Lộ diện "gương mặt ngoại" mua cổ phần GP.Bank

ngày 19/09/2013

Ngân hàng thứ 9 thuộc diện tái cơ cấu lại là Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu (GP.Bank) đang đàm phán để bán cổ phần cho ngân hàng United Overseas Bank (UOB) của Singapore. 

 

GP.Bank - ngân hàng thứ 9 trong diện phải tái cơ cấu (ảnh minh họa).
GP.Bank - ngân hàng thứ 9 trong diện phải tái cơ cấu (ảnh minh họa).

Thông tin từ Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu (GP.Bank) cho biết, ngân hàng này đang đàm phán để bán cổ phần cho ngân hàng United Overseas Bank (UOB) của Singapore. Tuy nhiên, do vướng mắc về tỷ lệ cổ phần bán và mức giá bán nên hai bên chưa đi đến phương án thống nhất.

Được biết, ngân hàng United Overseas Bank (UOB) là một “đại gia” trong lĩnh vực ngân hàng của Singapore và đã có mặt tại Việt Nam từ năm 2008. UOB được thành lập tại Singapore vào năm 1935 với tên gọi United Chinese Bank. Đến năm 1965, ngân hàng này đổi tên thành United Overseas Bank với mong muốn trở thành một ngân hàng hàng đầu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong suốt 77 năm qua, UOB đã phát triển thông qua hàng loạt vụ mua lại mang tính chiến lược và sự tăng trưởng có hệ thống. Các ngân hàng con chủ yếu của UOB trong khu vực hiện nay bao gồm United Overseas Bank (Malaysia), United Overseas Bank (Thái Lan), PT Bank UOB Indonesia và United Overseas Bank (Trung Quốc). Danh sách công ty con của UOB cũng bao gồm Ngân hàng Far Eastern Bank.

Năm 2008, UOB bỏ ra trên 480 tỷ đồng mua 10% cổ phần và trở thành cổ đông nước ngoài của Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank). Sau 2 lần mua thêm 5% cổ phần, hiện tại, UOB hiện là cổ đông chiến lược của Southern Bank, nắm giữ 20% cổ phần.

Với kinh nghiệm việc mua cổ phần từ Southern Bank, dư luận cho rằng, vướng mắc khiến “thương vụ” mua bán cổ phần giữa GP.Bank và UOB chưa đi đến hồi kết, có lẽ UOB đang muốn “ép giá” với GP.Bank để sở hữu 20% cổ phần GP.Bank, thậm chí là 30%.

Tuy nhiên, theo quy định, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa 15% cổ phần của ngân hàng trong nước, trường hợp đặc biệt phải trình Chính phủ mới được sở hữu 20% cổ phần.

Nhưng theo tinh thần của Đề án 254, Nghị định 69 sửa đổi trình Chính phủ theo hướng, trong trường hợp đặc biệt, phục vụ quá trình tái cơ cấu, có thể trình Chính phủ cho phép nhà đầu tư tham gia trên 30% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng đối với từng trường hợp cụ thể.

Như vậy, GP.Bank là ngân hàng cuối cùng trong 9 ngân hàng thuộc diện phải tái cơ cấu lại. 8 ngân hàng yếu kém đã được xử lý là các ngân hàng: TrustBank (nay là Ngân hàng Xây dựng), Ficombank, SCB, TinNghiaBank (đã hợp nhất), Habubank (sáp nhập với SHB), WesternBank (hợp nhất với PVFC), Navibank (tự tái cơ cấu), TienPhongBank (tự tái cơ cấu).

Thông tin ngân hàng United Overseas Bank (UOB) của Singapore muốn mua lại cổ phần của GP.Bank được “hé lộ” thời điểm này nay cũng khá phù hợp. Bởi trước đó, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, thì “1 ngân hàng yếu kém còn lại, Ngân hàng Nhà nước đang xem xét, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phương án tự củng cố, chấn chỉnh trên cơ sở có sự tham gia vốn của TCTD nước ngoài”.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, bên cạnh việc tập trung chỉ đạo xử lý 9 ngân hàng TMCP yếu kém đã được xác định từ đầu năm 2012, cơ quan này đang tiếp tục đánh giá và xác định thêm một số TCTD yếu kém và yêu cầu các TCTD này xây dựng Phương án cơ cấu lại trình NHNN phê duyệt để đảm bảo xử lý dứt điểm, căn bản các TCTD yếu kém trong năm 2013 theo đúng mục tiêu đặt ra tại Đề án.

 

Nguyễn Hiền - NM

{fcomment}