Nhìn cơ bắp của Văn Hậu, lại đau cho 'tài năng tầm cỡ thế giới' của bầu Đức

ngày 01/09/2020

1. Hôm qua, khi chia sẻ về Văn Hậu, tiền vệ Đức Huy nói khá nhiều đến mớ "cơ bắp" trên người cậu đàn em thân thiết.

"Cái tôi thấy là sau khi từ châu Âu về thì thể hình Văn Hậu cải thiện rất nhiều. Cách ăn và khẩu phần ăn cũng khác trước. Tôi thấy mang hơi hướng châu Âu hơn. Tôi thấy Văn Hậu ăn ít tinh bột, nhiều thức ăn giàu protein. Bữa sáng ăn rất nhiều. Tôi nghĩ Hậu phải tăng gần chục cân vì trước đây thể hình cậu ấy khá mảnh khảnh, còn giờ cơ bắp nhiều.

Văn Hậu giờ thể hình khác biệt, cách thi đấu cũng vậy khi giàu sức mạnh hơn trước. Cậu ấy đầm thêm đâm ra mình cũng hơi rén, hơi ngại va chạm vì trông như thế cơ mà".

Văn Hậu vốn đã mạnh mẽ thì nay còn khủng khiếp hơn với mớ cơ bắp đồ sộ trên người.

Ngược về năm 2016, cũng đề cập tới một cầu thủ tên Hậu, HLV Hoàng Anh Tuấn chia sẻ đầy tiếc nuối:

"Có một điều cần phải lưu ý là Phan Thanh Hậu mới chỉ có một nửa tố chất cầu thủ. Cậu ấy có tư duy, kỹ thuật. Nhưng thể lực luôn là vấn đề của Hậu và khiến em rất khó để thi đấu đỉnh cao. Chúng ta nhìn nhận vấn đề ở diện rộng hơn, bóng đá hiện đại không nằm ở kỹ thuật mà nó còn nằm ở nền tảng thể lực".

Phan Thanh Hậu quá mỏng manh để thi đấu chuyên nghiệp (Ảnh: Hoàng Triều).

Phan Thanh Hậu - Đoàn Văn Hậu đều là những cầu thủ trẻ có "bóng" rất sáng của Việt Nam. Nhưng theo thời gian, 2 cầu thủ này rẽ những hướng khác nhau.

Văn Hậu không quá kỹ thuật nhưng nhìn chung là toàn diện, từ khả năng dẫn, chuyền tới sút bóng. Ngoài ra, Hậu còn có lợi thế nổi bật là thể hình 1m85 cùng sức mạnh rất ấn tượng. Tuy nhiên, khi sang Hà Lan, nền bóng đá có chất lượng đào tạo trẻ hàng đầu châu Âu, Hậu vẫn được nhồi thêm vấn đề rèn luyện sức mạnh, thể lực, bằng việc được khuyến cáo tăng cân và tập nặng.

Bây giờ, Văn Hậu không thể trụ lại Hà Lan mà phải về nước, nhưng người ta thấy nhiều điểm tiến bộ ở cầu thủ này, để làm nền móng phát triển cho tương lai. Trong những sự tiến bộ của Văn Hậu, khía cạnh thể hình, sức mạnh là dễ nhận ra và được đánh giá rất cao.

Phan Thanh Hậu thậm chí hơn Đoàn Văn Hậu 2 tuổi. Nhưng sự nghiệp cầu thủ này so với hồi năm 2014 từng được tờ báo danh tiếng nước Anh, Guardian chọn vào top 40 tài năng nhiều triển vọng nhất thế giới, lại ngày càng ảm đạm.

Lý do chính yếu dẫn tới việc Phan Thanh Hậu từ "tài năng tầm cỡ thế giới" của bầu Đức thành người thừa tại HAGL cũng vì thể lực. Đúng như lời ông Hoàng Anh Tuấn nhận xét, Thanh Hậu không có được ngoại hình tốt như Văn Hậu, nhưng đáng tiếc lại không rèn luyện được sức mạnh, thể lực hùng hậu để bù đắp lại. Thay vào đó, người ta thấy một tiền vệ vừa thấp, vừa nhỏ lại kém sức bền. Mẫu cầu thủ như thế, ít HLV nào dám trọng dụng.

Phan Như Thuật (đi bóng) không bao giờ vươn tới đỉnh cao nhất vì vấn đề thể lực, sức mạnh.

Trong quá khứ, bóng đá Việt Nam từng có một Phan Như Thuật tương tự Văn Hậu. Anh tài hoa, kiến thiết bóng cực tốt nhưng nhỏ bé và yếu ớt. Trong mắt HLV Nguyễn Thành Vinh, ông vừa yêu vừa tiếc cho Phan Như Thuật.

"Như Thuật đá ở CLB thì tốt nhưng lên ĐTQG trình độ thể lực không đáp ứng. Quốc Vượng thực ra có trình độ kỹ thuật sau Như Thuật nhưng thể lực thì quá tốt, chuyền bóng cũng tốt, chỉ không bằng Như Thuật thôi. Quốc Vượng lên đội tuyển và từng thi đấu ở U23 Việt Nam rất hay".

Thời Như Thuật đá ở SLNA dưới tay HLV Nguyễn Thành Vinh, ông Vinh từng phải bố trí đến 3 tiền vệ đỡ hộ Như Thuật khoản tranh chấp, hòng giúp tiền vệ này rảnh chân giữ bóng, kiến tạo. Nhưng trong bóng đá hiện đại, điều ấy thật khó xảy ra.

2. Phan Thanh Hậu hay Như Thuật là những trường hợp cá biệt, không đủ sức thi đấu trọn vẹn một trận bóng đá quyết liệt. Đoàn Văn Hậu cũng là một trường hợp cá biệt, khi sở hữu thể hình và cơ địa rất khỏe để Heerenveen quyết định cho cầu thủ này phát triển thiên về khuynh hướng sức mạnh.

Nhưng nhìn chung mặt bằng cầu thủ Việt Nam thì sao? Cách đây chưa lâu, HLV Park Hang-seo có nói về vấn đề này.

"Một vấn đề nữa là thể lực. Mọi người đều biết cầu thủ cần chạy được tối thiểu hơn 10km mỗi trận, nhưng ở ĐT Việt Nam giờ chỉ có 1, 2 người làm được, còn đa số ở mức 9km. Đó là điều cần cải thiện. Ngoài ra, khả năng bứt tốc, chạy liên tục cũng là điều quan trọng vì nó ảnh hưởng đến khả năng chạy chỗ, di chuyển không bóng nữa".

Cầu thủ Bayern Goretzka mới đây đã gây sốt làng bóng khi cải thiện thể hình cực kì đáng kể chỉ sau 2 tháng nghỉ thi đấu vì Covid-19. Anh cũng vừa cùng Hùm xám vô địch Champions League.

Nói về vấn đề tăng cường thể hình, hậu vệ Roman Neustadter - đồng đội cũ của Goretzka cho biết từng phải từ bỏ vì thấy ban đầu ảnh hưởng đến khả năng di chuyển trên sân.

Nhưng sau cùng, anh vẫn xin giáo án tập thể lực, sức mạnh của Goretzka để học theo.

"Sau khi nhìn thấy sự phát triển cơ bắp của Goretzka, tôi đã viết thư cho cậu ấy để xin giáo án tập luyện...

Bạn không thể có khối lượng cơ như vậy nếu chỉ hô khẩu hiệu quyết tâm thay vì luyện tập chăm chỉ" - Neustadter nói.

Từ khi đến Việt Nam cuối năm 2017 tới nay, HLV Park Hang-seo tạo được nhiều dấu ấn đột phá. Một trong các dấu ấn ấy là tăng cường sức bền cho cầu thủ trên ĐTQG. Ấy vậy mà những cậu học trò cưng trên tuyển vẫn bị ông Park đánh giá chưa thật sự đạt chuẩn. Vậy thì mặt bằng V.League ở đâu so với chuẩn 10km của thầy Park?

Câu chuyện thể lực, sức mạnh của bóng đá Việt Nam chẳng phải chờ ông Park nói mới biết. Từ 10, 20 năm trước đã có những HLV ngoại đến và yêu cầu cải tổ mạnh mẽ khía cạnh này. Nhưng nói thì dễ hơn làm. Và khi các vị HLV đó không thành công về mặt kết quả thi đấu, chuyện cải thiện thể lực, sức mạnh cũng bị... cho qua.

Là vị HLV cầm quân nhiều năm tại V.League, HLV Lê Thụy Hải cũng phải thừa nhận chuyện cải thiện thể lực, sức mạnh rất khó vì có nhiều sức cản:

"Với tiêu chuẩn bóng đá thế giới, cầu thủ đương nhiên phải chạy được trên 10 km mỗi trận (nếu cần). Tuy nhiên ở Việt Nam, hiện tại đa phần các cầu thủ chỉ chạy được khoảng 9 km thôi. Nếu ông Park có thể tăng lên 10 km thì rất tốt, nhưng cũng rất khó.

Nếu ông ấy có thể tập trung ĐTQG dài ngày thì tôi nghĩ sẽ làm được, nhưng thực tế đâu được như vậy. Cầu thủ vẫn chủ yếu ở CLB, lên tập trung chẳng được mấy. Vì thế chuyện tăng khả năng chạy bền, nhanh, mạnh, tì đè... của cầu thủ chủ yếu vẫn là tại CLB.

Tăng cường thể lực, sức mạnh của cầu thủ Việt Nam cũng là điều HLV Park Hang-seo tập trung chú ý thời gian qua.

CLB cần phải hỗ trợ ông Park (cũng như ngược lại ông Park cần hỗ trợ CLB) thì mới mong thành công. Nhưng nó vẫn là vấn đề rất phức tạp. Ví dụ như vừa rồi ở Hà Nội có vị HLV thể lực nước ngoài đưa ra kế hoạch rèn thể lực, nhưng lại bị gạt đi.

Chuyện tập nặng để tăng thể lực, sức mạnh không mới ở Việt Nam, nhưng rất khó làm và nhiều lần bị dừng giữa chừng. Đầu tiên để làm được điều đó, cần phải xem chế độ ăn uống ra sao, sinh hoạt thế nào, thái độ của cầu thủ thế nào, rồi mới nói chuyện tập luyện.

Mà tập nặng để tăng thể lực, sức mạnh thì tốt về sau, nhưng ban đầu có thể tạo ra những điều chưa tốt, ví dụ như cầu thủ bị nặng nề, thi đấu không đạt phong độ cao. Rồi tâm lý cầu thủ cũng có thể bị chán nản. Thế nên nhiều khi việc tập nặng được áp dụng nhưng lại bị bỏ qua.

Về vấn đề này, tính chuyên nghiệp của cầu thủ là rất quan trọng. Nhìn nhiều cầu thủ Việt về nhà khoe đồ ăn, trông thì rất ngon nhưng không đủ chất, làm sao mà tăng thể lực được.

Hãy nhìn sang cầu thủ nước ngoài, vì dụ như Ronaldo. Họ ăn rất nhiều, món ăn trùng lặp không hẳn đã ngon nhưng phải ăn. Đã là cầu thủ chuyên nghiệp thì phải sinh hoạt chuyên nghiệp. Phải ăn, phải tập. Nếu anh không "phải" được thì nên nghỉ vì không còn là chuẩn chuyên nghiệp nữa".

Thật tò mò và chờ đợi Văn Hậu ra sân thi đấu tại V.League. Để xem mớ cơ bắp mới có của Văn Hậu sẽ phát huy tác dụng ra sao. Chẳng mong cầu thủ nào cũng lực lưỡng như hậu vệ Hà Nội FC nhưng chí ít hãy đạt chuẩn 10km của thầy Park và đừng vấp phải nỗi đau của "viên ngọc" trên tay bầu Đức.


Nguồn: Báo Dân Sinh