Ngân hàng nào yếu kém nên cho phá sản!

ngày 29/10/2014

“Chúng ta phải có những ngân hàng chủ lực, đảm bảo cho sự phát triển. Nhưng đối với những anh kém cỏi, không nên để thì nên cho phá sản".

ĐBQH Đinh Xuân Thảo – Viện trưởng viện nghiên cứu lập pháp trao đổi với Infonet bên lề kỳ họp Quốc hội.

Nhiều vụ việc trong lĩnh vực ngân hàng (NH) đã bị đưa ra ánh sáng vừa qua gây chấn động dư luận. Ông đánh giá thế nào về tình hình này?

Tội phạm kinh tế đúng là một lĩnh vực khá nghiêm trọng. Trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, rồi khâu quản lý còn kẽ hở khiến tội phạm kinh tế diễn ra khá phức tạp.

Đây là lĩnh vực cơ quan điều tra cũng hết sức quan tâm chú ý, thậm chí còn có một cơ quan chuyên điều tra về loại hình tội phạm kinh tế, và được làm khá tốt khi phát hiện ra nhiều vụ án kinh tế rất nghiêm trọng.

Lần này việc sửa đổi một số luật sẽ góp phần đảm bảo chặt chẽ hơn, ví dụ như cho vay tiền, vay vốn, ngoài có bảo lãnh nhưng anh vẫn phải kiểm soát được đồng tiền.

Ngân hàng nào yếu kém nên cho phá sản! - 1

ĐBQH Đinh Xuân Thảo – Viện trưởng viện nghiên cứu lập pháp (Ảnh ND)

Trong tập thể 100 người thì chỉ một vài người xấu, nhưng nếu không làm, không phát hiện mà bỏ qua thì kẻ xấu cứ nằm trong đó, phá phách, rồi số lượng người xấu tăng lên. Nếu ta đã bắt được những con sâu, con mọt thì sẽ làm tổ chức trong sạch hơn.

Theo ông có khó khăn rào cản nào không trong quá trình xử lý tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng khi có e ngại là gắn với lợi ích nhóm?

Cái này cần phải có một quyết tâm, phải làm thường xuyên liên tục đến nơi đến chốn, đến tận cùng. Với cái đà thực hiện tái cơ cấu hiện nay, phải làm mạnh, quyết liệt. Đối với những trường hợp sai phạm phải xử lý nghiêm, để có tác dụng răn đe tốt hơn.

Lợi ích nhóm cũng có thể có, nhưng chỉ chừng mực thôi. Qua 1 số vụ án lớn như vụ bầu Kiên, lúc đầu nhiều người cũng e ngại nhưng cuối cùng vẫn được xử lý rất nghiêm khắc.

Vậy cần làm gì để người dân có thể yên tâm đặt niềm tin vào đây?

Quan trọng nhất đối với NH đúng là niềm tin của công chúng, niềm tin của người dân và người gửi tiền. Hôm trước có vị đại biểu nói, thành quả của NH hiện nay tồn tại được và người ta tin không thể đổ vỡ vì Đảng, Chính phủ và Nhà nước không bao giờ để nó đổ vỡ.

Nhưng để nó thực sự hiệu quả thì phải kiện toàn bộ máy tổ chức cho tốt hơn. Ví dụ ở NH Nông nghiệp, 1 trong 4 NH chủ chốt, nhưng đối với cán bộ ở đấy liên tục thay đổi, thậm chí có người bị truy tố rồi. Cái tổ chức ra đời là đúng, lực lượng cán bộ nhân viên trong đó thành chuyên nghiệp rồi, còn cá nhân dù là người cao nhất nếu yếu kém thì cũng phải sẵn sàng thay thế, vi phạm phải thì phải xử lý nghiêm túc.

Chúng ta phải có những NH chủ lực, đảm bảo cho sự phát triển, nhưng đối với những anh kém cỏi, không nên để thì cũng nên để cho “chết”, nghĩa là có thể cho phá sản, giải thể, hoặc sáp nhập.

Nhưng khái niệm phá sản trong lĩnh vực NH ở ta chưa có?

Đúng rồi, nhưng vừa rồi luật phá sản có đề cập đến lĩnh vực NH. Ở các nước người ta gọi là phá sản qua đêm. Nghĩa là chấm dứt địa vị pháp lý cái tên và lãnh đạo đang có và chuyển sang một cái tên khác, môt ông chủ khác. Ngày hôm nay tuyên bố, sang ngày hôm sau nó vẫn hoạt động bình thường, và niềm tin của người dân lúc đó vẫn đảm bảo, vẫn gửi tiền vào và vẫn tồn tại phát triển.

Khi làm luật phá sản ta đã tính đến đặc thù này, trong đó có khái niệm phá sản qua đêm. Ví dụ hôm nay thứ 7 có tuyên bố ngân hàng X do ông Y đứng đầu đủ các điều kiện phá sản vì mất khả năng thanh khoản. Nhưng lúc đó sẽ có người khác, có thể một cá nhân hay tổ chức nào đó đứng ra mua lại NH. Sau đó họ sẽ đặt lại tên là ngân hàng Z, và người đứng đầu là ông B.

Ngày thứ 7 anh tuyên bố phá sản, nhưng ngày thứ 2 NH này lại hoạt động bình thường vẫn với bộ máy ấy, trụ sở ấy. Người ta gọi phá sản qua đêm là như thế.

Xin cảm ơn ông!

Theo 24h

{fcomment}