Một bước thành... doanh nhân

ngày 09/11/2016

Từ “Buôn thúng bán bưng” bỗng chốc trở thành doanh nghiệp rồi được gọi doanh nhân có lẽ là điều không dễ dàng đối với nhiều người kinh doanh cá thể tại TPHCM. Tuy nhiên, để đạt con số 500 nghìn doanh nghiệp (DN) vào năm 2020, TPHCM đang ráo riết vận động các hộ kinh doanh cá thể đủ điều kiện sớm thành lập DN theo luật.

Làm giám đốc…bất đắc dĩ

Tuyến đường TTH02 (phường Tân Chánh Hiệp, quận 12) chạy qua ao rau muống dài khoảng 700m, nhà cửa xập xệ, nhỏ xíu nhưng có gần 10 DN mở trụ sở, văn phòng với nhiều ngành nghề khác nhau như xây dựng, thương mại, giới thiệu việc làm… nên còn được người dân địa phương gọi bằng cái tên mỹ miều là “con đường doanh nghiệp”.

Nhưng đi dọc đường TTH02, hầu hết trụ sở, văn phòng công ty đóng cửa im ỉm. Gần giao lộ Tân Chánh Hiệp – TTH02, chị Loan (40 tuổi) đang lúi húi, chuẩn bị tháo dỡ biển hiệu công ty TNHH Nhân Tài Mê Kông để mở cửa hàng giày dép. “Công ty này của thằng em. Nó làm dịch vụ giới thiệu việc làm, dạy kèm học sinh tại tư gia nhưng không có khách nên đóng cửa mấy tháng nay”, chị Loan nói.

Theo hướng dẫn của chị Loan, rẽ vào đường TTN8 (phường Tân Thới Nhất, quận 12), chúng tôi gặp hàng loạt DNTN kinh doanh buôn bán rau, củ, quả, tôm, cá thịt, ốc, cua; quần áo, ổ khóa…. Ông Nguyễn Hùng Sang, giám đốc DNTN Hùng Cẩm đứng bán từng bó rau, cân thịt, kỳ kèo và thối từng đồng bạc lẻ cho khách…Thấy chúng tôi ngạc nhiên, ông Sang cười: “Tôi chỉ là giám đốc bất đắc dĩ thôi”.

Theo một số giám đốc thì các DN này mấy năm trước vốn là hộ kinh doanh buôn bán nhỏ. Các hộ đã tự nguyện hiến đất cho địa phương làm thành con đường rộng như ngày nay. Sau khi có đường, UBND quận 12 quyết xóa nạn buôn bán tự phát, lấn chiếm lòng lề đường.

Thế nhưng, các hộ đưa hàng hóa vào nhà bán nhưng vẫn bị thu gom hàng. Không chỉ thu giữ hàng, lực lượng chức năng còn lập biên bản xử phạt người vào mua hàng đỗ xe trên vỉa hè nên không ai dám vào mua nữa. Theo hướng dẫn của địa phương, các tiểu thương bèn làm thủ tục xin giấy phép kinh doanh hộ cá thể để khỏi phiền hà nhưng quận không giải quyết.

Để có giấy phép kinh doanh tránh bị gây phiền phức, các tiểu thương buộc phải lên Sở Kế hoạch và Đầu tư xin cấp phép thành lập DN tư nhân và trở thành giám đốc bất đắc dĩ vì quy mô, hoạt động mua bán không hề khác so với trước. Đại diện một số DN cho biết, từ ngày trở thành DN, người dân còn phải đóng thêm nhiều khoản thuế, phí như thuế DN, thuế môn bài, lệ phí quản lý hành chính... khiến nhiều hộ lâm vào hoàn cảnh khó khăn.

Một bước thành... doanh nhân - 1

Những doanh nghiệp “bất đắc dĩ” trên đường TTH02 (quận 12). Ảnh: Huy Thịnh.

Không mấy mặn mà

Có truyền thống 20 năm làm nghề sản xuất kẹp tóc, cột tóc ở phường 2, quận 4, nhưng khi nghe vận động thành lập DN để trở thành doanh nhân, bà Nguyễn Thị Hồng, chủ cơ sở nói thẳng “không mặn mà chuyện phải lên thành DN”.

Theo bà Hồng, chuyển lên thành DN với nhiều thủ tục giấy tờ phức tạp, rồi tăng thuế, tăng thêm chi phí trong khi sản phẩm làm ra cũng chỉ bán ở mức ổn định chứ không tăng lên chút nào nên không mong muốn gì thêm. Dù cơ sở của bà có hơn 10 lao động, đủ điều kiện thành lập DN nhưng theo bà Hồng họ chủ yếu là những người đến học việc, một số ít ở lại làm cho cơ sở hoặc làm thời vụ.

“Các hộ kinh doanh cá thể chỉ tự nguyện lên DN khi tất cả người mua hàng yêu cầu người bán xuất hóa đơn và cơ quan thuế phải minh bạch và đồng hành với người nộp thuế”.

Một chủ doanh nghiệp

Ông Mai Thanh Hải (chủ quán ăn gia đình trên đường Bác Ái, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức) cho biết, ai kinh doanh cũng có tham vọng làm ăn phát triển nhưng điều kiện hiện tại của họ không cho phép làm ngay được. “Mua rau, mua cá,... ngoài chợ, rồi khách hàng đến ăn uống nhỏ lẻ không yêu cầu xuất hóa đơn nên nếu chuyển lên thành DN thì cơ quan chức năng phải hướng dẫn xử lý thế nào? Làm sao những hộ kinh doanh cá thể như tôi hợp thức được hàng hóa mua vào bằng các hóa đơn để được khấu trừ khi tính thuế?”- ông Hải băn khoăn.

Nhiều hộ kinh doanh nói việc thành DN khiến họ đánh mất uy tín và thương hiệu. Ông Nguyễn Văn Đông, chủ hộ kinh doanh dịch vụ cho thuê xe Thành Công (quận Bình Thạnh, TPHCM) có 14 xe du lịch từ 4, 7, 15 cho đến 60 chỗ, sử dụng 12 lao động bao gồm lái xe, nhân viên bảo trì, điều hành, kế toán, kinh doanh... suốt mấy ngày qua như ngồi trên lửa vì được địa phương vận động thành lập DN.

“Theo quy định, khi lập DN, tôi phải làm thủ tục giải thể hộ kinh doanh. Tôi lo các khách hàng nghe cơ sở bị giải thể sẽ hiểu nhầm chúng tôi bị phá sản sẽ không còn muốn quan hệ làm ăn. Cái thương hiệu Thành Công chúng tôi đã gây dựng gần 20 năm nay, nếu chuyển thành DN tôi lo sẽ gặp trở ngại về thủ tục vì hiện nay đã có công ty lẫn DNTN có thương hiệu Thành Công”- ông Đông nói.

Bà Liên, tiểu thương chợ vải Soái Kình Lâm nói nếu bị bắt buộc, chắc chắn bà sẽ thu hẹp quy mô kinh doanh để không phải chuyển đổi lên DN. “Tui học hết lớp bảy, bán từng cái áo mới được như bây giờ. Không học qua trường lớp, làm sao biết sổ sách kế toán. Thuê người có chuyên môn thì không đủ khả năng. Đó là chưa nói nhiều mặt hàng tui lấy mối từ các cơ sở may gia công nhỏ lẻ, không có hóa đơn, chứng từ”.

Chia sẻ vớiTiền Phong, ông Trần Văn Thanh, Giám đốc công ty tư vấn thuế Thanh Hoa (quận 5) cho biết, công ty ông từng tư vấn cho một cơ sở kinh doanh đặc sản Ba Miền ở quận 6 để chuyển đổi lên DN. Sau nhiều ngày làm việc, kết quả cơ sở này vẫn không thành lập DN được dù trên thực tế sử dụng hơn 10 lao động. “Cái vướng ở đây là cơ sở kinh doanh không hợp thức được hàng hóa mua vào từ các hộ kinh doanh nhỏ lẻ ở chợ bằng các hóa đơn để được tính vào chi phí hợp lý, nhằm khấu trừ khi tính thuế”- ông Thanh nói.

Thu bạc tỷvẫn là tiểu thương

Nhiều đại lý, nhà hàng, quán ăn trên địa bàn TPHCM vẫn chưa đăng ký thành lập DN theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 dù doanh thu hàng tháng hàng tỷ đồng và có từ 10 nhân viên trở lên. Tối 6/11, nhà hàng T.H trên đường Hai Bà Trưng (quận 1) gần 40 bàn ăn đều có người ngồi ăn uống.

Khoảng 15 nhân viên phục vụ hối hả rót bia, mang thức ăn… theo yêu cầu của khách. Diệp (23 tuổi, nhân viên kế toán) cho biết, vào các dịp cuối tuần, nghỉ lễ, doanh thu của nhà hàng mỗi ngày trên 100 triệu đồng.

Ngày thường ít hơn song cũng thu tầm 30 - 40 triệu đồng. “Có mấy lần tôi thấy cán bộ thuế, UBND quận, phường xuống kiểm tra, yêu cầu lên làm thủ tục thành lập DN nhưng ông chủ cứ khất rồi không làm. Họp nhân viên, ổng nói nhà hàng bán đồ ăn. Khách đến ăn rồi về, thỉnh thoảng mới có người yêu cầu xuất hóa đơn thanh toán nên không cần lên DN làm gì cho mệt”, anh Diệp nói.

Theo ông Lê Duy Minh, Phó Cục trưởng Cục thuế TPHCM, Cục thuế đang phối hợp với các đại lý thuế để xác định, hỗ trợ các hộ kinh doanh lên DN. Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cấp chứng nhận cho DN mới nào thì Cục thuế sẽ hướng dẫn, tập huấn các kê khai thuế cho DN.

Với các DN siêu nhỏ, thu nhập dưới 1 tỷ đồng/năm sẽ nộp thuế theo phương pháp trực tiếp. “Việc kê khai thuế gần với cách thu hiện nay, chỉ có cái khác là tất cả đều dùng hóa đơn. Hiện nay cũng có nhiều hộ mua hóa đơn của nhà nước để sử dụng nên họ sẽ không ngỡ ngàng. Chỉ những DN lớn mới cần kê khai doanh thu chi phí, lãi lỗ… và cần có chế độ chính sách kế toán chuẩn”- ông Duy nói.

Theo ông Duy, hiện số hộ kinh doanh có doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm là rất lớn. Nhiều cơ sở kinh doanh dược phẩm, nhà hàng, nơi ăn uống lớn… có doanh thu rất cao nhưng vẫn hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh, cơ quan thuế rất khó kiểm soát doanh thu.

Các quận, huyện cần phối hợp với cơ quan thuế để có hình thức vận động những hộ kinh doanh đủ điều kiện về lao động, doanh thu chuyển thành DN. “Cần thiết, cơ quan thuế sẽ ngưng bán hóa đơn cho những hộ kinh doanh đủ điều kiện nhưng không chịu chuyển đổi”, ông Minh đề xuất.

Chỉ 7 hộ lên… doanh nghiệp

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, qua rà soát và báo cáo từ 24 quận huyện, TPHCM có gần 300.000 hộ kinh doanh đăng ký hoạt động, trong đó quy mô trên 10 lao động là 1.182 hộ. Tuy nhiên, đến đầu tháng 11, Sở KH&ĐT chỉ mới nhận được hồ sơ của 7 hộ đăng ký chuyển đổi sang mô hình DN, trong đó Sở đã xử lý và trả kết quả cho 5 trường hợp, 2 trường hợp còn lại đang chờ bổ sung.

Xóa tình trạng giám đốc kiêm… lái xe

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đang xây dựng văn bản quy địnhhộ kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng, du lịch… chỉ được vận chuyển trong phạm vi địa phương nơi phương tiện được cấp phù hiệu nhằm từng bước hạn chế hộ kinh doanh nhỏ lẻ, giảm nạn xe dù, xoá bỏtình trạng một đơn vị chỉ có một, hai đầu xehợp đồngnhưngchạy khắp cả nước. Đặc biệt, quy định này sẽ xoá bỏ tình trạng khá phổ biến hiện nay là một gia đình có một đầu xe cũng lập đơn vị vận tải, trong đó chồng làm giám đốc kiêm lái xe còn vợ là kế toán kiêm cán bộ quản lý an toàn giao thông. Đây cũng là nguyên nhân khiến xe khách thiếu an toàn, khó quản lý như hiện nay.

Nguồn 24h