu, nhưng lãi suất đã đẩy số nợ lên tới hơn nửa tỷ đồng. Chỉ là một công chức nghèo, Nguyễn không đủ tiền trả nợ, bị bà Tim kiện ra tòa. Suốt hai năm trời Nguyễn nghe nhiều người chỉ dẫn là phải chứng minh đã ly hôn, hoặc Giang mất tích để anh khỏi liên quan đến vụ kiện… Nhưng cuối cùng, đầu năm 2013, tòa án vẫn đưa vụ việc ra xét xử, vì yêu cầu khởi kiện của bà Tim đầy đủ tính pháp lý về mặt tố tụng. Giờ ba cha con anh Nguyễn phải đi ở nhà thuê.

 

Thoát nợ không dễ

Thạc sĩ Hoàng Kim Chiến, Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư pháp cho biết: “Dù muốn hay không thì rất nhiều người vẫn phải đối mặt với thực tế là những giao dịch dân sự do vợ hoặc chồng thực hiện riêng, dẫn đến và làm phát sinh các khoản nợ. Trong trường hợp giao dịch dân sự, dù do một bên thực hiện riêng nhưng người thực hiện giao dịch là vợ hoặc chồng chứng minh được mục đích là nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình thì người còn lại phải chịu trách nhiệm liên đới, đồng nghĩa với việc nợ sẽ được trả bằng tài sản chung; ngược lại, thì vợ, chồng mới phải thanh toán nợ bằng tài sản riêng của mình. Nếu người vợ hoặc chồng đã trả nợ bằng tài sản riêng mà vẫn không đủ thì có thể trả bằng phần tài sản của mình trong khối tài sản chung vợ chồng, không xâm phạm vào phần tài sản riêng của bên kia. Lưu ý, việc vợ chồng tự thỏa thuận về tài sản là cần thiết, nhưng phải bao gồm cả các văn bản thỏa thuận cùng các loại giấy tờ sở hữu liên quan tới tài sản đó được chứng thực, công nhận một cách minh bạch, rõ ràng để tránh hệ lụy thỏa thuận thì cứ thỏa thuận nhưng giấy tờ sở hữu tài sản đã nằm trong tay bên thứ ba từ bao giờ”.

Quan niệm của nhiều người khi kết hôn là tài sản quy về một mối, tất cả những gì riêng tư được xem là của chung. Vì vậy, khi một trong hai người trở mặt, người còn lại thường trở tay không kịp, do đối phương đã có sự chuẩn bị từ trước, lặng lẽ thu vén, hay “hô biến” hết tài sản, khiến người còn lại mất cả hạnh phúc lẫn tài sản.

Theo Nghi Anh

PNO

{fcomment}